Đợi ngoài cổng hai năm chưa được tiếp

Đợi ngoài cổng hai năm chưa được tiếp
TP - Đó là câu chuyện Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương nêu tại phiên họp UBTVQH bàn sửa nghị quyết tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, sáng 12/7.

> Tăng cường đối thoại, tiếp dân tại cơ sở
> Tăng quyền biểu quyết của công dân

Để dân chầu trực phản cảm lắm

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, công dân đợi suốt hai năm ngoài cổng Văn phòng Quốc hội (VPQH) mà vẫn chưa được tiếp có tên là Dung. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, hầu như ngày nào bà Dung cũng đến cổng VPQH để được gặp người có trách nhiệm giải quyết đơn thư của bà.

Nhưng thời gian đó, bà Dung không gặp được ai và cũng không được ai ra tiếp. “Tôi thấy việc này phản cảm lắm, vì hầu như ngày nào công dân cũng đến hò hét, gọi tên một vị Phó Chủ tịch Quốc hội, nhưng Ban Dân nguyện, các Ủy ban khác cũng không ai ra tiếp.

Tôi cũng chẳng thấy ai hỏi xem là họ khiếu nại, hay tố cáo vấn đề gì. Tôi biết là có việc đã được giải quyết rồi, nhưng nếu công dân còn đến thì chắc có gì đó chưa thỏa đáng” – bà Nương nói. Bà Nương cho rằng, khi sửa nghị quyết về việc tiếp dân, những việc như thế này phải làm trước, dù có thể những trường hợp như bà Dung không nhiều lắm.

Trước đòi hỏi của cuộc sống và thực tiễn đang đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: “Khi sửa nghị quyết thì phải tạo được chuyển biến gì hơn so với nghị quyết hiện hành. Đấy là cái chúng ta cần phải làm rõ”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho hay, nghị quyết lần này sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm trong tiếp dân của Quốc hội, các cơ quan và ĐBQH; quy định rõ trình tự thủ tục, khắc phục một số bất cập. Trong 4 năm qua, với hàng vạn đơn thư, riêng đơn thư gửi Quốc hội là 31 nghìn, nên cũng khó tránh khỏi một số hạn chế.

Đơn chạy lòng vòng

Đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị quy định rõ việc tiếp dân không chỉ là tiếp nhận đơn thư, mà còn cần lắng nghe ý kiến của người dân, tư vấn, giúp đỡ họ hướng giải quyết như thế nào, như hướng dẫn nộp đơn đúng chỗ, giải thích để dân yên tâm. Phải có địa điểm để tiếp dân, bởi người dân đã đến gặp mình là vì họ quá bức xúc rồi. Việc này hoàn toàn khác với chúng ta đi tiếp xúc cử tri” – bà Nương nói.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thẩm quyền giải quyết đơn thư là cơ quan hành pháp, tuy nhiên “phải hạn chế việc để dân phải đứng ngoài cổng treo biển, treo băng rôn...chúng ta phải có nơi, phải mời bà con vào tiếp” – ông Phúc nói.

Hạn chế trong tiếp dân được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ: “Chúng ta mới dừng ở việc nhận rồi chuyển đơn chứ chưa phân loại đơn đúng hay sai, ngoài ra QH, các cơ quan của QH cũng chưa có người để giám sát xem đơn đó được giải quyết ra sao”. Theo Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh, cần khắc phục tình trạng đơn thư bị chuyển lòng vòng, bởi như vậy có thể vô hiệu hóa quá trình giải quyết đơn thư của dân. Ngoài ra, cần giám sát trách nhiệm trong thực hiện các kết luận, quyết định sau khi đơn thư đã được giải quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG