Ở đâu có khai khoáng, ở đó dân sợ?

Ở đâu có khai khoáng, ở đó dân sợ?
TP - “Có một điều, ở đâu có khoảng sản, ở đó dân vẫn nghèo. Chúng tôi đi khảo sát ở các vùng mỏ, tỷ lệ người nghèo cao, môi trường bị hủy hoại, hạ tầng thấp kém”- ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói, tại hội nghị về quản trị tài nguyên khoáng sản, ngày 8/10.

> Khai thác vàng lòng hồ thủy lợi, bị phạt 140 triệu đồng
> Bắt giữ 25 đối tượng khai thác vàng trái phép

Dân sợ DN khoáng sản

Theo ông Hùng, nước ta, ngoài dầu khí, than, còn nhiều khoáng sản khác khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, hiện con số dự báo đưa ra thì nhiều, nhưng chưa chính thức đánh giá được trữ lượng khai thác, tiềm năng và đây là vấn đề rất lớn. Ông Hùng cho rằng, khoáng sản là tài sản toàn dân. “Dân được hưởng gì từ phần tài chính từ khai thác khoáng sản, trong khi nơi nào có mỏ, ở đó hạ tầng còn kém, môi trường bị phá hủy, nguồn thu ngân sách hạn chế. Vậy thì nó nằm ở đâu, cho ai?”- ông Hùng nói.

Ở góc độ địa phương, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, do dân không được hưởng lợi gì từ hoạt động khai khoáng, nên khi doanh nghiệp (DN) đến địa phương “đào mỏ”, thay vì mừng dân lại rất sợ. Môi trường địa phương cũng bị ảnh hưởng. Theo ông, các DN có thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường, nhưng số kinh phí đó thực tế khó có thể phục hồi môi trường như hiện trạng. Hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi dân phải đóng tiền làm đường vì hoạt động khai khoáng.

 Trong số danh mục hơn 90 chuyên gia được mời dự hội thảo tham vấn các ý kiến chuyên gia về các văn bản Chính phủ ban hành hôm qua, tôi thấy không có ông chuyên gia nào về môi trường cả. Đây là vấn đề rất lớn. Hiện chúng ta chưa công nghiệp hóa được bao nhiêu, mà môi trường bị tàn phá rất nghiêm trọng, nên cần chú ý đánh giá tác động về môi trường và với những người bị tác động trực tiếp, gián tiếp.

TS Lê Đăng Doanh

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, hiện có 503 giấy phép khai khoáng do cơ quan trung ương cấp, còn ở địa phương cấp hơn 4.200 giấy phép. Theo ông, hàng năm ở trung ương cấp chỉ 30-40 giấy phép thăm dò khai khoáng, nhưng địa phương cấp tới 500-600 giấy, thậm chí có lúc cao điểm, con số trên đã tới 800. Ông Thanh cho hay, chỉ có 30-40% DN, cá nhân thực hiện việc báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản. “Nhà nước chưa kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác của DN, mà chỉ dựa trên báo cáo của DN, nên không kiểm soát được thuế tài nguyên”- ông Thanh nói.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh, ở nước ta, việc đánh giá tác động môi trường với khai thác khoáng sản chưa đầy đủ. Trách nhiệm ở địa phương thế nào phải làm rõ, cấp nào chịu trách nhiệm giám sát, cần công khai minh bạch. “Còn chuyện lợi ích nhóm thế nào? Trong khi các bộ cấp phép khai thác mỏ ít, các địa phương cấp nhiều. Họ đã khéo chia mỏ lớn (nhìn tổng thể là một mỏ lớn) ra nhiều mỏ nhỏ, cắt ra chỗ này, chỗ kia một tí để cấp phép” - TS Doanh nói.

Nói về tính đóng góp của DN khai khoáng với địa phương, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví dụ: “Chúng tôi đi làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang, các anh chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, nói các DN khai khoáng chỉ nộp cho ngân sách chỉ 5 tỷ đồng mỗi năm thôi, nhưng làm hỏng cả đoạn đường vận chuyển khoáng sản, tỉnh phải chi tới 30 tỷ đồng sửa chữa”.

Đẩy nhanh lộ trình minh bạch

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, từ đầu năm 2000 đến nay, ngành tài nguyên khai khoáng đóng góp hằng năm khoảng 11% GDP và 25% ngân sách cả nước, tạo trên 430.000 việc làm. Tuy nhiên, theo ông, hiện việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản chủ yếu là hàng thô, hiệu quả sử dụng còn thấp, thất thoát nhiều, để lại hậu quả về môi trường.

Chủ tịch VCCI cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề trên chính là thiếu minh bạch trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản. Ông Lộc cho biết, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). Hiện trên thế giới có 39 quốc gia thực thi sáng kiến trên nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên.

Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), Việt Nam bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2009. Thực thi EITI sẽ giúp Việt Nam quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, tránh bị thất thoát; tăng nguồn thu ngân sách, tạo niềm tin cho người dân, giảm xung đột giữa người dân - DN trong việc phân chia lợi ích khai khoáng; và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình để thực hiện từng bước để tham gia vào EITI. “Nếu không, hội thảo sang năm chúng ta lại nói những câu chuyện giống như năm nay, lại tiếp tục điệp khúc “biết rồi khổ lắm nói mãi”, ông Doanh nói. Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, Quốc hội nên ủng hộ sáng kiến minh bạch trong quản lý khoáng sản. Khi đưa quyết định gì, cần có sự xem xét, chia sẻ lợi ích hợp lý hơn, tránh việc, khai thác khoáng sản người dân mất hết, vừa bị ô nhiễm môi trường, nguồn nước, còn tài nguyên bị lấy đi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG