Sống trong sợ hãi

Sống trong sợ hãi
TP - Hiện cả nước có hàng ngàn hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, trong đó phần lớn được xây từ trước những năm 80 của thế kỷ trước. Đa số do thiếu quan tâm của đơn vị quản lý nên xuống cấp, lơ lửng trên đầu người dân sống lân cận.

> Nghệ An-Hà Tĩnh: Hồ thủy lợi xả nước đón lũ
> Mưa lớn, nhiều hồ chứa miền Trung đã đầy và xả tràn

Hồ có sức chứa hàng triệu mét khối nước, nhưng bờ đập rò rỉ, nguy cơ vỡ bất kể lúc nào, phía dưới là hàng ngàn hộ dân sinh sống.

Những hồ, đập hãi hùng

Hồ Xạ Hương (xã Minh Long, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đưa vào sử dụng từ năm 1984, có sức chứa khoảng 14 triệu m3 nước. Dù đang mùa mưa, nhưng lượng nước trong hồ khá thấp so với thiết kế. Theo tổ quản lý hồ, do bờ đập bị thấm tạo thành những dòng nước chảy mạnh ở chân nên phải xả bớt nước đảm bảo an toàn cho bờ đập.

Ở bậc thấp nhất của thân đập chi chít những điểm rò rỉ được đơn vị quản lý chèn đá để nước không làm xói lở bờ đất. Tuy nước đập đã xả vơi bớt không còn chảy, nhưng những hốc đá vẫn còn. Những điểm rò rỉ này xuất hiện từ cuối năm 2011.

Tại những điểm chèn đá, đất phía dưới đã bị nước đẩy đi hết, để lộ những khe đá rỗng như hang. Dù bị cấm, nhưng người dân địa phương vẫn thả trâu bò lên bờ đập. Theo một số người sống dưới chân đập, đợt mưa bão vừa qua, mưa lớn, nước hồ dâng cao làm thân đập rò rỉ mạnh, nước chảy thành dòng. Đơn vị quản lý đập phải cấm người dân không được tới khu vực chân đập.

Cách bờ đập Xạ Hương khoảng 500m là 2 công trường khai thác đá (Bảo Quân và Minh Quang) thường xuyên nổ mìn, làm rung chuyển cả khu vực. “Có ngày, họ nổ mìn tới 3-4 lần, đứng trên bờ đập cũng cảm thấy rung.

Dù chưa có khảo sát mức độ ảnh hưởng rung chấn tới bờ đập, nhưng không thể nói là không liên quan”, ông Bùi Việt Hải-cán bộ phòng Kỹ thuật, Cty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo (đơn vị quản lý đập) nói. Tương tự, chân đập hồ Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng xảy ra tình trạng rò rỉ mạnh, tới gần chân đập đã nghe tiếng nước chảy róc rách.

Tại tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2000 tới nay, chỉ có 137 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn lại 442 hồ thuộc diện cần tu sửa khẩn cấp. Chỉ tính riêng tại xã Công Liêm (huyện Nông Cống) có tới 7/9 hồ cần nâng cấp, sửa chữa. Những hồ này đều được xây từ thời bao cấp.

“Hơn 20 năm nay, những hồ này không được tu sửa, nâng cấp vì địa phương khó khăn về kinh phí”, ông Lê Viết Hoan, Chủ tịch UBND xã Công Liêm nói. Theo ông Hoan, mùa mưa bão vừa qua có 2 đập bị phá bờ, 3 đập bị sạt lở tràn.

 “Mỗi khi mưa lớn, người dân mất ngủ cùng đập; hợp tác xã, thôn phải huy động dân đóng góp cát, đá, cọc tre để gia cố bờ đập và cử người túc trực canh cả đêm để phòng lở đập. Có năm mưa lớn, đập phá tràn làm nước ngập cả nhà dân”. 

Trần Thị Mão

Đập Đầu Voi (thôn Phú Đa, xã Công Liêm) có diện tích mặt nước hàng ngàn mét vuông, nhưng bờ đập bằng đất chỉ rộng 2-3m, chạy dài hơn 200m. Phần duy nhất của bờ đập có bê tông là tràn xả lũ cũng bị xói lở 1/3. Dọc chân đập nhiều điểm rò rỉ và hình thành các sình lầy phía dưới. “Hơn chục năm trước đập từng vỡ một lần, sau đấy được đắp lại và nâng bờ cao hơn, nhưng chỉ bờ đất, nên bị xói lở nhiều.

Hôm nào trời mưa to kéo dài là người dân trong thôn phải đem cát, đá, bao tải, cọc tre tập kết ở bờ để đề phòng nước ngập vỡ đập”, ông Nguyễn Hồng Đức (68 tuổi, thôn Phú Đa) nói, tay chỉ vào đoạn bờ đập vẫn còn bao tải cát người dân đắp chắn nước tràn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đập Đồng Trầu, đập số 3, Đồi Đông…

Còn tại đập thôn Sơn Thành (Công Liêm), mới được cải tạo lại năm 2010 với bờ đập kiên cố, nhưng đơn vị quản lý lại xây thêm bờ nâng tràn cao thêm khoảng 0,5m so với thiết kế ban đầu, để hồ tích nước được nhiều hơn. Thậm chí còn dựng cọc chắn lưới xung quanh tràn để nuôi cá trong hồ; xung quanh lưới rác dồn thành đống làm cản trở nước chảy, nhưng không có ai thu dọn.

Trời mưa, suốt đêm thức canh đập

Từ ngày đập Xạ Hương xảy ra thấm nước tới nay, hàng ngàn hộ dân sống dưới chân đập luôn “sống trong sợ hãi” khi mùa mưa tới. “Trận bão tháng 10 vừa rồi mưa lớn, hồ chỉ xả tràn mà nước đã ngập trắng đồng. Nếu đập vỡ, người dân chúng tôi chỉ có chết”, bà Nguyễn Thị Xuyến, thôn Sơn Long (xã Hợp Châu, Tam Đảo) lo lắng.

Thôn Sơn Long chỉ cách chân đập khoảng 500m. Trong đợt hồ xả tràn đó, nước phía hạ du dâng cao cuốn trôi một người, phải 2, 3 ngày sau gia đình mới tìm được xác. “Cũng sợ lắm, nhưng làm được gì, đi không được, chỉ cầu mong ông trời đừng đem tai họa tới cho làng”, bà Xuyến nói.

“Mỗi khi trời có mưa lớn, bão về, suốt đêm cả nhà không dám ngủ, chỉ sợ đập xảy ra chuyện. Nói gở, nếu có sự cố thật thì người dân chỉ còn bán mạng theo con nước”, bà L.T.N., thôn Xạ Hương (xin không nêu tên) nói.

Lãnh đạo xã Minh Quang cho biết, xã đã nhiều lần nêu ý kiến với lãnh đạo huyện, tỉnh có biện pháp khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn đập. Trong các lần Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND xuống tiếp xúc cử tri, người dân cũng kêu rất nhiều.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng không nắm rõ hiện trạng đập thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao. “Cụ thể thế nào anh phải sang hỏi Cty Thủy lợi Tam Đảo, họ trực tiếp quản lý hồ đập trên địa bàn mới chính xác được”, ông Thái, Chánh Văn phòng xã Minh Quang nói.

Người dân thôn Phú Đa (dưới chân đập Đầu Voi) cũng sống trong cảnh nơm nớp lo âu mỗi khi có mưa. “Mỗi khi mưa lớn, người dân mất ngủ cùng đập; hợp tác xã, thôn phải huy động dân đóng góp cát, đá, cọc tre để gia cố bờ đập và cử người túc trực canh cả đêm để phòng lở đập. Có năm mưa lớn, đập phá tràn làm nước ngập cả nhà dân”, bà Trần Thị Mão cho biết. Đấy cũng là lo lắng chung của người dân sống dưới chân đập Đồng Trầu, đập số 3, Đồi Đông…

Nghệ An- Hà Tĩnh:

Hồ thủy lợi xả nước đón lũ

Hôm qua 10/11, tuy lượng mưa không lớn, nhưng hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) vẫn phải xả nước, đón lũ hoàn lưu bão số 14. Tỉnh Nghệ An có 625 hồ đập, do mưa kéo dài, các hồ đã tích đầy nước. Đề phòng mưa lớn sau khi bão đi qua, hầu hết các hồ thủy lợi có tràn xả sâu.

Hồ Vực Mấu dung tích 75,0 triệu m3, đã vận hành xả trước 1 cửa; hồ sông Sào dung tích 52,0 triệu m3, xả nước 1 cửa; hồ Khe Canh dung tích 4,0 triệu m3, công ty TNHH một thành viên thủy lợi Phủ Quỳ có phương án xả trước 1. Tại các hồ yếu, tỉnh chỉ đạo hạ thấp mực nước lòng hồ, xử lý tạm thời các sự cố thẩm thấu qua thân đập.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 103 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, hiện tại không tích nước hoặc chỉ tích nước một phần. Vì vậy, yêu cầu các huyện rà soát hộ đập, bố trí lực lượng thường trực triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ chứa. Những hồ đập chứa nước đã đầy, nhất là hồ lớn như Yên Mỹ, Cửa Đạt chủ động xả nước, có thể mở thêm cửa khi xảy ra mưa lớn bảo đảm dung tích đón lũ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.