Ai chịu trách nhiệm việc xây sân vận động chục triệu đô?

Ai chịu trách nhiệm việc xây sân vận động chục triệu đô?
Ông Lê Như Tiến. TP - Trước hội chứng xây sân vận động khủng tại các huyện ngoại thành Hà Nội, trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết đây là “căn bệnh hoành tráng” vốn đã có từ lâu, nay lại tái phát nghiêm trọng. Ông Tiến nói:

> Cung Thể thao Quần Ngựa: Cần chục tỷ đồng chống xuống cấp
> Huyện Hoài Đức có 'xé rào' đầu tư vụ SVĐ trăm tỷ

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội, Chính phủ có nhiều quyết sách về tiết kiệm chi ngân sách, giảm nguồn chi từ 10 đến 15% tại mỗi đơn vị thì việc xây dựng các công trình vượt chuẩn, có mức đầu tư kinh phí lên tới hàng triệu USD gây lãng phí và tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tôi xin nói rõ, lãng phí ở đây phải được nhìn ở hai khía cạnh, thứ nhất là công trình quá lớn được xây từ ngân sách Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước chính là tiền thuế, là mồ hôi công sức của người dân. Vì vậy, cán bộ quản lý các cấp không được tự cho mình quyền sử dụng không hiệu quả nguồn vốn ngân sách.

Thứ hai, nếu công trình xây dựng lớn để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân thì có thể xem xét. Nhưng tôi được thông tin khi sân vận động xây dựng xong chỉ để các địa phương giao lưu hoặc sử dụng vài buổi mỗi năm. Như vậy, SVĐ bỏ không quanh năm, gây lãng phí thất thoát ở khía cạnh hiệu quả sử dụng của công trình.

Xây dựng công trình lớn, rồi để mặc chúng “thi gan cùng tuế nguyệt” là có tội với người dân. Bởi hiện nay, người dân rất cần những công trình như trường học, bệnh xá, bệnh viện, đường giao thông..

Riêng khán đài A của sân vận động Hoài Đức (Hà Nội) đã tới 3.500 chỗ ngồi. Ảnh: Minh Tuấn
Riêng khán đài A của sân vận động Hoài Đức (Hà Nội) đã tới 3.500 chỗ ngồi. Ảnh: Minh Tuấn.

Ngoài, bệnh thích hoành tráng ra, dư luận còn lo ngại có “nhóm lợi ích” khi thực hiện các dự án này?

Trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội về xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn Nhà nước đã chỉ ra có những công trình thất thoát, lãng phí lên tới 30%, 40%. Tôi không loại trừ có nhóm lợi ích cấu kết với nhau để “chia chác”. Bởi trong xây dựng cơ bản, có khá nhiều kẽ hở để lợi dụng ăn chia và gây thất thoát lãng phí.

Bắt đầu từ sai lầm trong chủ trương đầu tư sẽ gây lãng phí, thất thoát nghiêm trọng nhất, cả lãng phí trực tiếp và lãng phí gián tiếp. Tiếp đó là thất thoát trong khâu khảo sát thiết kế; đền bù. Đặc biệt trong khâu thi công xây lắp công trình như: thi công không đúng thiết kế; sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng; khai khống khối lượng...

Đầu tư công - mạnh ai người đó “vẽ”

Mặc dù các công trình lãng phí trong đầu tư công được chỉ mặt điểm tên, tuy nhiên sự việc này vẫn còn tiếp diễn rất phức tạp, quy mô ngày càng lớn?

Chúng ta đang thiếu quy hoạch trong đầu tư công, công trình của cấp nào, người đứng đầu của cấp đó có quyền tự quyết và dẫn tới tình trạng mạnh ai người đó làm. Điều đó có thể thấy trong việc xây dựng các trung tâm thể dục thể thao cấp huyện ở Hà Nội có khoản đầu tư rất chênh lệch, khi huyện Hoài Đức là 200 tỷ, Thanh Oai là 52 tỷ, Đan Phượng 32 tỷ đồng.

Nếu chúng ta có quy hoạch về các thiết chế văn hóa dựa trên dự báo nhu cầu của người dân để nâng cấp, tu bổ hay là làm mới các công trình văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động… sẽ không tạo ra hội chứng sân vận động hoành tráng như trên.

Quy hoạch phải đồng bộ từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, thành phố và vùng. Khi có quy hoạch cụ thể, các huyện, không thể cát cứ. Nếu một huyện có sân vận động lớn có thể đáp ứng các khu vực xung quanh, để tránh lãng phí nguồn lực đất nước. Ngoài quy hoạch theo địa phương, theo vùng, cần có quy hoạch theo ngành dọc, ví dụ khi xây sân vận động cần căn cứ theo quy hoạch của ngành Văn hóa - Thể dục - Thể thao.

Ngoài ra, Nhà nước đang thiếu một cơ chế để buộc những người ra quyết định, chủ trương phải xem xét, lắng nghe đầy đủ những ý kiến phản biện, góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học và từ người dân. Nếu khi xây một sân vận động chúng ta nghiên cứu xem quy mô dân số, lứa tuổi, bao nhiêu % người yêu thích thể dục thể thao, để cân đối về quy mô xây dựng. Tiếp đó là tham khảo ý kiến của người dân, họ chính là chủ thể thụ hưởng công trình đó.

 Câu trả lời rất rõ: Cấp nào phê duyệt, cấp đó phải chịu trách nhiệm đối với các công trình gây thất thoát lãng phí. Vì chúng ta đã đưa trách nhiệm người đứng đầu vào Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Mặc dù có Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội và chỉ thị của Chính phủ về siết chặt đầu tư công, tránh thất thoát lãng phí, nhưng lãnh đạo huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn xây dựng lớn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các vị lãnh đạo tại đây .

Ông Lê Như Tiến

Nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí ở khắp nơi, nhưng rất khó quy trách nhiệm, Phải chăng vẫn còn những khoảng trống luật pháp làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng công?

Câu trả lời rất rõ: Cấp nào phê duyệt, cấp đó phải chịu trách nhiệm đối với các công trình gây thất thoát lãng phí. Vì chúng ta đã đưa trách nhiệm người đứng đầu vào Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Mặc dù có Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội và chỉ thị của Chính phủ về siết chặt đầu tư công, tránh thất thoát lãng phí, nhưng lãnh đạo huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn xây dựng lớn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các vị lãnh đạo tại đây.

Trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã từng nói lãng phí cũng là tội, nó cũng là quốc nạn chẳng thua kém tội tham nhũng. Tuy nhiên tham nhũng xử vào tù, nhưng lãng phí thì chưa một ai truy cứu trách nhiệm hình sự, mới đặt ở mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Về hệ thống văn bản pháp luật, tôi thấy đã khá đầy đủ như Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Phòng, Chống tham nhũng, Luật Đấu thầu…Tuy nhiên, cái thiếu của chúng ta chính là việc ban hành luật không đi cùng với việc kiểm tra giám sát thi hành luật. Vì vậy, dù nhìn thấy lãng phí, nhưng chưa biết tội của ai!

Xin cảm ơn ông.

N.C.KHANH
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.