Y đức ăn mòn chính sách

Y đức ăn mòn chính sách
TP - Vấn đề y đức xuống cấp trầm trọng, thủ tục hành chính phiền hà đã trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn trong chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của Đảng và Nhà nước, một số đại biểu Quốc hội nhận định.

> Ngắc ngoải bệnh viện tư
> Thanh tra Sở y tế nói gì sau vụ 'bác sĩ quăng xác bệnh nhân'

“Còn thái độ phân biệt với người khám, chữa bệnh diện bảo hiểm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đảm bảo”, đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 8/11.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang nói rằng, tình trạng trục lợi, lạm dụng Quỹ BHYT diễn ra tinh vi, phức tạp, núp dưới những vỏ bọc hợp pháp. Có bệnh nhân đã khám, chữa bệnh BHYT đến 157 lần/năm; có những chuyện thường ngày như một số bác sĩ nhờ người nhà đến bệnh viện để lấy thuốc BHYT đem về cho phòng mạch tư; có những chuyện gây chấn động như nhân bản kết quả xét nghiệm hay chiếm đoạt quỹ; công tác giám định chi trả BHYT chưa được thực thi đầy đủ, cơ quan quản lý quỹ mới giám định được 20% số hồ sơ, nhưng phải thanh toán đủ cho cả 100%...

“Rào cản lớn nhất trong việc tiến tới BHYT toàn dân là thái độ phân biệt đối xử đối với người khám, chữa bệnh diện BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa đảm bảo” - ĐB Trang nhận xét.

Theo nhiều ĐB, xã hội còn nặng về quan niệm BHYT chỉ dành cho người nghèo, khiến người có điều kiện kinh tế không muốn tham gia, chỉ những người ốm, sắp ốm mới tự nguyện mua BHYT. Khảo sát cho thấy, có đến 50% đối tượng BHYT bắt buộc cho biết sẽ không tham gia nếu để họ tự nguyện. Điều này có thể ảnh hưởng tính bền vững của quỹ BHYT.

“Tại nhiều bệnh viện, chúng tôi chứng kiến người khám, chữa bệnh BHYT thường phải xếp hàng dài dằng dặc, trong khi bên cạnh đó, quầy khám dịch vụ ít người hơn, nhân viên y tế ngồi không. Có người xếp hàng chờ mãi đến lượt mình thì mới biết phải đi photo thẻ, thế là mất lượt. Nhiều người phải chờ vài tiếng mới được làm thủ tục, cuối cùng chỉ để được khám trong vòng 1 phút. Đó là chưa kể thời gian xử lý một hồ sơ BHYT rất lâu, thủ tục rườm rà, phức tạp. Với những cảnh đó, làm sao có thể thu hút được toàn dân tham gia BHYT?”, ĐB Trang băn khoăn.

Y đức xuống cấp sẽ phá vỡ BHYT

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, dù đạt được những bước tiến dài về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình trạng quá tải ở bệnh viện (2-3 người bệnh phải nằm chung 1 giường) vẫn rất nóng. Việc công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm còn hạn chế.

“Chất lượng thuốc BHYT chưa cao, tệ phong bì phiền hà, rườm rà trong thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán góp phần làm cho người mua bảo hiểm tự nguyện thấp, mới đạt 22%”, ông Nghĩa nói.

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Bộ Y tế xem xét yêu cầu triển khai thực hiện tốt Thông tư số 10, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đăng ký khám, điều trị bệnh ban đầu cũng như chuyển tuyến khi
cần thiết.

Theo ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, để nâng cao chất lượng BHYT phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức. BHYT phải được xem là một thành quả của văn minh nhân loại, giúp đỡ cho người dân rơi vào tình cảnh khó khăn. “Tại Đức, người có thu nhập từ 50 ngàn Euro trở lên không thuộc diện bắt buộc mua BHYT, nhưng có đến 85% số người thu nhập cao vẫn tiếp tục tham gia BHYT”, ĐB Trang dẫn chứng.

ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung ngay quy định chuyển tuyến hành chính hiện nay, tạo điều kiện để cán bộ y tế ở xã có thể chuyển bệnh nhân trực tiếp tuyến tỉnh trong trường hợp bệnh nhân bệnh nặng, đảm bảo kịp thời trong điều trị. “Mô hình này sẽ giúp bệnh nhân BHYT đến đúng nơi để khám, chữa bệnh đỡ lãng phí cho bệnh nhân và cho xã hội”, ĐB Thu Trang nói.

Nhiều ĐB cho rằng, cần tăng cường công tác giám định hồ sơ BHYT để đảm bảo chi trả đúng người, đúng bệnh, tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng
Quỹ BHYT.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012, tình trạng trùng thẻ BHYT ở các đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ xảy ra tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ BHYT), Qua rà soát tại 42 tỉnh, thành phố, phát hiện gần 800.000 thẻ BHYT cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG