Hóa ra do cây cột điện?

Hóa ra do cây cột điện?
TP - “Nếu quy trách nhiệm đến cùng thì tôi chỉ là thiếu quan tâm, điều hành chưa quyết liệt. Nhưng tôi chỉ là hạt cát trong guồng máy” - Ông Nguyễn Sỹ Cường- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Tả ngạn (Ban Tả ngạn), đơn vị được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cầu Nhật Tân trả lời PV Tiền Phong.

> Có thể xử lý hình sự vụ nộp phạt 155 tỷ tại cầu Nhật Tân
> Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách

Tại Ban Tả ngạn, ông Cường là người trực tiếp phụ trách công tác GPMB đối với dự án cầu Nhật Tân. Ông cho rằng, thực trạng chậm mặt bằng làm người lao động, máy móc thi công nằm chờ, gây tốn kém cho nhà thầu xảy ra phổ biến, không riêng gì cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, trong khi các nhà thầu trong nước lâu nay âm thầm chịu đựng, trong trường hợp này, nhà thầu nước ngoài sòng phẳng, chuyên nghiệp hơn.

Cây cột điện “hành” các sở, ngành

Theo ông, nguyên nhân làm chậm giải phóng mặt bằng tại cầu Nhật Tân, dẫn đến việc phải nộp phạt cho nhà thầu Nhật Bản là gì?

Công tác giải phóng mặt bằng dự án này gồm thu hồi đất, đền bù, tái định cư và di dời các công trình trên đất. Việc chậm bàn giao mặt bằng cho gói thầu đường dẫn thuộc địa phận huyện Đông Anh (nơi dẫn đến việc phải nộp phạt 155 tỷ đồng - PV) do đền bù, giải phóng đất chậm; dân cư phức tạp, không hợp tác vì giá đền bù thấp.

Ngoài ra, việc di chuyển đường điện cao thế (thuộc nút giao Vĩnh Ngọc, Đông Anh, chậm bàn giao nhất gói thầu - PV) bị chậm. Nguyên nhân là phải tiến hành nhiều thủ tục ở các sở ngành; giải phóng mặt bằng cho các cột điện làm thêm cạnh dự án. Nhà thầu thi công hoàn trả mặt bằng sau khi ngầm hoá đường điện là Xí nghiệp I, thuộc Tổng Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thiếu năng lực tài chính, thi công kém, làm đi làm lại nhiều lần.

Một nguyên nhân khác là do thiết kế bị thay đổi. Ban đầu, cầu Nhật Tân được thiết kế nối ra QL3, sau điều chỉnh nối ra sân bay Nội Bài khiến cho việc thu hồi đất kéo dài thời gian.

Trong các nguyên nhân đó, theo ông cái nào là chính?

Nguyên nhân chính là người dân không đồng ý với giá đền bù đất. Ở đâu cũng chậm do giá đất. Vừa rồi, thành phố đưa ra quyết định đền bù theo sát giá thị trường; nhưng cũng vướng mắc trong việc xác định thế nào là giá thị trường.

Vì sao, cùng một cơ chế, việc giải phóng mặt bằng chậm lại chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, thưa ông?

Giá đất Hà Nội rất cao. Về vĩ mô, nếu không sửa đổi Luật Đất đai thì sẽ mãi mãi vướng mặt bằng. Các nước như Trung Quốc, Singapore, quyền sở hữu đất thực sự là của Nhà nước. Ở nước ta, người dân có quyền sử dụng đất, quyền thừa kế, chuyển nhượng...; nói thẳng ra là quyền sở hữu đất.

Tôi có tham nhũng số tiền ấy đâu

Về mặt chủ quan, Ban Tả ngạn chưa làm tròn nhiệm vụ?

Chúng tôi tự thấy rằng đã rất nhiệt tình. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, ở mình, trượt giá mỗi năm rất lớn. Nếu ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng năm nay, sang năm mới thi công phải lập dự toán mới. Nghĩa là, chưa tính tới việc chậm mặt bằng, với lý do trượt giá, kinh phí cho dự án cũng sẽ tăng.

Dư luận đang đòi hỏi phải có người chịu trách nhiệm, không thể tái diễn tình trạng “hòa cả làng”?

Về giải phóng mặt bằng, chúng tôi mang tiếng là người thực hiện, nhưng quận, huyện làm là chính. Vì thế, xác định trách nhiệm rất khó. Chúng tôi không chỉ đạo được quận huyện. Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng là lãnh đạo huyện, chúng tôi chỉ là 1 trong hơn 20 thành viên của hội đồng. Chúng tôi cũng không nói được xã; người ta không nghe chúng tôi. Hội đồng giải phóng mặt bằng quyết định, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ chi tiền.

Vậy khi làm việc với Ban Tả ngạn, chính quyền có làm tròn trách nhiệm?

Nói thật, giải phóng mặt bằng là khâu rất “xương”, động chạm tới dân, phức tạp. Chủ tịch huyện, xã đi giải phóng đất của anh em, làng xóm rất đụng chạm va chạm. Chậm là vì thế.

Ông đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng, đây là vụ việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần xem xét dưới góc độ hình sự?

Thực ra, tôi có tham nhũng số tiền ấy đâu mà hình sự. Nếu quy trách nhiệm cuối cùng thì tôi chỉ là thiếu quan tâm, điều hành chưa quyết liệt. Nhưng tôi xin nói là tôi chỉ là hạt cát trong guồng máy. Tôi không quyết được. Suy cho cùng, chủ tịch huyện, xã, cán bộ địa chính cũng “dính”.

Sau việc này, chúng tôi rút kinh nghiệm là không nhận giải phóng mặt bằng nữa và đề nghị thành phố giao trực tiếp cho các quận, huyện.

Xin cảm ơn ông!

Ban QLDA 85 (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án xác nhận có việc điều chỉnh hướng tuyến phía Đông Anh. Việc thay đổi hướng tuyến thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và hoàn thành thiết kế từ 2008. Vào tháng 2/2009, (sau 10 tháng so với quyết định thu hồi đất ban đầu), UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi đất bổ sung cho việc này. Ngoài ra, việc điều chỉnh thiết kế cũng diễn ra tại đường dẫn phía quận Tây Hồ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều dân khiếu nại, cho rằng, nắn chỉnh thiết kế để tránh “đất vàng”. “Việc điều chỉnh thiết kế không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ mặt bằng, cái chính là chậm giải phóng, tháo dỡ cột điện cao thế” - một đại diện Ban QLDA 85 nói.

 

Sỹ Lực
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG