Lương công nhân chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu

Lương công nhân chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu
TP - Hôm nay (27/7), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013-2018) khai mạc với sự tham dự của 950 đại biểu chính thức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 30/7.

> Cô công nhân Cơ Tu ứng thí với 200 ngàn đồng
> Thí sinh ngất xỉu khi đang làm bài thi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) cho biết, hiện cả nước có 50,3 triệu người đang làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó có 15 triệu người làm công, hưởng lương. Trong nhiều năm qua, tổ chức công đoàn đã đấu tranh trong mọi cơ hội có thể để tăng mức lương tối thiểu cho lao động.

TLĐLĐ Việt Nam đánh giá: Từ năm 2008 đến nay, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh năm lần, tăng trung bình hơn 20% mỗi năm nhưng chưa được cải tiến, đổi mới cơ bản nên còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý. Mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. “Tiền lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự bất hợp lý và khoảng cách thu nhập lớn trong xã hội”.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tuy rằng kinh tế vẫn tăng trưởng trong những năm qua nhưng đời sống của lao động chậm được cải thiện. Chỉ khoảng 5% số lao động được lưu trú trong các khu nhà do Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, còn lại hàng chục vạn lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống trong các khu nhà tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn và dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Nhiều khu công nghiệp không có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập cho con em người lao động.

Theo TLĐLĐ Việt Nam, bình quân hằng năm xảy ra hơn 5.000 vụ tai nạn lao động với gần 6.000 người bị tai nạn lao động, trong đó có gần 600 người chết. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều, vì đơn vị để xảy ra tai nạn lao động không báo cáo với cơ quan quản lý nên không thống kê được hết”.

Tình trạng doanh nghiệp trốn tránh, chiếm dụng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rất nghiêm trọng. Tính đến ngày 31/12/2012, nợ đọng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp của cả nước là hơn 4.600 tỷ đồng; năm tháng đầu năm 2013, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên đến hơn 9.500 tỷ, Báo cáo cho biết.

Lần đầu tiên Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) tham gia BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam. Điều này có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc bởi nhiều năm qua, TLĐLĐ Việt Nam đã thí điểm xây dựng nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn khi hành nghề trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG