Miền Trung khẩn cấp chống siêu bão

Miền Trung khẩn cấp chống siêu bão
TP - Ngày 29/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão số 10, nhiều khả năng đổ bộ vào đất liền khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Trị vào chiều và tối 30/9.

> Bắc và Trung Trung Bộ mưa rất to
> Bão số 10: Nhiều tàu thuyền vẫn ở khu vực Hoàng Sa

Hoãn họp để chống bão

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, bão số 10 là cơn bão mạnh nhất vào miền Trung trong 6 năm qua, với cường độ, thời điểm xuất hiện tương tự siêu bão Xangsane năm 2006. Theo ông Tăng, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Bình, Quảng Trị.

Ông Tăng nhận định, sáng nay, tâm bão cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế khoảng 100 km, sức gió mạnh trên cấp 13, giật cấp 16, 17. Nội trong hôm nay, bão sẽ đổ bộ vào bờ. Sớm có thể từ 15-16 giờ, muộn thì 22-23 giờ đêm. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 10 đến 12, giật cấp 14-15.

Từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ đêm 29/9, các tỉnh từ Thanh Hóa vào Quảng Trị sẽ có mưa từ sáng nay 30/9, mưa có thể kéo dài đến 2/10, lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có điểm cục bộ mưa tới 400-500 mm, đề phòng nước biển dâng cao 3-4 m.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế thực hiện cấm biển, rà soát, sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm trước 10 giờ hôm nay (30/9). Tổ chức neo đậu tàu thuyền, không cho phép người ở lại trên tàu, thuyền, lòng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; chằng chống nhà cửa, kho tàng...

Gần 45 nghìn tàu thuyền tránh bão

Sáng 29/9, Trung tâm PCLB&TKCN TP Đà Nẵng đã họp khẩn bàn phương án ứng phó với cơn bão số 10 được dự báo sẽ rất mạnh, đổ bộ khó lường vào miền Trung. Kêu gọi tàu thuyền, e ngại tình hình các hồ chứa thủy lợi, thủy điện là mối quan tâm hàng đầu của miền Trung.

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay, có thể gọi cơn bão số 10 là “siêu bão”. Vì vậy, cần nhanh chóng có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Toàn bộ người dân sống ven biển và những vùng trọng yếu bắt buộc phải chằng chống nhà cửa, đưa bao cát lên mái tôn chống gió giật, đặc biệt đối với nhà cấp 4, nhà trọ sinh viên, công nhân.

Hôm qua, trước dự đoán về siêu bão, đa phần người dân sống ven biển… tiếp tục cho tàu thuyền lên bờ, neo đậu chắc chắn.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, tính đến chiều qua, các tỉnh đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.464 tàu/182.560 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh, trong đó, tại vùng biển Hoàng Sa có 14 tàu/97 lao động của Quảng Ngãi. Sáng 29/9, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam tiếp nhận và xử lý thông tin trợ giúp 4 tàu cá BĐ 95387 TS, BĐ 96710 TS, BĐ 95271 TS... của Bình Định vào trú tránh tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tình hình các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành bình thường. Tuy nhiên, một số hồ thủy lợi đã vượt tràn và nhiều hồ thủy điện có mức xả tràn cao. Cụ thể, số hồ đầy và sắp đầy tập trung tại các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam như: hồ Tiên Lang; Minh Cầm, Trung Thuần, hồ Khe Tân, hồ Suối Trầu. Một số hồ chứa ở Tây Nguyên đã xả lũ điều tiết qua tràn như: Đắk Uy, A Yun Hạ; Biển Hồ (Gia Lai); Hồ Ea Súp Thượng hiện đang xả 200m3/s; Buôn Yong (Đắk Lắk)...

Trong khi đó, theo Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 3 (Đà Nẵng): Các đơn vị đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó. Chiều 29/9, Hải quân vùng 3 đã sơ tán hơn 50 hộ dân là gia đình quân nhân và nhân dân địa phương vào doanh trại đơn vị tránh bão. Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng; Vùng còn chuẩn bị 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 3 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sỹ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu... Đến chiều qua, các lực lượng của Vùng hướng dẫn cho 178 tàu cá với gần 2.000 ngư dân vào các vị trí tránh bão an toàn.

Tại Huế, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thừa Thiên-Huế yêu cầu các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương và chủ công trình hồ đập kiểm soát chặt chẽ công tác điều tiết nước, xả lũ, nhằm đề phòng lụt lớn vùng hạ du do tác động mưa bão.

Đến chiều 29/9, toàn tỉnh TT-Huế đã kêu gọi hơn 1.870 phương tiện đánh bắt trong tỉnh và 23 tàu ngoại tỉnh về nơi neo đậu an toàn. Lực lượng quân đội đã huy động hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ ứng trực sẵn sàng giúp dân toàn tỉnh phòng chống bão, lụt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG