Có thể xử lý hình sự vụ nộp phạt 155 tỷ tại cầu Nhật Tân

Có thể xử lý hình sự vụ nộp phạt 155 tỷ tại cầu Nhật Tân
TP - “Người nộp thuế ít thì xót xa, người nộp nhiều thì phẫn nộ, tức giận. Trách nhiệm để xảy ra việc mất khoản tiền phạt phải được làm rõ, không thể đổ lỗi cho cơ chế”, GS Đặng Hùng Võ nói về việc nộp phạt do chậm giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân được báo Tiền Phong phản ánh trong bài Phung phí hàng trăm tỷ tiền ngân sách ngày 2/8.

> Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách
> Cẩn trọng với kích cầu cuối năm

Người đóng thuế nổi giận

Ông nhìn nhận thế nào về việc lần đầu tiên ngân sách phải chi đền bù cho nhà thầu vì giải phóng mặt bằng chậm?

Đây là sự việc rất đáng tiếc vì số tiền hơn 155 tỷ đồng đó chi cho một khoản không cần thiết. Dù là lần đầu tiên xảy ra nhưng không bất ngờ. Trước đây, nhà thầu nước ngoài cũng phải chịu những phí tổn về nhân công, máy móc nằm chờ do giải phóng mặt bằng chậm. Tuy nhiên, vì quan hệ ngoại giao, vì nước ta còn khó khăn nên họ không kiện. Nay Việt Nam vươn lên nhóm các nước có thu nhập trung bình, vì thế, các doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn đưa mối quan hệ kinh tế hai bên chuyên nghiệp hơn. Việc đền bù hợp đồng do kéo dài thời gian thi công như vậy là bình thường theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cách quản lý của chúng ta hiện nay đang ở mức bán chuyên, ứng xử với nhau theo lối người nhà, vỗ về bảo ban nhau.

Từ góc độ một người nộp thuế, ông cảm thấy thế nào?

Không chỉ trường hợp này mà bất cứ trường hợp nào khác, nếu ngân sách bị lãng phí, người đóng thuế đều thấy xót xa. Còn đối với người đóng thuế nhiều thì vượt trên cả xót xa. Ngoài việc thiếu tính thiếu chuyên nghiệp trong công việc thì cần xem xét về mặt đạo đức của những người làm thất thoát ngân sách. Việc để thất thoát coi như một sự vi phạm về đạo đức.

Cần “bài” mới cho thu hồi, tái định cư

Nguyên nhân của việc này, theo ông có lỗi từ cơ chế chính sách không?

Câu chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam có một không gian pháp lý rất chật hẹp. Chúng ta chỉ có mỗi một “bài” chính là thu hồi rồi trả một cục tiền cho dân.

Pháp luật quy định việc giải phóng mặt bằng phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trong thực tế câu chuyện nắn chỉnh thiết kế để lấy đất người này, để lại đất đẹp, bám mặt đường cho người kia đã xảy ra nhiều nơi.

Cùng đó, việc hỗ trợ tái định cư hiện nay quá nghèo nàn. Một cách thức giải phóng mặt bằng mới đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai và Luật Thủ đô là phải thu rộng hơn hai bên đường, sau đó quy hoạch chi tiết lại. Những người mất đất, những người có đất bám mặt đường sẽ cùng được chia lại đất ở đó. Số đất còn lại sẽ đấu giá để thu thêm cho ngân sách. Làm như vậy mới hài hòa được lợi ích và không còn tồn tại những nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường phố như hiện nay.

Vì sao cùng một cơ chế nhưng vướng mắc mặt bằng lại tập trung nhiều ở Thủ đô, thưa ông?

Ở các tỉnh khác, do giá trị đất thấp nên người dân ủng hộ. Còn ở Hà Nội ngoài vấn đề giá đất cao hơn, các tổ chức cá nhân gần công trình đó lại có bài tính là ai sẽ được ra mặt đường. Vì thế, Hà Nội có những con đường đắt nhất thế giới, trong đó 90% là tiền đền bù đất nhưng vẫn khó giải phóng. Ngay cả khi giải phóng được rồi, dân vẫn bức xúc. Cần có một sự thay đổi cơ bản là phải thu rộng hơn hai bên đường để phân phối lại lợi ích như đã nói ở trên.

Chắc chắn phải có ai đó làm chậm

Có ý kiến cho rằng, ở Hà Nội, giải phóng các dự án bất động sản thường nhanh, giải phóng đường giao thông, công trình phúc lợi chậm. Ông nghĩ gì về điều này?

Các dự án đầu tư của tư nhân thì có sự bôi trơn. Còn lại, dự án công, không có bôi trơn, không có lợi ích bằng tiền thì sẽ chậm.

Vậy về số tiền đền bù ở dự án cầu Nhật Tân, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

Chắc chắn phải có ai đó gây ra việc này. Số tiền 155 tỷ đồng là rất lớn, có thể xem là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, một dạng tội danh hình sự. Không thể nào đổ lỗi cho cơ chế, cho việc giải phóng mặt bằng chậm được. Trước hết phải xem khâu thiết kế có bị nắn chỉnh thiếu khách quan dẫn đến khó giải phóng mặt bằng không. Nếu chậm trong quá trình giải phóng thì trách nhiệm là các địa phương. Cầu Nhật Tân, cả hai đầu cầu đều nằm trong Thủ đô nên trách nhiệm thuộc về người có trách nhiệm giải phóng mặt bằng ở Hà Nội.

Cảm ơn ông.

GS Nguyễn Minh Thuyết:

Không thể đổ lỗi cho dân không nhận tiền đền bù

Số tiền 155 tỷ đồng đền bù cho việc chậm giải phóng mặt bằng là rất lớn. Với số tiền đó, có thể làm nhiều con đường, trường học, bệnh viện. Vì vậy phải tìm cho ra nguyên nhân và chỉ ra người chịu trách nhiệm. Thông thường, người ta sẽ đổ lỗi cho dân. Tuy nhiên, điều đó không thỏa đáng. Có dư luận nhân dân phản ánh về việc điều chỉnh quy hoạch để đường vành khuyên cầu Nhật Tân tránh nhà một số cá nhân. Thứ hai, về giá đền bù, người dân phản ánh là quá thấp, không đủ cho họ tái định cư, ổn định cuộc sống. Nếu thực hiện việc giải phóng mặt bằng và áp giá đền bù thỏa đáng, chắc chắn người dân sẽ bàn giao mặt bằng sớm hơn. Theo tôi, phải làm rõ trách nhiệm, không thể để mất số tiền lớn như vậy mà không ai bị sao cả.

Bảo An
ghi

 

Sỹ Lực
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG