Không thu hồi tiền lương của người lao động vụ lãnh đạo 'lương khủng'

Không thu hồi tiền lương của người lao động vụ lãnh đạo 'lương khủng'
TP - “UBND TPHCM không có bất kỳ văn bản nào về thu hồi tiền của người lao động. Chúng tôi cảm ơn vì báo đã thông tin để Ủy ban có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà khẳng định trong buổi làm việc với Tiền Phong tối 5/9.

> Lương 'sếp' công ích Hà Nội bao nhiêu?
> Lương 'khủng' tại DN công ích: Biểu hiện của suy thoái đạo đức

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà làm việc với báo Tiền Phong, Lao động, Tuổi trẻ TPHCM
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà làm việc với báo Tiền Phong, Lao động, Tuổi trẻ TPHCM.

Ông Hà nói: Các doanh nghiệp (DN) phản ứng, cho rằng định mức tiền lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng nên ban hành sớm hơn. Công bằng mà nói thì phải đưa ra sớm nhưng trễ thì có ảnh hưởng gì không? Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH thì không ảnh hưởng, bởi trước đó UBND TPHCM đã có chỉ đạo mức lương chỉ được tính bằng 70-80%. Thế nhưng, các DN không chấp hành, vẫn lấy mức cao hơn để chi lương năm 2012, đến năm 2013 cũng lấy luôn mức này.

Các DN nói chi trả mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng là căn cứ vào văn bản số 5626/UBND-ĐTMT của UBND TPHCM ban hành ngày 10/11/2011. Vấn đề ấn định mức lương tối thiểu, UBND TPHCM có mâu thuẫn?

Tôi khẳng định UBND TPHCM không mâu thuẫn. Việc ban hành văn bản trên cuối năm 2011 là nhằm phục vụ việc quản lý điều hành tại thời điểm đó. Và nguyên tắc là văn bản sau phủ định văn bản trước.

Lương bình quân của người lao động công ty chiếu sáng là 55 triệu đồng/tháng, bằng với lương của giám đốc tập đoàn hạng đặc biệt. UBND TPHCM làm là có cơ sở pháp lý, có thực tiễn. Quy định cũ có nhiều điểm vô lý. Trồng cột điện, lẽ ra theo định mức cũ thì cần đến 10 người làm. Với khoa học công nghệ hiện nay chỉ cần một người làm và một chiếc xe. Tuy nhiên, DN vẫn tính chi phí cho 10 người rồi lấy khoản tiền 9 người không làm để chia nhau. Chia công bằng thì cũng sai nhưng còn tạm chấp nhận. Đằng này họ lại chia không công bằng. Người trực tiếp làm thì lương thấp. Các vị trí quản lý bên trên thì cao gấp nhiều lần.

Văn bản của UBND TPHCM yêu cầu chi mức 1.512.500 đồng/tháng đến tháng 7 mới ban hành trong khi các công ty thanh quyết toán xong. Phần lương chi vượt cho người lao động liệu UBND TPHCM có thu hồi?

Trong kết luận của UBND TPHCM các DN phải rà soát, liệt kê số lượng hợp đồng (với người lao động và với các tổ chức kinh tế khác) đã ký kết năm 2012 với mức lương 2.000.000 đồng,… xác định phần dôi dư để báo cáo UBND TPHCM xem xét, xử lý. Con số cụ thể hiện các đơn vị đang làm. Nhưng, trong báo cáo giải trình và làm việc với người lao động, Công ty Công viên cây xanh lại thông tin về việc thu hồi tiền lương, gây hoang mang cho người lao động. Tôi khẳng định, UBND TPHCM không có bất kỳ văn bản nào về việc thu hồi tiền của người lao động. Chúng tôi sẽ có thông báo chính thức trong thời gian sớm nhất.

Lãnh đạo công ty hưởng lương cao bằng cách tước đoạt quyền lợi của người lao động nhưng một số cán bộ bị đình chỉ đến nay chưa nhận ra khuyết điểm của mình.

Thưa ông, cơ sở nào để định ra mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng?

Việc ấn định mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng là có cơ sở khoa học. Tham mưu của Sở LĐ-TB&XH về tiền lương, cũng có một số sở ngành không đồng ý. Tôi cho rằng, việc đó là bình thường. Quyết định cuối cùng và thống nhất thực hiện vẫn là của UBND TPHCM.

Có nhiều ý kiến phản ánh rằng, số liệu thanh tra là của năm 2012 chứ không phải là của năm 2011?

Thời kỳ thanh tra theo quyết định là 2011, 2012. Thông báo kết luận của tôi nêu ba sai phạm lớn. Nghiêm trọng nhất là ký hợp đồng sai quy định của Bộ luật Lao động nhằm tước đoạt quyền lợi của người lao động làm việc trực tiếp trong điều kiện khắc nghiệt, mức độ nguy hiểm cao. Thứ hai là chi lương cho lãnh đạo công ty sai quy định, thực hiện chế độ lương bất bình đẳng. Thứ ba là số lao động sử dụng thấp hơn so với đăng ký (sử dụng lao động khống). Chỉ 100 người làm thì mấy ổng khai khống lên là 200 người.

Nếu không thu của người lao động thì lấy nguồn nào để bù đắp cho ngân sách?

Các DN phải có trách nhiệm. Hiện nay, đã có luật bồi thường nhà nước. Bây giờ chưa có con số cụ thể, xác định thiệt hại bao nhiêu sẽ xem xét xử lý.

Vừa qua, TPHCM thanh tra 8 đơn vị công ích và mới công khai bốn DN. Các DN còn lại có vi phạm?

Thông tin ban đầu thì có vi phạm nhưng ít hơn và mức độ không nghiêm trọng như bốn DN vừa thanh tra. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ công khai cho báo chí.

Nhiều DN cho rằng, họ không phải là DN công ích mà chỉ là người đi làm thuê, sản xuất sản phẩm phục vụ công ích. Quan điểm của UBND TPHCM như thế nào?

Có 75% tổng doanh thu từ các sản phẩm công ích, được trả từ ngân sách nhà nước thì được xem là DN công ích.

Trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị đã thuê DN và trả mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng như thế nào?

Chắc chắn UBND TPHCM sẽ phải rà soát, đánh giá lại. Phía đặt hàng (sở ngành, UBND TPHCM) cần phải xem lại. Định mức do các Bộ đề ra đã lạc hậu, có đấu thầu với mức cũ vẫn còn quá cao. Thành phố có quyền ấn định mức thấp hơn để tiết kiệm ngân sách, không ảnh hưởng đến người lao động và giảm bất công trong việc trả lương tại các DN.

Cảm ơn ông.

Huy Thịnh
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG