Vụ giả hài cốt liệt sỹ: Trái luật và quá chậm xin lỗi

Vụ giả hài cốt liệt sỹ: Trái luật và quá chậm xin lỗi
TP - Việc một ngân hàng phát tâm, có thiện nguyện quyên góp tiền bạc, công sức, thời gian để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ vin vào lý do làm “từ tâm” mà bỏ qua những quy định của pháp luật về quy tập cất bốc hài cốt liệt sỹ của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ - TB&XH, chỉ thỏa thuận với một cá nhân và chi ra khoản tiền lớn lên đến gần chục tỷ đồng… thì vụ việc này quả thực hết sức bất thường!

> Vợ chồng 'cậu Thủy' lừa tìm kho vàng như thế nào?
> Vợ chồng 'cậu Thủy' và những màn kịch 'cúng được vàng', tìm được mộ

Không có chức năng, nhiệm vụ, vẫn…nhiệt tình

Như Tiền Phong số ra ngày 1/11 đưa tin, bài phỏng vấn ông Đoàn Văn Khải - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đăng trên website NHCSXH chiều 30/10 với tít dẫn và đầu đề: “Nhà tâm linh” bị bắt vì nghi án làm giả hài cốt liệt sỹ để chiếm đoạt tài sản: công đoàn NHCSXH nói gì?” đã bất ngờ được rút xuống vào cuối chiều 31/10. (bài phỏng vấn này chúng tôi kịp lưu trước đó- PV).

Cuối chiều 31/10, sau rất nhiều cuộc liên lạc bất thành với những người đại diện NHCSXH, Tiền Phong đã trao đổi nhanh với ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH.

Trước đề nghị của PV rằng, lãnh đạo ngân hàng có thể làm rõ về một số điểm trong phần trả lời của vị Chủ tịch Công đoàn như “tại sao trong hoạt động chức năng nhiệm vụ của ngân hàng Chính sách không có việc đi tìm kiếm mộ hài cốt liệt sỹ mà ngân hàng vẫn đứng ra làm trực tiếp” hay “tổng số tiền mà công đoàn viên và những nhà hảo tâm khác tự nguyện đóng góp cho chương trình này là hơn 9,5 tỷ đồng cụ thể thế nào”, ông Thắng chỉ nói: “Việc này là do Công đoàn NHCSXH thực hiện và xuất phát từ tâm nguyện chung muốn “đền ơn đáp nghĩa”. Ông Thắng đồng ý sẽ cử một lãnh đạo ngân hàng tiếp và trao đổi thêm với Tiền Phong. Tuy nhiên, sáng 1/11, mọi liên lạc đều bất thành, các vị lãnh đạo ngân hàng này đều im lặng khó hiểu (?!)

Quay trở lại phần trả lời của ông Khải đã đăng trên website, cần nhìn nhận chủ trương muốn tri ân với người có công của Ban lãnh đạo, Công đoàn NHCSXH là một nghĩa cử rất đáng trân trọng và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp này có vẻ như Công đoàn NHCSXH đã… lệch “tâm” chăng mà quên đi việc Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng.

Một cán bộ có thâm niên trong công tác thương binh liệt sỹ của ngành LĐ-TB&XH nói với Tiền Phong đầy bức xúc: “Quy định về quy tập tìm mộ hài cốt đã rõ ràng. Tôi chỉ không biết khi làm việc này các anh ấy có tìm hiểu các quy định về quy tập cất bốc mộ liệt sỹ không? Nói là có tâm, sao không ủng hộ tiền để các đơn vị có chức năng làm mà tự dưng một ngân hàng không có chức năng nhiệm vụ lại đứng ra làm gì. Thêm nữa, với số mộ lớn thế, việc này nếu chắc chắn đã có ngân sách nhà nước lo”.

Theo ông, ngân hàng cứ nói hợp tác và mời “cậu Thủy” thế thì hợp đồng cụ thể đâu hay thanh toán bằng miệng? “Còn nếu đã có hợp đồng thì căn cứ vào quy định nào của pháp luật để soạn thảo, ký kết và thực hiện; nếu có tranh chấp, mâu thuẫn trong hợp đồng - như việc đã xảy ra là một bên thực hiện hợp đồng đã vi phạm khi lấy xương động vật khác thay cho xương người rồi bảo rằng đó là xương cốt liệt sĩ - thì ai đứng ra phân xử, cơ chế nào để phân xử?”.

Ngân hàng đã đi quá xa?

Liên quan đến vụ việc NHCSXH tham gia tìm hài cốt, một cán bộ (đề nghị không nêu tên) từng là thành viên HĐQT của NHCSXH nhận xét: “Sự việc đang được cơ quan công an điều tra thì cũng nên chờ để xem có phải họ không dùng một đồng ngân sách nhà nước nào không. Việc công đoàn xưa nay tham gia vào các công tác xã hội là chuyện bình thường nhưng quả thực với số tiền lên đến 9,5 tỷ đồng lớn quá, nếu đúng là đóng góp của CBCNV thì cũng là mất bao ngày công lao động của anh em. Theo tôi, Công đoàn NHCSXH nếu có làm chỉ nên ở mức độ khởi xướng chứ không nên đẩy lên quy mô lớn vậy”.

Xin thông tin thêm để bạn đọc cùng biết: NHCSXH vốn là ngân hàng quốc doanh được thành lập theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 4 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ Người nghèo.

Từng có điều kiện tham gia nhiều chuyến công tác với cán bộ ngân hàng đến những miền heo hút, vùng sâu, vùng xa khó khăn theo những chương trình cho vay hộ nghèo hay làm nhà theo Nghị quyết 30 A của Chính phủ, PV Tiền Phong trân trọng công sức lao động, sự hy sinh mà các anh chị em NHCSXH những nơi xa xôi đó đang cống hiến cũng như trọng trách thiêng liêng phục vụ người nghèo mà ngân hàng được giao phó.

Một ngày gần đây, chắc chắn vụ việc sẽ “hai năm rõ mười” với kết luận của cơ quan Công an Quảng Trị và ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng trước mắt, rõ ràng NHCSXH còn nợ ít nhất một lời xin lỗi vong linh và thân nhân những liệt sỹ đã được cất bốc nhầm, bởi việc ấy vô hình trung càng nhấn thêm nỗi đau của thân nhân người đã sẵn sàng đổ xương máu vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước! Đó là chưa kể đến một lời xin lỗi khác cũng cần được nói với toàn thể cán bộ, nhân viên hệ thống NHCSXH khi mà tấm lòng chân thành, chí thiết của họ - thể hiện qua các ngày lương của mình đã bị những kẻ như “cậu Thủy” lợi dụng chà đạp một cách nhẫn tâm, trái đạo lý và trái pháp luật!

Lo liệt sỹ “ảo”

Liên quan vấn đề nở rộ các nhà ngoại cảm đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH từng cho PV Tiền Phong biết, nếu không chấn chỉnh kịp thời, lúc đó, liệt sỹ “ảo” sẽ… lấp đầy các nghĩa trang liệt sỹ thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ. Theo Thứ trưởng Lĩnh, thực tế, chỉ một số người có khả năng đặc biệt để tìm mộ liệt sỹ chứ không phải tất cả. Do đó, không nên tin vào ngoại cảm để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Bắt đầu từ năm 2011, nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sỹ nổi lên khắp nơi, nhiều nhất là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Tâm sự với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cũng nói rằng, ông là con liệt sỹ nên thấu hiểu nỗi đau của thân nhân gia đình liệt sỹ. Nhưng, ông mong muốn các gia đình hết sức bình tĩnh, phối hợp với quân đội, địa phương để tìm kiếm hài cốt con em mình bằng phương pháp khoa học và có cơ sở thực tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.