Bão tan, đề phòng lũ quét

Bão tan, đề phòng lũ quét
TP - Chiều tối 3/8, sau khi đi vào khu vực Quảng Ninh, bão số 5 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, và thành vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc vào rạng sáng 4/8.

> Bão số 5 suy yếu, Hà Nội vẫn thành sông
> Cảnh báo nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập úng

4 người bị thương

Thời điểm bão đi qua, gây gió mạnh cấp 8, giật tới cấp 10, 11 ở đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô; ở Móng Cái gió giật tới cấp 10, Quảng Hà giật cấp 8… Ở các tỉnh miền Bắc có mưa vừa, mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến 50 -100 mm. Một số điểm mưa lớn là Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 180mm; Cô Tô (Quảng Ninh) 214mm; Cửa Ông (Quảng Ninh)128mm; Sơn Động (Bắc Giang) 170m, Ninh Bình 135mm, Chi Nê (Hòa Bình) 123mm…Vùng núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Đường phố Hà Nội ngập lụt sáng 3/8. Ảnh: Nguyễn tú
Đường phố Hà Nội ngập lụt sáng 3/8. Ảnh: Nguyễn tú.

Chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư có công điện, gửi các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống do lũ thượng nguồn sông Thái Bình đang lên nhanh, có thể đạt báo động I, II.

Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN Nam Định, đến 18 giờ ngày 3/8, tỉnh này không có thiệt hại gì đáng kể. Tại Thái Bình, do lượng mưa, gió nhỏ, nên ít bị ảnh hưởng.

Theo Ủy ban Quốc gia TKCN, đến cuối giờ chiều qua 3/8, có 4 người bị thương do mưa bão, trong đó Quảng Ninh 3 người, Bắc Giang 1 người. Bão số 5 gây đổ 2 cột ăng ten viễn thông và 14 cột điện hạ thế (Quảng Ninh); sập 3 nhà dân (Quảng Ninh); tốc mái 524 nhà (lớn nhất là Quảng Ninh trên 460 căn, Lạng Sơn 54), hư hại 220 ha lúa và hoa màu (Quảng Ninh 200, Bắc Giang trên 20 ha).

Quảng Ninh thiệt hại nặng

Bão số 5 trực tiếp đổ bộ vào Quảng Ninh và gây thiệt hại nặng nề. Theo thống kê sơ bộ, bão làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà, làm đổ nhiều cột điện, hoa màu và cuốn trôi nhiều hải sản tại các lồng bè.

Tại Vân Đồn, rất nhiều cá, hàu của người dân bị trôi ra biển. Huyện vẫn đang tiếp tục thống kê. Tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Tiên Yên, gió lớn từ 6 đến cấp 9, mưa vừa. Riêng khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như các huyện Hải Hà, Đầm Hà có gió cực mạnh từ cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 giật cấp 12, làm đổ 2 cột ăngten viễn thông cao 42m tại Bưu điện huyện Đầm Hà. Khu vui chơi trẻ em bị bão đánh sập.

Tại TP Hạ Long, nhiều nơi ngập lụt. 38 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ mất an toàn do sạt lở đất đá gây ra trước đó đã được di chuyển vào ở tạm tại các nhà văn hóa khu.

Tại Hải Hà, gió cấp 9, giật cấp 10, mưa vừa, một số cây cối bị đổ, một vài nhà tốc mái, một cột ăng ten viễn thông của Vinaphone bị đổ. Gió bão làm 142 nhà và 40 công trình phụ bị tốc mái, 3 nhà bị sập, 1 người bị thương là ông Hoàng Văn Lai, thôn 3 xã Tiến Tới khi dọn dẹp bị mái tôn bay cắt vào vùng bụng. Lãnh đạo huyện Hải Hà kịp thời chỉ đạo đưa nạn nhân đi cấp cứu và đã qua nguy hiểm và hỗ trợ nạn nhân
1 triệu đồng.

Cũng trong chiều 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tiếp tục ra công điện khẩn số 3 chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa hoàn lưu sau bão số 5.

Đảo Cát Hải bị cô lập hoàn toàn

Sáng qua, khi cơn bão số 5 tràn vào Hải Phòng cũng là lúc hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ở quận Đồ Sơn gia cố đê biển bị sạt lở từ cơn bão trước tại khu 1 bằng các rọ đá. Chủ tịch quận Đồ Sơn Hoàng Đình Bình cho biết hậu quả do cơn bão số 2 đã gây ra từ trước rất nặng nề, làm sạt lở nhiều tuyến đê xung yếu nên đã lập dự án đề nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Tổng chiều dài tuyến đê phải sửa chữa là 1,9 km với kinh phí dự toán 130 đến 140 tỷ đồng. Hải Phòng cũng đã tăng cường 700 rọ sắt cùng 1.500 khối đá để gia cố bờ kè biển Đồ Sơn.

Bão số 5 đổ bộ vào đất liền làm đảo Cát Hải (Hải Phòng) mất điện lúc trưa qua và bị cô lập hoàn toàn. Gió mạnh, mưa to kết hợp triều cường dâng cao hơn 3m. Việc di dời dân ở đảo Cát Hải đã xong từ tối 2/8 với 1.022 người sơ tán tại chỗ gần 800 người di chuyển khỏi đảo. Nhiều tuyến đường ở nội thành Hải Phòng bị ngập lụt.

Ông Bùi Đức Quang, Bí thư huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết không có thiệt hại gì lớn vì công tác chống bão rất quyết liệt từ sớm.

Sáng qua, Hải Phòng đã tổ chức di dời xong 9.665 người dân ở ven đê biển, vùng trũng và nguy hiểm đến nơi tránh trú bão và gần 4 nghìn tàu, thuyền, lồng bè vào nơi an toàn.

Đến cuối giờ chiều qua, Hải Phòng không có thiệt hại gì lớn.

Ngày 3/8 tại Hà Nội, mưa lớn kéo dài đã gây úng ngập ở nhiều tuyến phố: Phạm Văn Đồng (khu vực không có hệ thống thoát nước), ngã 5 Phùng Hưng – Đường Thành, Đội Cấn (trước số nhà 343 và KS La Thành), trước số 1 Liễu Giai, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khuyến với mức độ từ 0,1 - 0,2m. Đến trưa, các khu vực này đã cơ bản rút hết nước, giao thông đi lại bình thường.

Qua ngầm tràn, hai công nhân mất tích

Hồi 14 giờ ngày 3/8, tại khu vực Ngầm Tràn, thôn Miếu Bòng, xã Thượng Yên Công, Uông Bí (Quảng Ninh) xảy ra vụ 1 xe ô tô tải bị nước cuốn trôi. Xe tải 5 tấn BKS 14 B-4600 chở vật liệu nổ của phân xưởng kho hóa chất mỏ Đông Triều đi giao cho Cty TNHH MTV Than Nam Mẫu - Vinacomin, khi đi qua khu vực trên thì bị nước cuốn trôi.

Nạn nhân bị mất tích là anh Phạm Văn Bang, SN 1964, lái xe và anh Hồ Ngọc Tới, SN 1965, phụ xe. Các lực lượng chức năng đã tìm thấy ô tô tải cách vị trí gặp nạn trên 300m. Ngay sau sự việc, ông Đỗ Thông - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có mặt tại hiện trường và trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân. TP Uông Bí đã bố trí lực lượng và người dân tích cực tìm kiếm nạn nhân nhưng đến tối qua vẫn chưa có kết quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG