Bí thư Tỉnh ủy trẻ và trăn trở nơi phên giậu

Bí thư Tỉnh ủy trẻ và trăn trở nơi phên giậu
TP - Cách gì để Hà Giang, tỉnh phên giậu, trái đường trái tuyến, thoát nghèo, đi lên? Đó là câu hỏi thường trực đối với lãnh đạo Hà Giang và Triệu Tài Vinh là bí thư tỉnh ủy vào hàng trẻ nhất nước (sinh năm 1968). Mũi đột phá được chọn là xây dựng nông thôn mới.

> Neo mình giữ biên cương Tổ quốc
> Tình nguyện ra Trường Sa dạy học

Một góc bản Chung ngày nay - nơi điểm xây dựng NTM Hà Giang
Một góc bản Chung ngày nay - nơi điểm xây dựng NTM Hà Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đau đáu một chiều muộn trò chuyện về xây dựng nông thôn mới (NTM) với phóng viên Tiền Phong. Lựa chọn 40/176 xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh với bao khảo sát ngặt nghèo để quyết định mà thấy lo cho cái đích 19 tiêu chí đến năm 2015, đến giờ mới có khoảng chục xã đạt hơn 10 tiêu chí, và ngổn ngang gần trăm xã đạt từ 3-4 tiêu chí.

Xốc lại và siết lại tinh thần, kỷ luật cả hệ thống chính trị ở cái tỉnh từng đi qua mấy câu chuyện ầm ĩ sau thời ông chủ tịch tỉnh cũ, đó là cả một ý chí nghiêm ngắn của ông Vinh và Thường vụ Tỉnh ủy. Thành công, và nhân dân đang rất có niềm tin vào đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vào hàng trẻ nhất nước, mấy năm liền Hà Giang không ai nghe thấy điều tiếng gì nữa. Trung ương khen ngợi, nhưng ông Vinh chưa được hưởng niềm vui bởi nỗi lo cho một tỉnh nghèo. Khách du lịch đang kéo ùn ùn lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Hà Giang đang là điểm đến du lịch. Vậy mà du lịch chưa đạt tầm là kinh tế mũi nhọn. Công nghiệp của tỉnh cũng chưa thực sự xốc lên ở vị trí đầu tàu kinh tế. Cây chè, cây lúa, cây ngô mang lại nhiều khởi sắc nhiều năm qua nhưng chưa đưa mấy huyện 30a của Hà Giang thoát ra khỏi một nghị quyết về cái nghèo. Tuyến đường huyết mạch QL2 còn ngổn ngang sửa chữa, ai đến Hà Giang một lần mà khiếp vía với đường…

  Chúng tôi không bê tông hoá nông thôn, mà chú ý bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh

Nhìn ngược lại, từ thời ông Triệu Viết Thanh, một lãnh đạo của tỉnh Hà Giang, bố đẻ ông Vinh, đã từng trăn trở những nỗi niềm vượt khó cho vùng đất khó. Hà Giang vẫn khô khát, lạnh giá với núi đá ngàn đời. Làm quan đất nghèo khác nào làm bố ngôi nhà nghèo. Ở Hàn Quốc những năm 70 thế kỷ trước họ đã tiền vi khai thông xây dựng nông thôn mới. Hôm nay toàn dân Hà Giang chung tay bước vào cũng thấy na ná: Nhà sạch, vườn đẹp, chuồng trại quy củ, lối ngõ khang trang, rồi trồng gì, nuôi gì cũng có bài hướng đến cái thu nhập tốt, ấy là nông thôn mới... cho cái nhà nghèo.

Ông Vinh bộc bạch, tỉnh vùng cao cực bắc này đã mấy mươi năm thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước với 6/11 huyện “30a” (hơn 120 xã và gần 100 thôn bản được đầu tư theo chương trình 135 của Chính phủ). Đã là tỉnh nông nghiệp lại có tới hơn 86% là đồng bào thiểu số, cũng có hạn chế nhất định về dân trí, nếp sống. Đó là nỗi buồn Hà Giang, nhưng cũng là... vẻ đẹp đất và người Hà Giang.

Bí thư Tỉnh ủy trẻ và trăn trở nơi phên giậu ảnh 2

Hình ảnh nông thôn mới Hà Giang.

Nghèo mấy cũng không ai muốn đi ăn xin. Không còn cách nào khác, bám ngay vào 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà nghiên cứu cách làm đột phá. Hà Giang sẽ đột phá từ những nét sống và lao động ở vùng đặc thù.

Tỉnh cho dân xi măng láng nền nhà, làm khu vệ sinh, dân góp thêm công, thêm vật liệu mà cùng làm. Việc chưa cần tiền làm trước, việc cần ít tiền cũng ưu tiên làm trước, việc cần nhiều tiền sẽ bàn làm sau cùng. Gọn cái bờ rào, tạo một vườn rau, hiến công làm con đường bê tông, nhà nhà, người người tìm cách tăng thu nhập gia đình, vùng nào hợp với cách làm gì, làm ngay, và đó là bài toán làm trước.

Nhận thức “Xây dựng nông thôn mới”, sang “Thực hiện nông thôn mới” để tránh người dân trông chờ, ỷ lại quá lớn vào nhà nước; từ nhận thức “Bê tông hóa nông thôn” sang xây dựng NTM với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ông Vinh khuyến khích các hộ gia đình xây dựng hàng rào bằng cây xanh, hoặc xếp đá theo truyền thống của người Mông, làm đường liên gia bằng xếp đá hoặc rải sỏi... Các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Đàn ông làm đường, đàn bà làm vườn”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… ở tất cả các xã, thôn bằng các biển pa nô, áp phích…

Hà Giang không có đất sống cho đạo phản của Dương Văn Mình, người Hà Giang hiền và đẹp kính lễ thờ cúng tổ tiên chứ không đi theo những lôi kéo bậy bạ. Đảng bộ, chính quyền quyết tâm, vậy sao tỉnh vẫn nghèo?! Rõ ràng là khâu quản lý lãnh đạo và cái đầu có tầm nhìn với cách làm đặc thù mới giải mã được.

Ông Vinh chỉ đạo toàn tỉnh xem lại khâu tổ chức sản xuất và gióng lại nét sống, ăn ở, sinh hoạt ở từng ngõ xóm bản làng - chìa khóa xây dựng NTM chính là ở đây. Ở Đồng Văn, tỉnh hỗ trợ giống lúa Khẩu Mang, một loại lúa đặc sản của huyện núi đá, năng suất đạt cao rõ rệt, tiêu thụ dễ. Không cứ là trồng ngô, mà trồng đậu tương, dong giềng, tam giác mạch... đều thuận lợi, dân hồ hởi vào cuộc.

Ở Hoàng Xu Phì dành hẳn 200 triệu đồng lắp đặt bảng tin NTM tại 21/21 thôn của 2 xã Nậm Ty và Thông Nguyên. Dân bản dễ hiểu, dễ học dễ làm. Gần 3 năm xây dựng NTM, đời sống đã nâng lên như ở Vị Xuyên mà bao người chưa hiểu đúng, hiểu đủ về NTM. Họ bàn về 19 tiêu chí mà không rõ là những tiêu chí gì, và phải làm gì... Ở Hoàng Su Phì còn khó nói với dân hơn. Bảng tin ghi tiêu chí, lại ghi thêm công việc mà thôn cần thực hiện theo tháng, quý, cụ thể việc làm cho nhà sạch, vườn đẹp.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Ở Xín Mần bây giờ, triền núi xanh lúa, đỏ ngô, có cán bộ thôn làm “chốt” dẫn tay chỉ việc. Hơn 2.000 chuồng trại đã được di chuyển ra xa nhà, làm mới hơn 800 nhà vệ sinh, hơn 700 nhà tắm được làm mới, 680 hộ đã láng boóng xong nền nhà, hàng ngàn hộ cam kết đến hết năm sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.

Huyện mở 11 lớp đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 1.100 người, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, áp dụng 420 mô hình chuyển đổi sản xuất như nuôi lợn đen, trâu, bò sinh sản, trồng đậu tương thuần chủng, trồng lúa Già Dui, nếp cái hoa vàng, chế biến chè đặc sản Chế Là, trồng thảo quả... Ở Bắc Quang thì phụ nữ đi đầu phong trào “nhà sạch, vườn đẹp”, chỉ giản đơn hướng dẫn bà con từ cách quét dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, treo gấp quần áo, cọ rửa ấm chén, bố trí góc học tập cho các cháu đảm bảo đủ ánh sáng, đến việc quy hoạch, tu sửa nhà ở thuận tiện, gọn gàng, chuồng trại sạch sẽ.

Có tới 70.000 gia đình trong toàn tỉnh đăng ký “5 không, 3 sạch”, và hiện hàng ngàn hộ đạt tiêu chí vườn sạch nhà đẹp. Về Hà Giang những ngày này ở bất cứ thôn bản nào, ai cũng có thể thấy cái tinh tươm, sạch sẽ từng con ngõ bản làng…

Đột phá xây dựng NTM cũng chính là đả thông tư tưởng trong người dân và chính cán bộ. Cái bờ rào, vườn rau, nhà vệ sinh, vị trí chuồng trại, con ngõ đi lại trong bản…, nét NTM ở đó chứ đâu! Cứ ngẫm là có “một gói nông thôn mới ối tiền” từ Nhà nước mang về mà ỷ lại, trông chờ thì nguy hiểm quá.

Mỗi lần đi thăm làm việc ở các xã, ông Vinh thường xuyên nhắc nhở cán bộ và trò chuyện với người dân làm rõ quan điểm này. Dân hiến gần triệu ngày công, góp gần 500.000m2 đất và mở mới hớn 300km đường, những con số ấn tượng đang dồn dập thông tin “chiến thắng” xây dựng NTM.

Gần 2.000 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực và khéo léo lồng ghép “các loại vốn và chương trình”, đã là nỗ lực khủng khiếp của Hà Giang, nhưng hãy còn như muối bỏ bể.

Song, mục tiêu đến năm 2015 Hà Giang có 20% số xã, năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM sẽ trở thành hiện thực, ông Vinh cũng như mỗi người Hà Giang đang dám khẳng định như thế bằng niềm tin và cách hành động đặc thù ở một vùng xứ đá, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Hà Giang với các tỉnh bạn.

Bóng hình nông thôn mới

Chị Nông Thị Lập ngắt cầu dao điện chiếc máy xát gạo. Đã 8h sáng, và giờ chị mới được tạm nghỉ. Thức dậy từ mờ sớm, chị cùng cái máy xát duy nhất ở bản Chang (xã Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang) phục vụ cho cả khách xay mang lúa ngô đến từ bản Chung bên cạnh. Điện lưới giăng dọc con đường bê tông đi vào bản, giờ chẳng ai phải mang lúa ngô đi xay ở nơi xa.

Con đường bê tông rộng hơn 3m trải phẳng vào các thôn ở xã Việt Lâm. Nó là sản phẩm của hàng ngàn đoàn viên thanh niên đến từ khắp các xã trong huyện Vị Xuyên chỉ cách đây không lâu sau trận lũ quét lịch sử hồi đầu năm. Nhìn con đường khang trang, nhà sàn bóng vàng màu gỗ, những vườn rau non xanh và cánh đồng lúa vàng tươm đang chuẩn bị mùa thu hoạch, không mấy ai biết rằng Việt Lâm vừa trải qua trận lũ bùn cao ngang đốc nhà tràn đến.

Ở thôn Chang, nhà anh Nguyễn Văn Toàn (người Tày) còn nức tiếng vì chăn nuôi lợn giỏi. 50 tấn lợn xuất chuồng/năm, doanh thu cả 2 tỷ đồng, lại làm cả đại lý kinh doanh thức ăn gia súc cho cả vùng. Toàn xem ti vi qua chảo, thấy nói nuôi lợn mát tay tinh người mà thành tỷ phú, thế là mê. Thôn Chang ngày nay nhà nhà, người người đua nhau làm kinh tế. Hôm rồi đi họp thôn, nói là làm kinh tế giỏi là xây nông thôn mới chứ không phải chỉ có mỗi con đường bê tông dẫn về. Ông trưởng bản bảo nhà Toàn, nhà Lập dựng cái bờ rào đẹp lên, nhà sàn phải sạch, thêm cái vườn rau ăn, thế là nông thôn mới...

Thôn Chung, vợ chồng anh Nguyễn Thế Huỳnh còn thuê máy đào hơn 4.000m2 ao, năm xuất tới 50 tấn cá, nuôi hơn 10 con lợn thịt, sắm cả máy cắt cỏ, máy gặt đập. Phó Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên Bùi Hồng Quang nói chính thôn này đang được triển khai mô hình “đầu tư có thu hồi”. Nhà Huỳnh được vay vốn nuôi cá rô phi, nửa năm sau thu hoạch thì chuyển trả vốn cho nhà hàng xóm. 137 hộ thôn Chung sẽ lần lượt được đầu tư như thế, tổng chi vài trăm triệu, ấm no cả bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG