Bước ra khỏi lều chõng

Bước ra khỏi lều chõng
TP - Trên 650 ngàn sĩ tử cả nước ứng thí đợt 1 vào đại học, cao đẳng thế là đã về lại các vùng quê, từng ngôi nhà của mình. Đem theo và ấp ủ hàng triệu niềm hy vọng của bản thân cùng người thân về một chỗ ngồi trên giảng đường phía trước.

> Khi sĩ tử vẫn mua may bán rủi
> Sĩ tử 'lều chõng', sờ đầu rùa thời @

Nếu tính hết cả 3 đợt thi năm nay, sẽ có tới 2 triệu lượt thí sinh lều chõng, với gấp nhiều lần sự phập phồng hy vọng phía sau.

Đa phần những niềm hy vọng do mỗi kẻ đèn sách tự tay giành lấy. Cá biệt có thí sinh khiếm thị ở Đà Nẵng, dù thuộc diện được đặc cách vào đại học, nhưng vẫn quyết đi thi để tự chọn tương lai cho mình. Hay như "chàng Nick" người dân tộc Gia Rai tên là Nay Djruêng khuyết cả tứ chi vì chất độc da cam vẫn lặn lội từ bản làng Tây Nguyên xuống Quy Nhơn ứng thí mà không chờ ưu tiên xét tuyển.

Có sự chật vật giành lấy hy vọng từ lều chõng, như trường hợp thí sinh nọ từ Bình Định ra Đà Nẵng, chưa kịp thi đã đổ bệnh. Thế là cứ thi xong mỗi môn, cậu bé lại được các tình nguyện viên chở vào… bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Có niềm hy vọng giảng đường được chở bằng xe…thiết giáp, như nhiều thí sinh Thái Nguyên được các chú bộ đội chất lên xe chở vượt qua những vùng ngập lụt để kịp đến phòng thi. Cũng có những niềm vui đến sớm mà không cần phải lo lắng thi cử, như nhiều thí sinh thuộc 20 huyện đặc biệt khó khăn được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng chính quy.

Niềm hy vọng còn được cầu may bằng cảnh chen nhau vuốt đầu rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Lại có thứ hy vọng được thực hiện bằng đánh cắp, như vừa phát hiện mấy "cascadeur" thi thuê tại Hà Nội.?

Hàng triệu ông cha bà mẹ nghèo khổ gom góp vay mượn vượt hàng trăm cây số đưa con đi thi, rồi ngày ngày đội nắng treo chân trước cổng trường thi nơm nớp ngó vào. Để rồi chẳng mấy ngày nữa, sẽ hiện ra hàng triệu niềm thất vọng, khi nhiều người không thấy tên trên "bảng vàng".

Lều chõng chỉ là thứ bổn phận mang vác đầu đời của bất kỳ ai, không phải nơi trú ngụ suốt đời. Thế nhưng sự kỳ vọng cũng như thất vọng vào nó quá lớn. Hầu hết mọi guồng máy xã hội cũng đều phải lao theo phục vụ "sự nghiệp lều chõng", tổn phí về vật chất lẫn tinh thần khó thể đong đếm được.

Thi đỗ là điều đáng mừng, tạo đà bước tiếp. Giành được ngôi thủ khoa cũng mới chỉ là thành tích, chứ chưa phải thành tựu. Thành tựu chỉ là khi người ta đóng góp được gì thực sự có ích cho xã hội. Kể cả với những ai không có bằng cấp cao.

Vài năm lại đây, dấu hiệu đáng mừng là các sĩ tử đã phần nào "tỉnh ngộ" giấc mơ đại học, khi chứng kiến ngày càng nhiều cử nhân làm công nhân. Tỷ lệ chọi vào các trường cao đẳng, trường nghề bắt đầu tăng lên. Việc các trường tự chủ xét tuyển cũng đang hướng tới lộ trình rõ ràng hơn. Lều chõng lúc ấy sẽ không còn là "ông kẹ" như bây giờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG