Lấy mẫu gạo xét nghiệm tìm chất độc hại

Lấy mẫu gạo xét nghiệm tìm chất độc hại
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong hôm qua 2/8, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định đến thời điểm này ngành y tế chưa phát hiện trong gạo ở Việt Nam có chứa hóa chất độc hại.

> Chất độc trong thực phẩm nhiều do... không có cán bộ!
> Ăn gì cũng 'dính' độc

“Kết quả lấy mẫu kiểm tra về các chất hóa học trong gạo từ đầu năm đến nay cho thấy không phát hiện các chất cấm dùng để tẩy trắng trong gạo”. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết sau khi báo Tiền Phong phản ánh có hiện tượng này, sẽ tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian tới.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó chi cục An toàn thực phẩm TPHCM cũng cho biết hiện phụ gia thực phẩm benzoyl peroxide được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong bột mì theo thông tư 27 của Bộ Y tế, trong khi đó, chất calcium peroxide không có trong danh mục chất phụ gia.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, TS Phan Thế Đồng- nguyên trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, benzoyl peroxide có mã số phụ gia thực phẩm là E928 và calcium peroxide có mã số phụ gia thực phẩm là E930. “Đây là các chất dùng trong bột để làm trắng bột và làm cho bột dai, nhất là bột mì. Nếu sử dụng cho bột gạo, bột nếp hoặc bột làm từ khoai mì thì chỉ có tác dụng tẩy trắng là chủ yếu, rất ít có tác dụng làm dai. Ngoài ra còn dùng để tẩy trắng dầu và sáp”- TS Đồng nói.

Theo TS Đồng, hiện nay Liên minh châu Âu vẫn chưa đưa các hợp chất này vào trong danh sách các chất phụ gia thực phẩm. Ở Mỹ cho phép dùng để tẩy trắng bột nhưng có khuyến cáo đối với những người bị hen suyễn, những người có vấn đề về mắt. Đồng thời các chất này không được sử dụng trong các sản phẩm hữu cơ.

Công bố bún nhiễm độc vì lo sức khỏe người dân

Chiều qua 2/8, bà Lê Thị Cẩm Nhung- Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN có công văn gửi báo chí, cho biết 24/30 mẫu bún có chất làm trắng huỳnh quang mà nơi đây công bố vừa qua mặc dù có những thông tin phản ứng trái chiều nhưng việc công bố là cần thiết.

Theo bà Nhung, khi quyết định việc thông tin kết quả khảo sát để cảnh báo cho người tiêu dùng về vấn đề này, Hội cũng đã tính đến những rủi ro có thể có đối với những nhà sản xuất, kinh doanh nghiêm túc. Song những rủi ro đó, nếu có cũng chỉ là tạm thời còn những rủi ro, thiệt hại của người tiêu dùng khi tiếp tục phải ăn các sản phẩm bún có chứa chất độc hại chưa ai tính được và cũng không có gì để đảm bảo rằng các tổn hại sức khỏe này không gây ảnh hưởng đến các thế hệ sau của người tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG