Hà Nội muốn lên bậc năng lực cạnh tranh

Hà Nội muốn lên bậc năng lực cạnh tranh
TP - Sáng qua, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị với nhiều sở, ngành, quận huyện và nhóm chuyên gia của Phòng Thương mại & Công nghiệp VN để cùng phân tích, đánh giá thực trạng, tìm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội...

Cứ cấp nhiều dự án là PCI cao?

Đại diện nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, nguyên nhân của việc Hà Nội tụt hạng quá mạnh trong đánh giá năm 2012 do các thủ tục hành chính của Hà Nội trong đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp chưa tốt.

Năm 2011, các khó khăn chủ yếu nằm ở lĩnh vực thuế, hoá đơn VAT, khai báo thuế, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội. Đến năm 2012, hạn chế về thuế tiếp tục bị đánh giá chưa mấy cải thiện. Doanh nghiệp cũng kêu ca nhiều về thủ tục xây dựng, thẩm định và cấp phép quy hoạch, xây dựng, đăng ký kinh doanh...

Bên cạnh việc nghiêm túc tiếp thu các đánh giá từ VCCI, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, nếu cùng một chỉ số, công thức đánh giá mà lại áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành phố thì có thể dẫn đến thiếu chính xác do tính đặc thù cao của Hà Nội. Ví dụ, đất đai của Hà Nội đương nhiên sẽ không thể thoải mái như một số tỉnh được vì quỹ đất đô thị của Hà Nội rất hạn chế, lại chịu sự quản lý rất chặt chẽ về quy hoạch. Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, đánh giá của VCCI về chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội thấp nhất trong 63 tỉnh, thành do đất đai của Hà Nội hầu hết liên quan giải phóng mặt bằng, quy hoạch.

Cũng theo ông Hậu, ngay trong cấp đất lập dự án, đã có nhiều tỉnh khá “xông xênh”, cấp đất ồ ạt cho nhà đầu tư và đã thu hút một lượng rất lớn dự án. “Đương nhiên vào thời điểm ấy thì PCI phải tăng rất cao, nhưng sau một vài năm hàng trăm dự án bỏ hoang, không triển khai được thì PCI tính ra sao? Có bao nhiêu tỉnh, thành rơi vào tình trạng này?”-ông Hậu đặt câu hỏi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, quy hoạch của Hà Nội những năm qua có nhiều thay đổi từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết đã tác động rất mạnh đến cấp phép xây dựng. “Nếu chúng ta có thiết kế tuyến phố, quy hoạch chi tiết đầy đủ thì cấp phép sẽ nhanh”-ông Tuấn kiến nghị. Tiếp thu các ý kiến của Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết, mỗi địa phương có đặc thù riêng, nhất là vấn đề đất đai của Hà Nội. “Đây là kết quả điều tra xã hội học nêu ra có tính chất tham khảo”- đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI nói.

Giảm Chi phí không chính thức

Nhằm cải thiện thực sự PCI trong năm 2013 và các năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu tất cả các sở, ngành, quận huyện đều phải thực hiện nghiêm Chỉ thị của UBND thành phố về cải thiện PCI.

Trong đó tập trung vào dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động, chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức và chỉ số tính năng động của chính quyền...

Mỗi sở, ngành, quận, huyện đều phải thực hiện kiểm điểm, đánh giá thường xuyên đến từng cán bộ, công chức. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Sở QHKT chủ trì phối hợp hoàn thiện các quy hoạch phân khu; giao Sở TNMT và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát các thủ tục hành chính liên quan đất đai.

Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý khẳng định, Hà Nội đã xác định xây dựng giải pháp cụ thể của từng đơn vị đối với các chỉ số thành phần để cải thiện PCI. Sở KH&ĐT tập trung giảm thời gian, thủ tục đăng ký kinh doanh; ban hành sổ tay hướng dẫn đăng ký kinh doanh theo hướng cầm tay chỉ việc để doanh nghiệp và người dân dễ thực hiện; cải cách hành chính các thủ tục đầu tư.

“Mục tiêu của Hà Nội trong năm nay là phấn đấu cải thiện tăng bậc; tập trung nâng bậc 5 chỉ số mà năm 2012 còn thấp như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian thực hiện quy định Nhà nước, chi phí không chính thức; tính năng động, tiên phong của các cấp chính quyền và chỉ số thiết chế pháp lý” - ông Ngô Văn Quý cho hay.

Theo công bố của VCCI, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2012 đã tụt giảm tới 15 bậc, từ 36/63 của năm 2011 xuống 51/63. Trong đó chỉ số tiếp cận đất đai rơi xuống hàng thấp nhất 63/63. Đây là kết quả điều tra 8.053 doanh nghiệp trên cả nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG