Tướng Giáp và cuộc chiến tranh chống Mỹ

Tướng Giáp và cuộc chiến tranh chống Mỹ
TP - Trong 6 số báo liên tiếp vừa qua, Tiền Phong đã đăng trọn vẹn bài thứ nhất trong hai bài viết của nhà báo Anh James Fox đăng trên tạp chí Sunday Times Magazine từ năm 1972. Số báo này , chúng tôi đăng phần đầu của bài thứ hai của ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ tính đến năm 1972.

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (tiếp)

Xe ủi đất của Mỹ làm cho các nơi ẩn náu của Việt cộng trống như một sa mạc

Lúc quân Mỹ đổ bộ để chống đỡ cho quân đội Nam Việt Nam đang sụp đổ năm 1965, ông Giáp không có nhiều cơ hội để thực hiện các chiến lược lớn, khuyến khích “các cuộc chuyển quân nhanh chóng một cách tuyệt vời” như của vị anh hùng thế kỷ 13 là Nguyễn Huệ (tác giả nhầm, phải là thế kỷ 18 - TP) hay như trường hợp chính ông đã làm ở Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam để chống quân Pháp.

Có lẽ là không đúng nếu gắn mọi điểm chiến lược cho ông Giáp hoặc gạt ông ra khỏi bối cảnh của sự lãnh đạo tập thể và cũng không biết chắc rằng ông ta hoặc Hà Nội đã nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với du kích Việt cộng ở miền Nam đến mức nào.

Mỹ luôn luôn nhấn mạnh rằng quyền kiểm soát đó là hoàn toàn mặc dầu theo tài liệu của một quan chức cao cấp cơ quan an ninh quốc gia - là cơ quan cung cấp 80% toàn bộ tin tình báo của Mỹ - thì Việt cộng hoặc Mặt trận Dân tộc giải phóng có điều khiển những công việc riêng của họ.

Miền Bắc đưa người và đồ tiếp tế theo đường mòn Hồ Chí Minh vào và cung cấp một nhà lãnh đạo là tướng Nguyễn Chí Thanh. Nguyễn Chí Thanh đã chỉ huy Việt cộng cho tới lúc ông bị giết vì một quả bom Mỹ năm 1967 (tác giả nhầm, đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất vì đau tim tại Hà Nội khi ra Bắc để báo cáo tình hình miền Nam với Trung ương và Bác – TP).

Cho đến năm 1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng đạt được những thắng lợi lớn, tiêu biểu là trận Ấp Bắc, nơi một đội quân được trang bị xe bọc thép nặng gồm 2.500 quân lính Nam Việt Nam cùng với cố vấn Mỹ đã phải rút lui với thương vong nặng nề vì một toán du kích 200 du kích mà họ cố sức tiêu diệt. Bản thân du kích hầu như không bị thiệt hại gì.

Nhưng 2 năm sau khi người Mỹ tham chiến đông đảo, Mặt trận Dân tộc giải phóng và quân tăng viện của Bắc Việt Nam lúc đầu bị kinh ngạc vì hỏa lực ào ạt mà họ gặp phải.

Tháng 11/1965, một lực lượng lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng tiến công trại Pleime, ở phía nam Pleiku, hy vọng phục kích các đơn vị đến ứng cứu. Nhưng lần đầu tiên, quân kỵ binh bay Mỹ đã tới bằng máy bay lên thẳng.

Cuộc chiến đấu kéo dài với số quân chết của Mỹ rất cao nhưng sau đó quân Mặt trận Dân tộc giải phóng phải rút lui vì những tổn thất lớn rốc-két và đạn pháo ...

Trong chiến dịch này quân Mỹ đã dùng máy bay lên thẳng chở đại bác 105 tới 67 lần còn các tiểu đoàn được chở vào tới 47 lần.

Số đạn pháo bắn ra là 33.000 quả, tức là một phần ba số đạn pháo mà ông Giáp đã bắn trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là một sức cơ động mà quân Pháp chưa hề có.

Các cuộc hành quân tìm và diệt của Mỹ, bắt đầu thực hiện ráo riết năm 1966 là một cảnh tượng đáng sợ đối với một toán du kích. Lấy ví dụ ở Củ Chi, phía bắc Sài Gòn vào một ngày của tháng 6 năm đó, bộ binh Mỹ đã tới với vũ khí, trang bị để đánh nhau với 1 sư đoàn thiết giáp.

 Ông Giáp tin rằng “chiến tranh sẽ chỉ đánh đến mức mà kẻ địch có thể bị đưa tới bàn hội nghị và bị đánh bại ở đó 

Đối chọi với 1 đại đội du kích, họ có 80 xe bọc thép chở quân. Trước hết họ vung đạn súng máy khắp cả một vùng; sau đó những loạt đại bác 105mm được rót vào; thế rồi máy bay hoạt động với súng đại bác 20mm và rốc-két 2,75; nếu có một phát súng đáp lại thì những khẩu đại bác 175 sẽ nhả đạn từ các vị trí ở phía sau cách đó vài dặm.

Sau đó xe ủi đất sẽ xông vào, các boong ke tình nghi là nơi ẩn nấp của Việt cộng sẽ bị phá tung; khu vực đó trống như một bãi sa mạc hoặc một “vùng trắng” theo cách gọi của người Mỹ.

Lục quân Mỹ khoe rằng họ đã giết chết 16.000 Việt cộng trong 4 tháng đầu năm 1966, đến lúc đó dã có 22.500 người Việt Nam chết và 6.500 người Mỹ chết.

Trong một cuộc chiến tranh mà Mỹ không có hy vọng thắng
Trong một cuộc chiến tranh mà Mỹ không có hy vọng thắng.

Các làng xã liên kết với nhau để hình thành 1 tuyến chiến đấu liên hoàn 

Tuy nhiên hệ thống “công sự tiến công” của ông Giáp từng làm cho quân Pháp bị rung chuyển dần dần ở Điện Biên Phủ, đã phát triển thành một chiến lược chủ yếu và trở thành nguyên nhân chủ yếu gây thất vọng cho quân Mỹ. Nó đã được du kích ở miền Nam sử dụng có hiệu quả và được sử dụng vào việc bảo vệ miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh là con đường chưa hề bị gián đoạn nghiêm trọng vì các trận ném bom của Mỹ.

Dọc các điểm thâm nhập trên đường mòn Hồ Chí Minh là một cơ cấu phức tạp các khu vực căn cứ, tất cả đều liên kết với nhau bằng hàng dặm đường hầm đào sâu xuống lòng đất, được bố phòng và cất trữ hàng tiếp tế.

Có một hôm vào năm 1967, quân Mỹ ở tỉnh Tây Ninh đã bắt được một số gạo đủ nuôi 10 tiểu đoàn Việt cộng trong 17 tháng.

Các nhóm du kích từ 2 đến 3 người, đi theo đường mòn sẽ dùng các đường khác nhau để tới các khu vực tập kết để thành lập các tiểu đoàn. Nếu xảy ra giao chiến “ác liệt” thì họ chia nhỏ ra, và một trận đánh chính thức sẽ chuyển thành một trận đánh du kích, trong khi binh lính trà trộn vào các làng xã.

Ông Giáp viết: “Bị bao vây bởi biển cả của chiến tranh nhân dân, địch như bị che mắt, bịt tai. Chúng đánh mà không trông thấy đối phương, chúng đánh nhưng không trúng và chúng không có khả năng thi thố biện pháp chiến đấu hùng mạnh của chúng”.

Phải lo đến một cuộc xâm lăng đối với miền Bắc và các vấn đề về ném bom, ông Giáp đã huy động tất cả dân thường cùng làm việc với quân đội để làm cho cả nước trở thành một doanh trại bố phòng khổng lồ, “một bàn đạp cho cuộc tiến công liên tục và rộng khắp. Các làng xã ở miền núi và đồng bằng liên kết với nhau để hình thành một tuyến chiến đấu liên hoàn. Hàng vạn dân được huy động để làm hầm hào và công sự”.

Nhưng đến cuối mùa khô năm 1966, Việt cộng rõ ràng đã điêu đứng vì hỏa lực của Mỹ và hình như đã mất quyền chủ động. Họ bị những tổn thất nghiêm trọng.

Ông Giáp phân tích ba giai đoạn về chiến tranh du kích của Mao Trạch Đông và ông thấy giai đoạn thứ ba, tức là giai đoạn phản công là một điều sai lầm đối với miền Nam vào lúc đó.

Ông thừa nhận rằng một thắng lợi thuần túy quân sự là không thể có được. Ông muốn tiến hành một cuộc chiến tranh du kích tiêu hao kéo dài và mở một cuộc tiến công chính trị song hành nhằm vào chỗ yếu trong hệ thống dân chủ Mỹ vì nó sẽ không chịu được lâu một cuộc chiến tranh kéo dài, liên miên. Chính vì thấy rõ chỗ yếu và tiến công vào chỗ yếu đó mà ông Giáp đã có sự cải tiến quan trọng trong chiến lược ở Việt Nam.

Ông Giáp tin rằng “chiến tranh sẽ chỉ đánh đến mức mà kẻ địch có thể bị đưa tới bàn hội nghị và bị đánh bại ở đó”.

Tình trạng bế tắc đã đạt tới đỉnh cao năm 1967, lúc người Mỹ mở nhiều cuộc hành quân lớn để tìm cách quét sạch các căn cứ Việt cộng.

Cuộc hành quân Cedar Falls đã ném 30.000 quân vào khu “tam giác sắt”, một căn cứ chủ yếu ở Tây Bắc Sài Gòn với mục tiêu hủy diệt toàn bộ khu vực đó. Trong 15 ngày, Mỹ khoe đã giết chết 671 Việt cộng.

Một đại tá nói: “Chúng ta đã phát triển một hình thức mới về chiến tranh trong rừng ở đó. Chúng ta đã di chuyển cả khu rừng”.

Và cuộc hành quân Junetion city – 40.000 quân được ném vào sau khi đã cho máy bay B.52 bắn phá. Bây giờ đây hành quân tìm và diệt được kết hợp với “bình định”, nghĩa là những cuộc hành quân dài ngày nhằm chiếm các vùng Việt cộng và thiết lập một cơ cấu chính trị trung thành với chính phủ. Mặc dầu nó chưa hề đứng vững thực sự, công tác bình định là mối đe dọa nghiêm trọng duy nhất đối với chiến lược của Việt cộng; nhưng từ giờ phút này trở đi, tư lệnh Mỹ là tướng Westmoreland đã tự mình mắc vào cái “mâu thuẫn” cổ điển của ông Giáp giữa việc tập trung lực lượng để mở cuộc tiến công và việc phát tán lực lượng để chiếm đất cho công tác bình định.

Người ta ước tính rằng để đạt bất kỳ tiến bộ nào, Westmoreland sẽ cần phải có tới 2 triệu quân. Vào đỉnh cao của cuộc chiến tranh của Mỹ ông ta có khoảng một nửa con số này kể cả quân Việt Nam cộng hòa. Và để khai thác “mâu thuẫn” này, ông Giáp đã chuyển hoạt động lên hướng Bắc, tới khu phi quân sự, một việc làm mà ông cho là quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh.

Giữa khoảng thời gian xảy ra việc này năm 1967 và việc bùng nổ cuộc tiến công mạnh mẽ nhân dịp Tết năm 1968, mở đầu thời kỳ Mỹ rút quân, ông Giáp đã ghìm chặt quân Mỹ vào những cuộc đấu pháo tốn kém và – theo quan điểm của Mỹ – vô tích sự ở Cồn Tiên và Khe Sanh về phía Bắc và ở Dakto về phía Tây Nguyên.

Trong dịp Tết năm 1968, bằng một chiến dịch có phối hợp và diễn ra đồng thời, Việt cộng đã đánh trên 80 trung tâm, chiếm sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, tràn vào và chiếm nhiều thành phố quan trọng trong nháy mắt, trong đó có Huế (bị chiếm 2 tháng) và giáng một đòn tâm lý rất đau cho Lầu Năm góc và đặc biệt cho công chúng Mỹ, những người vẫn nghĩ một cách có lý rằng họ đã bị đánh lừa vì những chuyện chiến thắng sắp tới nơi.

Để trả lời cuộc tiến công của ông Giáp ở phía Bắc, Westmoreland phải điều quân ra khỏi thành phố để tuần tiễu và bảo vệ vùng ngoại vi, và ông ta cũng như quân đội Việt Nam cộng hòa không còn lực lượng chiến lược nào nữa để đối phó có hiệu quả với cuộc tiến công Tết lúc nó nổ ra.

Westmoreland, sau đó bị cất chức chỉ huy, có nói: “Nó có đặc điểm là sự phản bội và sự lừa bịp”.

Mặc dầu người ta nghĩ rằng đó là một trong những thành công to lớn về chính trị – quân sự của ông Giáp – nó đã dẫn tới việc Johnson rút lui không ra tranh cử lại và bắt đầu rút quân Mỹ – cũng có thể là ông Giáp không giành được gì trong vụ này. Không ai có thể dự đoán được tác động chính trị của nó, và nó đã không thực hiện được các mục tiêu quân sự.

Còn nữa

Ông Giáp muốn tiến hành một cuộc chiến tranh du kích tiêu hao kéo dài và mở một cuộc tiến công chính trị song hành nhằm vào chỗ yếu trong hệ thống dân chủ Mỹ vì nó sẽ không chịu được lâu một cuộc chiến tranh kéo dài, liên miên.

James Fox
The Sunday Times Magazine -1972

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG