6,5 tỷ USD - hiệu quả đến đâu?

6,5 tỷ USD - hiệu quả đến đâu?
TP - Bộ GTVT, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đang xúc tiến dự án đường sắt cao tốc, rút ngắn thời gian đi từ Nha Trang đến TPHCM từ 8 giời xuống còn 2 giờ. Tổng vốn đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD, tương đương với hơn 100.000 tỷ đồng.

Tiền phong đã có trao đổi với ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Đường sắt VN về dự án này.

Vì sao ngành đường sắt lại chọn đoạn TP Hồ Chí Minh-Nha Trang để thực hiện dự án này, thưa ông?

Không phải ngẫu nhiên chúng tôi chọn tuyến đường sắt Nha Trang-TP HCM để đầu tư. Sở dĩ chọn đoạn Nha Trang-TP HCM để xây dựng thí điểm vì, đoạn đường này đi qua những địa phương có tập trung nhiều khu kinh tế mới.

Ví dụ như Nha Trang (Khánh Hòa) có các cảng sâu là cảng Cam Ranh, cảng Vịnh Vân Phong và dọc theo đó là chuỗi kinh tế Bình Thuận, Ninh Thuận và TP Biên Hòa.

Chính tuyến đường sắt mới này sẽ nối từ TP HCM tới Khánh Hòa để mở ra các vùng kinh tế phát triển dọc theo ven biển cực Nam Trung Bộ và khu vực ĐBSCL.

Theo lộ trình thì dự án này mới ở giai đoạn báo cáo giữa kỳ nghiên cứu khả thi. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào khai thác vào năm 2015.

Năm 2020: Hà Nội đi TPHCM chỉ mất khoảng 10 giờ

Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, ngoài tuyến đường sắt thống nhất hiện có, cần xây thêm 1 tuyến đường đôi riêng biệt chạy tàu khách cao tốc Bắc-Nam khổ đường 1,435m để giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội-TP HCM xuống dưới 10 giờ và có khả năng kết nối đường sắt liên vận quốc tế…

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 6,5 tỷ USD, một số vốn khổng lồ. Như vậy, bao lâu có thể thu hồi vốn?

Nếu theo thiết kế vận tốc 200 km/giờ thì thời gian đi từ Nha Trang-TP HCM chỉ mất khoảng 2 giờ 2 phút (với quãng đường gần 400 km có dừng tại các ga).

Có được tốc độ như vậy bởi theo định hướng của dự án, vận tốc 200 km/giờ được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 1 của Hàn Quốc (dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại phần nghiên cứu khả thi), với đường ray  đôi khổ 1,435m nên chạy rất an toàn.

Theo bản báo cáo giữa kỳ nghiên cứu khả thi, 30 năm sau khi hoàn thành dự án sẽ thu hồi được vốn. Tuy chọn phương án tốc độ tàu chạy 200 km/giờ nhưng nhiều khả năng cơ quan chức năng sẽ chọn đầu tư cơ sở hạ tầng cho tốc độ 350km/giờ.

Vì, cơ sở hạ tầng này sẽ dễ dàng khi cần nâng cấp tốc độ lên 350km/giờ (trong khi giá thành chỉ cao hơn mức đầu tư cho tốc độ 200 km/giờ là 500 triệu USD-tức 6,9 tỷ USD). Hiện nay, mọi thứ đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Cục Đường sắt VN đã ký biên bản ghi nhớ với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, sẽ triển khai thực hiện khảo sát đoạn Hà Nội-Vinh. Đoạn Vinh-Nha Trang sẽ được nghiên cứu trong thời gian tới.

Như vậy, giá vé đi từ TP HCM đến Nha Trang và ngược lại sẽ là bao nhiêu, thưa ông?     

Theo tính toán, giá vé sẽ bằng khoảng 2/3 giá vé đi máy bay. Như giá vé máy bay hiện nay đi từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh là hơn 550.000 ngàn đồng/vé thì giá vé đi tàu cao tốc khoảng hơn 300.000 ngàn/vé.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG