Miền Trung tất tả chạy Bão Nari

Miền Trung tất tả chạy Bão Nari
TP - Từ 2 giờ sáng nay (15/10), bão số 11 (tên quốc tế Nari) đổ bộ vào các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, trong đó vùng trọng tâm giữa Đà Nẵng - Hải Vân, với sức gió mạnh cấp 11-12.

> Bão áp sát bờ, miền Trung quay quắt trong gió lớn

MẠNH HƠN BÃO SỐ 10

Từ chiều tối 14/10, tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… xuất hiện mưa lớn, gió mạnh, sóng biển dâng cao. Học sinh toàn thành phố Đà Nẵng nghỉ học từ chiều 14/10 và dự kiến đến hết ngày hôm nay. Tại nhiều tuyến đường TP Đà Nẵng, không ít cây cối ngã đổ, giao thông đi lại khó khăn.

18 giờ tối cùng ngày, nhiều tuyến điện Đà Nẵng phải cắt cúp đảm bảo an toàn. Mực nước hệ thống sông Hàn, các sông dâng cao. Sức gió gia tăng. Đến 20 giờ tối 14/10, gió trên bờ Đà Nẵng mạnh cấp 6, giật cấp 8, tiếp tục tăng cấp nhanh.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, với tốc độ di chuyển 15km/h, khoảng từ 2 đến 8 giờ sáng 15/10, tâm bão Nari chính thức đổ bộ đất liền các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, trọng tâm giữa Đà Nẵng - Hải Vân với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đây là cơn bão mạnh hơn cơn bão số 10 vừa qua, và có khả năng ngang ngửa với cơn bão xangsane (2006). Đáng lo ngại, bão mạnh kèm theo mưa lớn, thủy triều dâng nên nguy cơ ngập úng, lũ quét sau bão là rất lớn.

Đà Nẵng “chạy” thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Huy
Đà Nẵng “chạy” thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Huy.

16 giờ 30 chiều 14/10, 20 hộ dân cuối cùng khu nhà tập thể P. Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được ngành chức năng sơ tán đến vị trí kiên cố, an toàn. Tại âu thuyền Thọ Quang, 18 giờ cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra, vận động ngư dân lên bờ phòng tránh bão.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Thọ chỉ đạo Ban quản lý âu thuyền cảng cá Thọ Quang, BĐBP Đà Nẵng đến 20 giờ rà soát, vận động xong không để bất kỳ hộ dân nào trên tàu trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Thống kê BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, hơn 11.000 hộ dân với 55.000 nhân khẩu tại vị trí dễ ảnh hưởng trên địa bàn Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… được lên phương án di dời.

Quảng Nam: Sơ tán hàng ngàn hộ dân

Bộ đội giúp dân sơ tán
Bộ đội giúp dân sơ tán .
 

Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 11 tại tỉnh Quảng Nam. Tại huyện Núi Thành, Phó Thủ tướng kiểm tra tình hình sạt lở ở khu bờ biển thôn Trung Toàn xã Tam Quang, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu tàu thuyền An Hòa.

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương cần lập phương án để nâng cấp khu neo đậu nhằm đáp ứng nhu cầu tránh trú khi có bão cho hàng trăm tàu thuyền của ngư dân, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong vùng trũng, vùng ven biển.

Trong ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo các địa phương thuộc vùng trũng ven biển nhanh chóng di dời khoảng 6.000 hộ dân. Theo báo cáo của BCH PCLB tỉnh, hiện vẫn còn 88 tàu cá cùng 2.605 lao động đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng đang liên lạc liên tục hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh bão an toàn.

Tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo thủy điện A Vương vận hành điều tiết hạ mực nước hồ xuống cao trình 376 m; thủy điện Đăk Mi 4 hạ xuống cao trình 255m trước 17 giờ ngày 14/10 để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

TT-Huế cẩn trọng xả lũ, điều tiết nước

Sạt lở ở biển. Ảnh: quốc hải
Sạt lở ở biển. Ảnh: quốc hải.
 

Từ sáng 14/10, toàn tỉnh bắt đầu có mưa to liên tục, trời trở lạnh, nhiều vùng ven biển xuất hiện gió mạnh. Được dự báo là địa bàn có khả năng bão đổ bộ, huyện Phú Lộc tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn từ sáng 14/10.

Huyện huy động 3 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động, 7 xe múc, 9 xe khách, 10 xe ben, 1 xe kéo chuyên dụng, 3 thuyền máy, 2 ca nô túc trực phòng chống bão. Toàn huyện dự trữ 30 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm, 3.000 lít dầu hỏa, thuốc chữa bệnh…

Trong sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 11 tại huyện này. Đến chiều 14/10, toàn tỉnh kêu gọi xong 1.820 phương tiện tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, không còn phương tiện đánh bắt hoạt động trên vùng biển tỉnh này.

Đến trước 19 giờ tối 14/10, toàn tỉnh sơ tán 3.463 hộ (hơn 11.000 nhân khẩu) từ vùng sạt lở, ven biển nguy hiểm đến nơi an toàn. Các chủ hồ chứa thủy điện được yêu cầu chủ động điều tiết mức nước trước khi mưa bão đến, nhằm tránh tái diễn tình trạng ngập lụt như từng xảy ra ở vùng cao A Lưới qua hai cơn bão số 8 và số 10. Từ chiều 14/10, gần 300.000 học sinh trên địa bàn đã nghỉ học để tránh bão.

Lo hồ chứa mất an toàn

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư cho hay: 5/3 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên đã đầy, nhiều hồ chứa nhỏ mất an toàn. Đặc biệt, hiện có 14/20 hồ thủy điện lớn đã đầy và xả tràn.

Thủy điện A Lưới, A Vương, Đắk Mi, Sê San… có mức xả tràn cao hơn ngày 13/10. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường cán bộ kiểm tra theo dõi quy trình xả tràn của các hồ thủy điện để tránh tình trạng “lũ chồng lũ”. Nước chảy về hồ chứa bao nhiêu, thủy điện chỉ được xả bấy nhiêu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng Quân khu 4, Quân khu 5 tập trung lực lượng giúp dân vùng ảnh hưởng nặng tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

Ngay trước thời điểm bão số 11 đổ bộ đất liền, hồ chứa thủy điện Hương Điền (TT-Huế) đã không chấp hành nghiêm việc xả lũ theo quy định của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.