Cực khổ ở nơi nước lũ cô lập gần 2 tháng

Cực khổ ở nơi nước lũ cô lập gần 2 tháng
TP - “Nước ngập ở hung Trâu gần hai tháng ni rồi, không ai vô ra chi được cả. Nhiều nhà thèm cơm lắm rồi! Nhà báo có chi cho với. Được cái chi hay cái đó. Người Rục mình khổ lắm!”- Trưởng bản Trần Xuân Tư than.

> Hàng ngàn học sinh chưa thể đến trường
> Trường học nhỏ, trụ sở công quyền to

Ám ảnh hung Trâu

Lời của trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư, cứ ám ảnh, thôi thúc tôi quyết tâm ngược đường Hồ Chí Minh, vượt nước lũ vào với đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Hung Trâu, nằm trên con đường độc đạo nối 3 bản người Rục gồm Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ với trung tâm xã, nước phủ xanh ngắt.

Ông Cao Chơn rời hang đá về bản, hình như thèm thịt chuột mà phát ốm
Ông Cao Chơn rời hang đá về bản, hình như thèm thịt chuột mà phát ốm.

Người lái đò, được xã Thượng Hóa cử vào phục vụ miễn phí việc đi lại ở đây, cho biết: Đường vào bị ngập ở đoạn qua hung Trâu dài khoảng 2km, nơi sâu nhất chừng 5m. Đây là thung lũng, bốn bề núi cao bao bọc, nên nước lũ đọng lại, thoát rất chậm. Xưa nay, chỉ cần một trận mưa to là hung Trâu lại bị chia cắt.

Đầu năm 2000, từ nguồn vốn Chính phủ, Quảng Bình đầu tư mở con đường hơn chục cây số vào các bản người Rục. Việc nước ngập hung Trâu đã được các cơ quan chức năng tính đến, nhưng đành bó tay. Nâng cao mặt đường để vượt lũ thì không thể, mở đường khác thì vòng vèo quá tốn kém. Tại thời điểm đó, riêng việc mở đường và kéo điện sáng vào đã ngốn hết mấy chục tỷ đồng.

Tính ra, để tránh nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn tộc người Rục, riêng cơ sở hạ tầng, Nhà nước đã đầu tư vào đây cũng trên dưới 500 triệu đồng/hộ người Rục. Tuy nhiên, người Rục vốn nhút nhát, phong tục, tập quán bó buộc, nên sau hơn 50 năm hòa nhập cộng đồng, cuộc sống của đồng bào vẫn hết sức khó khăn.

Vượt qua hung Trâu, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ gần 7km nữa trên những con dốc cao ngất ngưởng mới đến được bản Ón. Ông Trần Xuân Tư mừng rỡ nói: “Tưởng nhà báo chỉ hỏi thôi, rứa mà lên thiệt à?”.

Theo ông Tư, nước ngập hung Trâu, chia cắt đồng bào Rục từ cơn bão số 8 đến nay, nên cuộc sống hết sức khó khăn, nhiều nhà đã hết gạo mấy ngày nay. Cuộc sống người Rục xưa nay vốn tự cung, tự cấp, nên rất ít khi ra ngoài giao thương, chỉ thỉnh thoảng có người ngoài mang nhu yếu phẩm vào bán.

Tuy nhiên, do nước lũ ngập sâu ở hung Trâu nên họ cũng chẳng thiết vào buôn bán. Bị cô lập, người Rục được bộ đội Biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều, nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề, đến dầu thắp đèn cũng không có. Ánh sáng duy nhất ở các bản Rục vào ban đêm trong thời gian bão lũ là ánh lửa leo lét, khói um ở xó bếp do củi ướt.

Ông Tư cho biết: Trước bão số 8, đồn biên phòng có phát gạo, mỗi khẩu được 15kg gạo, nhưng nhiều nhà nay đã hết sạch gạo, phải ăn ngô, sắn trừ bữa. Còn thực phẩm thì hiếm, người ngoài không vào bán, mưa lũ nhiều nên bẫy thú, lưới chài cũng kém hiệu quả. Thỉnh thoảng có người mới bắt được con chuột rừng, mớ cá khe cải thiện, còn chủ yếu vẫn là muối trắng. “Giờ ai cho được cái chi là hay cái đó. Người Rục mình khổ lắm nhà báo ơi”, ông Tư than vãn.

Phải vào rừng đào củ mài

Đường vào bản người Rục nước ngập ở hung Trâu dài gần 2km, nơi sâu nhất 5m
Đường vào bản người Rục nước ngập ở hung Trâu dài gần 2km, nơi sâu nhất 5m.
 

Đi hết cả 3 bản người Rục, thấy nhiều nhà đã phải ăn ngô, sắn thay cơm. Nhà nào còn gạo thì cũng không còn nhiều, cũng chỉ được vài ba ngày nữa là hết sạch. Chị Cao Thị Thương ngồi bên bếp lửa với nồi sắn đang sôi buồn rầu nói:

“Nhà mình hết gạo 4 ngày ni rồi, chỉ còn sắn thôi. Nhưng mà sắn cũng chỉ được mấy ngày nữa thôi. Mai mốt là phải vô rừng đào củ mài, củ nhút mà ăn rồi”.

 “Nhà mình hết gạo 4 ngày ni rồi, chỉ còn sắn thôi. Nhưng mà sắn cũng chỉ được mấy ngày nữa thôi. Mai mốt là phải vô rừng đào củ mài, củ nhút mà ăn rồi”. 

Chị Cao Thị Thương

Nhà của chị Thương còn khô ráo, chứ nhà của Cao Thị Liêm thì thông thống gió lùa. Hai vợ chồng mới ra ở riêng, không đúng dịp Nhà nước hỗ trợ làm nhà, nên dựng tạm ngôi nhà nhỏ để ở. Bão vào, tốc hết mái tranh, rồi những tấm lá rừng kết lại che xung quanh nhà cũng bay nốt. Thứ quý giá nhất trong nhà chị Liêm có lẽ là chiếc giường gãy vạc, không có chiếu. Ngay vị trí đặt chiếc giường mái nhà cũng không còn nguyên vẹn.

“Khổ lắm, đêm nằm không ngủ được, mưa cứ rụng trúng mặt. Hai đứa con lạnh chịu không được, hắn khóc suốt đêm”, chị Liêm nói.

Chỉ vào mấy củ sắn trong rổ, chị Liêm nói, đó là cái ăn cuối cùng còn lại của gia đình. Chồng chị đang vào rừng đặt bẫy và đào củ mài nhưng không biết có không.

Hỏi vì sao có nhà vẫn còn gạo mà nhà mình lại hết, chị Liêm ứa nước mắt nói: “Ăn cơm với muối trắng nên tốn gạo lắm. Ăn vô được một tí là đói, con khóc lại phải nấu cho hắn ăn. Đêm nằm ngủ không được, đói bụng cũng phải nấu ăn, nên mau hết gạo thôi”.

Ông Cao Chơn nằm trên giường ho sù sụ, bên bếp lửa là người con trai ôm con nhỏ cùng vợ sưởi ấm. Thấy người lạ, ông Chơn lồm cồm bò dậy. Hỏi ra mới biết, vì sợ ông ở trong hang đá một mình, bão lũ nguy hiểm, nên con ông vào đưa về bản.

“Ở trong hang, ông ăn chuột quen rồi, về bản không có, hình như thèm thịt chuột nên ông phát đau. Nước ngập với lại không có tiền, nên không đưa ông đi khám được”, con trai ông Chơn nói.

Ông Cao Xuân Tình mặc dù rét co ro, nhưng vẫn hay đùa. Gặp chúng tôi, ông cười khà khà nói: “Nhà mình vẫn còn gạo mà. Phải biết độn sắn, ngô vô mà nấu chứ. Ai mà ăn cơm trắng thì hết là đúng rồi”.

Để chứng minh lời mình nói, ông Tình bảo vợ mang bao gạo ra cho chúng tôi xem. Bà Duân, vợ ông Tình, vào góc nhà mang ra một bao lác, trong đó chừng 5kg gạo. Vợ ông Tình nhìn 4 đứa con nói: “Ông ấy thì biết chi. Từng ni gạo có độn chi vô nữa thì cũng được vài ba ngày thôi. Không có trợ cấp thì cũng đói thôi”.

Ông Cao Thanh Biên, Chủ tịch xã Thượng Hóa, cho biết: Người Rục vốn đã rất khó khăn, nay bị lũ cô lập nên khó khăn gấp bội. Vụ lúa vừa rồi ở thung lũng Rục Làn mất mùa do lúa trổ vào ngày mưa to, sau đó chuột phá hoại, nên thu hoạch không được bao nhiêu.

Tuy nhiên, ông Biên khẳng định, người Rục vẫn còn gạo. Hiện xã và đồn Biên phòng vẫn còn 4 tấn gạo dự trữ để cứu trợ đồng bào. Chúng tôi đặt vấn đề cứu trợ, ông Biên nói, nên để chờ nước tạm rút đã, giờ không thể mang hàng hóa vào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG