'Chiêu trò' móc túi ở cây xăng

'Chiêu trò' móc túi ở cây xăng
TP - Dư luận đang nóng lên với các “chiêu trò” móc túi khách hàng tại một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội. Vì sao những hành vi gian lận đó qua mặt cơ quan chức năng trong một thời gian dài.

> 11 cây xăng cần di dời, chấm dứt hoạt động
> Mang diêm, bật lửa vào cây xăng cũng bị phạt

Cây xăng 68 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, một trong những cây xăng có dán biển thưởng cho khách hàng phát hiện và tố giác hành vi gian lận của nhân viên. Ảnh: Ngọc Châu
Cây xăng 68 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, một trong những cây xăng có dán biển thưởng cho khách hàng phát hiện và tố giác hành vi gian lận của nhân viên. Ảnh: Ngọc Châu.

Ấn số “ảo”, gác cò bơm

Những thủ đoạn gian lận tinh vi tại cây xăng số 342 đường Phạm Văn Đồng (huyện Từ Liêm) và cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm (huyện Thanh Trì) vừa bị “vạch mặt” không phải là các trường hợp gian lận cá biệt.

Một trong những chiêu thức gian lận được nhiều nhân viên của các cây xăng áp dụng là bấm số “ảo” nhằm qua mắt người tiêu dùng. Trong lúc một nhân viên đổ xăng, một nhân viên khác sẽ đứng áp sát khu vực đồng hồ điện tử để quan sát, khi có cơ hội thuận tiện sẽ bấm thật nhanh cho đồng hồ chạy lên con số mà khách hàng muốn đổ.

Với thủ đoạn thủ công này, nhiều nhân viên tại các cây xăng đã gian lận, móc túi khách hàng trong một thời gian rất dài nhưng không ai biết. Khi bị khách hàng nghi ngờ, thắc mắc thường bị các nhân viên này chống chế.

Theo Sở Công thương, tới đây, đối với những cây xăng có hành vi gian lận Sở sẽ yêu cầu doanh nghiệp công khai xin lỗi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người tiêu dùng biết và tẩy chay những đơn vị làm ăn bất chính.

Sau vụ việc gian lận của nhân viên bán hàng tại cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm (huyện Thanh Trì), ngày 2/8 vừa qua đoàn liên ngành của TP Hà Nội đã có buổi kiểm tra đơn vị này.

Một cán bộ quản lý thị trường cho hay, tại buổi kiểm tra rất bất ngờ khi phát hiện nhiều đinh ốc gắn kèm trên các cột bơm xăng tại đây. “Tôi nghi ngờ đinh ốc này được nhân viên bơm xăng sử dụng để phục vụ cho việc gác cò bơm xăng kênh lên với mục đích giữ cho máy bơm xăng ở chế độ chờ để bơm nối số để móc túi người tiêu dùng”, vị cán bộ này phân tích.

Bị “móc túi” - lỗi của người mua xăng?

Trước thực trạng một số cây xăng tại Hà Nội có hành vi gian lận khi dùng các “chiêu trò” để móc túi khách hàng, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua không đáng lo ngại so với việc bị móc túi bởi chính những nhân viên bán hàng ở các cây xăng gian lận. Vì anh mua 50 nghìn đồng tiền xăng, nhưng thực tế anh chỉ nhận được 20 đến 30 nghìn đồng, có nghĩa bị móc túi gần 50% số tiền chi trả.

Ông Nguyễn Đắc Lộc- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể, thậm chí chưa đưa vào chế tài nên hành vi nhân viên bán hàng xăng dầu gian lận bằng việc bán nối số chưa xử lý được. Theo ông Lộc, khi bơm xăng người tiêu dùng cần phải yêu cầu nhân viên đưa số về 0 trước khi bơm, hay đủ số lượng thì mới thanh toán.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Lê Công Hoàng- Tổng giám đốc Cty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng cho biết, các thiết bị, máy móc tại các cây xăng là thiết bị được giám sát và kiểm định chặt chẽ, do đó hành vi gian lận này là do nhân viên bán hàng.

“Ngoài việc lắp đặt hệ thống camera quan sát, có các cán bộ chuyên giám sát tại các cây xăng, chúng tôi đã treo biển công khai số điện thoại đường dây nóng; treo thưởng khách hàng khi phát hiện nhân viên bán hàng không đưa đồng hồ cột bơm về số 0 để hạn chế hành vi gian lận của nhân viên bán hàng”, lãnh đạo Cty này cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG