Đào đường nhựa, phủ bê tông

Đào đường nhựa, phủ bê tông
TP - Để có đường cho buýt nhanh (BRT), Hà Nội đang phải bóc một phần mặt đường nhựa nhiều tuyến phố để thực hiện Dự án phát triển giao thông đô thị. Ngoài lãng phí, tình trạng thiếu tầm nhìn trong quy hoạch giao thông Hà Nội đang tái diễn.

> Hà Nội bóc đường nhựa, làm đường bê tông cho bus nhanh
> Tháng 2/08, xây dựng tuyến bus nhanh Hà Đông-bến xe Kim Mã

Bóc gần 12 km làn đường

Dư luận chưa hết bất ngờ với thông tin sau hơn 10 tháng thông xe cầu vượt lắp ghép Láng Hạ đang cần hơn 10 tỷ đồng để gia cố phục vụ Dự án phát triển giao thông đô thị (GTĐT) thì gần đây lại quan ngại với việc một phần mặt đường nhựa tuyến đường Lê Văn Lương đang phải bóc ra làm đường chuyên dụng cho xe buýt nhanh.

Với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được TP Hà Nội khởi công tháng 3/2013. Mỗi giờ buýt BRT vận chuyển khoảng 2.000 hành khách, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho nhiều tuyến phố. Dự kiến năm 2015 tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội sẽ đi vào vận hành.

Theo Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư), Dự án phát triển GTĐT Hà Nội có hợp phần: Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt, trong đó tập trung xây dựng một số tuyến xe buýt vận chuyển hành khách tốc độ cao, khối lượng lớn (BRT). Với tuyến buýt Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) là tuyến BRT số 1.

Do thiết kế đường nhựa mỏng và dễ lún khi có phương tiện khối lớn thường xuyên chạy qua nên để phục vụ được buýt BRT, mặt đường phải được làm bằng chất liệu cứng (bê tông). Do vậy một phần mặt đường nhựa hai chiều trên đường Lê Văn Lương (phần tiếp giáp với dải phân cách giữa) được bóc ra để thảm bê tông.

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến buýt BRT số 1 có chiều dài 14 km, khởi điểm từ bến xe Kim Mã, đi qua các tuyến phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La, đến điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Trong suốt hành trình trên, chỉ có 2,5 km buýt BRT phải đi chung đường với các phương tiện khác, còn lại đi theo đường dành riêng (bê tông cứng). Sẽ có một làn mặt đường nhựa của gần 12 km đường từ Kim Mã đi Yên Nghĩa phải bóc để làm đường bê tông.

Lãng phí và thiếu tầm nhìn

Ghi nhận của PV Tiền Phong vào ngày 25/6, dọc tuyến đường Lê Văn Lương đoạn từ Láng đến Khuất Duy Tiến là những công trường ngổn ngang. Tại phần đường dành cho xe ô tô tiếp giáp với dải phân cách giữa đường, nhiều đoạn được quây rào xung quanh, bên trong công nhân và máy công trường đang khoan ủi bóc đi lớp bê tông nhựa có độ dày 10 đến 15 cm. Mặt đường Lê Văn Lương (phần tiếp giáp với dải phân cách giữa) đoạn qua khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính như những đoạn mương cạn, nước mưa, cát sỏi lổn nhổn.

Với đoạn qua Nhà văn hóa quận Thanh Xuân và nút giao thông Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân đã được thảm bê tông, tuy nhiên do mặt đường thảm gồ ghề và điểm tiếp giáp với mặt đường nhựa Lê Văn Lương có cao độ từ 3 đến 5cm nên nhiều phương tiện không muốn đi lên.

Thời điểm 10h sáng, dù đã ngoài giờ cao điểm nhưng đường Lê Văn Lương vẫn xảy ra ùn ứ do phương tiện bị dồn về phía làn đường nhựa dành cho xe máy và thô sơ. Tiếp xúc với PV, nhiều người đi đường tỏ ra bất ngờ khi mặt đường nhựa mới thảm, bị bóc từng lớp, công trường quây ngổn ngang gây ảnh hưởng đến việc đi lại.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, Dự án Phát triển GTĐT Hà Nội trong đó có hợp phần: Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt nhanh được UBND TP Hà Nội triển khai từ năm 2006. Tuy nhiên với tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài sau này mới xây dựng nhưng đến nay mặt đường ở đây vẫn phải đào lên để đổ bê tông làm đường xe buýt BRT là điều khó hiểu.

“Ngoài sự lãng phí, quy hoạch giao thông của Hà Nội vẫn thiếu tầm nhìn và rất manh mún”, ông Vũ Đình Hiền, Phó trưởng bộ môn đường bộ, ĐH GTVT nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG