Không xong mặt bằng, Chủ tịch quận chịu trách nhiệm

Không xong mặt bằng, Chủ tịch quận chịu trách nhiệm
TP - Trước thực trạng cầu Nhật Tân chậm tiến độ hàng năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đi thị sát sau đó làm việc với quận Tây Hồ và yêu cầu trong tháng 10 phải giải phóng xong mặt bằng. Nếu không xong Chủ tịch quận phải chịu trách nhiệm.

> Hóa ra do cây cột điện?
> Có thể xử lý hình sự vụ nộp phạt 155 tỷ tại cầu Nhật Tân

So với thời điểm hoàn thành được phê duyệt, cầu Nhật Tân đã chậm tiến độ gần 3 năm. Anh: trọng đảng
So với thời điểm hoàn thành được phê duyệt, cầu Nhật Tân đã chậm tiến độ gần 3 năm. Anh: trọng đảng.

Theo UBND quận Tây Hồ, để thực hiện dự án cầu Nhật Tân, UBND quận đã phải thu hồi tổng diện tích 27,5 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất ở và trưng dụng. Riêng đất ở phải thu hồi 3,62 ha, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 200 hộ trên tổng số 411 hộ dân bị ảnh hưởng đồng ý bàn giao mặt bằng, còn lại vẫn chưa đồng ý phương án đền bù.

“Trong số này có 18 hộ đã nhận nhà, nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng; 103 hộ không hợp tác; 33 hộ đang điều tra, lên phương án đền bù”, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói.

Dự án cầu Nhật Tân (qua sông Hồng) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2006 và yêu cầu hoàn thành quý IV-2010. Dự án có tổng chiều dài 8,3 km, riêng cầu vượt sông Hồng dài 3,9 km. Cầu được thiết kế 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Tại thời điểm phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân các hộ chưa chịu giao mặt bằng, ông Tuấn cho rằng, các hộ dân đề nghị được đối thoại với lãnh đạo UBND TP và điều chỉnh lại giá đất ở theo Quyết định 27 ngày 18/7/2013 của UBND TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, ngoài chế độ chính sách, các hộ dân còn mong muốn đối thoại để lãnh đạo TP trả lời về quy hoạch của dự án.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, các cơ quan chỉ đạo, điều hành liên quan đến dự án còn thiếu sự chặt chẽ, phối hợp, nhiều khi còn đổ vấy cho nhau.

Để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, ông Thảo chỉ đạo UBND quận Tây Hồ và các sở ngành liên quan như Ban Giải phóng mặt bằng TP, Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng phương án hỗ trợ các hộ dân trên tinh thần nhất quán các quy định của Nhà nước, công bằng trong việc thực hiện.

Với những gia đình đang có 2, 3 thế hệ cùng sinh sống, phải di dời đến chung cư không thể ở cùng nhau được thì phải có cơ chế hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho họ mua nhà tái định cư.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Thảo chỉ đạo trong tháng 10/2013 UBND quận Tây Hồ phải giải phóng xong để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. “Anh Quang (Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ-PV) phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về tiến độ này”, ông Thảo giao nhiệm vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG