3 trẻ tử vong ở Quảng Trị không phải do vaccine

3 trẻ tử vong ở Quảng Trị không phải do vaccine
TPO- Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine tại Quảng Trị không phải do vaccine mà do người tiêm chủng không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.

>Ba trẻ tử vong vì bị tiêm nhầm thuốc co bóp tử cung
>Nghề y cần hơn nữa sự tận tâm, dám chịu trách nhiệm

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số vấn đề liên quan đến vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin ở Quảng Trị; vấn đề BHYT, chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải BV.

+Thưa Bộ trưởng, trước hết xin được bắt đầu ngay với một số thư gửi về với thái độ rất bức xúc về vụ việc 3 cháu nhỏ bị chết sau khi tiêm vaccine tại Quảng Trị. Về vụ việc này, mới đây cơ quan điều tra đã có thông tin chính thức. Tuy nhiên, các bức thư này có chung thắc mắc là tại sao đến thời điểm này chưa có ý kiến chính thức từ Bộ Y tế?

-Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước hết thay mặt lãnh đạo ngành y tế Việt Nam và cá nhân, tôi muốn gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến gia đình của 3 trẻ bị tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị.

Đây là sự việc hy hữu rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế đã cử ngay đoàn công tác kết hợp với công an và y tế địa phương điều tra.

Do tính chất vụ việc nghiêm trọng và có kết luận khách quan, chúng tôi có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Trong thời gian điều tra, các bên liên quan có sự hợp tác chặt chẽ. Về vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêm chủng thì Bộ Y tế trước đây đã tham mưu ban hành luật truyền nhiễm.

Trong đó có điều 30 quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế, ủy ban nhân dân, chương trình tiêm chủng mở rộng của sở y tế, đơn vị sản xuất vaccine và của người tham gia tiêm chủng.

Trước đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành 23 quy định chặt chẽ quy trình tiêm chủng an toàn trên toàn quốc từ năm 2008; tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên toàn quốc, nếu đạt điều kiện thì mới cho tiêm chủng.

Hiện, chúng tôi đang xây dựng nghị định về tiêm chủng để có hành lang pháp lý cao hơn và chi tiết hơn trong vấn đề thực hành tiêm chủng.

Ngày 10/10/2013, Công an tỉnh Quảng Trị đã quyết định tống đạt vụ án do vô ý làm tử vong cho 3 trẻ sơ sinh vì không thực hiện đúng thực hành tiêm chủng.

Như vậy, nguyên nhân ở đây không phải do vaccine mà do người tiêm chủng không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, dẫn đến tử vong của các cháu.

Nhân dịp này, tôi mong các bà mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng vì tương lai của các cháu.

Tôi cũng gửi thông điệp tới đồng nghiệp làm tiêm chủng trong toàn quốc, chúng ta đã rất vất vả trong nhiều năm qua đã bảo vệ phòng bệnh và giảm tử vong cho hàng triệu trẻ em. Nhưng nếu một chút sơ suất thì có thể dẫn đến tử vong và tai biến đáng tiếc cho các cháu. Vì vậy, các bạn hãy làm việc hết trách nhiệm, cố gắng cao nhất, đặt vấn đề an toàn tiêm chủng cho các cháu lên trên hết.

+Hiện nay còn tình trạng phân biệt đối xử đối với người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc lạm dụng, rút ruột bảo hiểm y tế thông qua việc kê đơn thuốc biệt dược hay việc xét nghiệm. Bộ trưởng có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phản ánh nếu trên, chúng tôi nghĩ là đúng và có trường hợp như vậy. Vừa qua, qua tiếp xúc cử tri, cũng có phản ánh là có sự phân biệt đối xử giữa người khám bảo hiểm y tế và người khám dịch vụ.

Điều này trong ngành y tế không chấp nhận được. Vì dù khám dịch vụ hay bảo hiểm thì trước mặt ta đều là người bệnh, đều phải khám và chữa bệnh với kết quả cao nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, bảo hiểm y tế ở nước ta thời gian qua đạt được kết quả đáng kể.

Thống kê năm 2012 số lượt người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là 121 triệu lượt người. Với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 68% trong cả nước mà nguồn thu cũng như phần chi cho khám chữa bệnh cho toàn quốc là 60-80% tùy theo tuyến là từ bảo hiểm y tế.

Như vậy, bảo hiểm y tế vẫn thu hút nhiều người khám bằng bảo hiểm y tế. Và có điều mà các nước khác chưa chắc đã thực hiện được, vì chúng ta là bảo hiểm xã hội, cung cấp dịch vụ y tế cơ bản nhưng với mệnh giá hơn 500 nghìn đồng, người bệnh được chữa bệnh và sử dụng kỹ thuật cao, kể cả bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo, can thiệp tim, mổ tim chi phí 100-200 triệu nhưng bảo hiểm y tế vẫn thanh toán.

Bên cạnh đó, gần đây do bảo hiểm y tế chưa hấp dẫn người dân vì giá dịch vụ y tế qua 17 năm qua vẫn không thay đổi. Ví dụ tiền khám bệnh 3.000 đồng. Thông tư 04 liên bộ đã điều chỉnh giá dịch vụ 3/7 yếu tố, đó là chi phí khám bệnh, tiền giường bệnh và một số chi phí trực tiếp.

Như vậy, trước đó người bệnh với giá thấp phải bỏ tiền ra để bù với giá thật, thì hiện nay đã được bảo hiểm thanh toán, như vậy rất tốt đặc biệt đối tượng người nghèo, cận nghèo.

Những đối tượng này, Nhà nước mua cho thẻ bảo hiểm, trong đó người nghèo nhà nước chi phí 100%, người cận nghèo nhà nước chi 70%. Một số tỉnh chi 30% còn lại hỗ trợ người cận nghèo.

Chúng tôi nghĩ, những đối tượng đó, nếu phải chi phí khám chữa bệnh như chúng tôi vừa kể thì chắc chắn sẽ không đủ khả năng. Đương nhiên, vì chúng ta phải tạo nên đa dạng các loại hình dịch vụ để người dân lựa chọn, với loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao hơn vì giá dịch vụ đã tính đầy đủ trong đó.

Công Khanh (ghi)

Theo Viết
MỚI - NÓNG