Tiền Phong và 'phe nước mắt'

Tiền Phong và 'phe nước mắt'
TP - Ngay khi mới vào nghề, với tôi, Tiền Phong là tờ báo luôn đứng về “phe nước mắt” (chữ của nhà thơ Dương Tường) như tác phẩm nổi tiếng: 2.000 ngày oan trái, hay bài báo từng minh oan cho một thanh niên bị án tử hình và nhiều phóng sự cảm động về những thân phận éo le của nhà báo Xuân Ba...

> Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà
> Đoạn kết buồn của người đàn bà bán ốc luộc, viết tiểu thuyết

Hơn 10 năm làm việc trong dằng dặc một vòng hoa giáp 60 năm của báo Tiền Phong, một cách tự nhiên tôi tiếp nối cái dòng chảy truyền thống ấy, đi gặp và viết nhiều về những cuộc đời bất hạnh…

Chuyện về số phận kỳ lạ của người đàn bà

Khi tôi về Thái Bình gặp chị Nguyễn Thị Hằng, còn gọi là Hằng “hủi” thì người đàn bà này vẫn còn chưa khô nước mắt. Cuộc đời của chị trước đây còn hơn cả ác mộng, chồng bỏ đi để lại một đứa con trai còn đỏ hỏn cũng không khủng khiếp bằng nỗi đau bỗng dưng bị mắc bệnh hủi. Những ngón tay của chị cứ lở loét dần ra. Người làng đồn thổi chị bị hủi. Bị hủi vào những năm ấy là khủng khiếp. Tất cả xa lánh.

Chị Nguyễn Thị Hằng kể với bạn đọc TP về cuộc đời như cổ tích của mình
Chị Nguyễn Thị Hằng kể với bạn đọc TP về cuộc đời như cổ tích của mình.

Chị Hằng bị xua đuổi ngay trong ngôi làng của mình. Chị bán hàng ở chợ nhưng dĩ nhiên chẳng ai dám mua và còn bị chửi rủa, tránh xa “con hủi”. Đói khát, nhục nhã, chị bỏ con vào một đầu quang gánh, đầu còn lại chị bỏ hòn đá, gánh ra chợ.

Ra chợ, không tiền, chị cắm con cho một hàng rau để mua chịu hai gánh rau gánh sang chợ huyện khác để bán. Bán hết hàng thì về chợ quê mình, lấy tiền chuộc con. Có lúc hàng chưa bán hết, chị bán cố đến tối, trở về thì thấy thằng con trai 4 tuổi đang một mình vừa nhặt thức ăn thừa ở chợ. Hai mẹ con ôm nhau khóc.

Những ngón tay lở loét ngày càng đau, nhưng chị không biết làm thế nào để chữa bởi không nơi nào dám mở cửa cho Hằng “hủi”. Chị đành chọn một cách rùng rợn như thời trung cổ: nung đỏ dao tự chặt đứt tay mình. Không thuốc tê, không thuốc sát trùng, ngọn dao nung đỏ cứ nghiến vào bàn tay gầy của người đàn bà ấy. Và lúc bàn tay lìa khỏi cánh tay, chị lại nghiến răng rắc vôi bột vào vết cắt. Một mình. Chị ngất đi. Tỉnh dậy, lại băm bèo cho lợn, đóng gạch xây nhà, chăm lo cho con ăn học.

Tôi cứ nhìn mãi vào bàn tay cụt của chị, đã liền da, nhưng tôi biết có những nỗi đau chẳng bao giờ lên da non được cả.

Với bàn tay cụt của mình, chị Hằng đã viết nên một câu chuyện cổ tích khi nuôi dạy con học Đại học và mở doanh nghiệp riêng làm ăn phát đạt. Với tinh thần lao động không biết mệt mỏi, chị đã xây dựng một cơ ngơi giàu có, ngôi biệt thự của chị đẹp nhất cả làng, cả xã.

Những trang viết trên Tiền Phong luôn thấm đẫm nỗi đau nhân thế
Những trang viết trên Tiền Phong luôn thấm đẫm nỗi đau nhân thế.

Khi Tiền Phong đăng bài: “Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà”, bài báo đã gây xôn xao dư luận. Trên Tiền Phong online, có hàng trăm comment của bạn đọc- chủ yếu là bạn đọc trẻ - bày tỏ sự xúc động và khâm phục đối với một người đàn bà đã vượt lên số phận. Nhiều bạn đã khóc và tự vấn mình: Tại sao mình còn khỏe, sức dài vai rộng mà cảm thấy yếu đuối vô dụng khi so sánh với Hằng “hủi”. Sau khi bài báo đăng, Hằng “hủi” không còn là Hằng “hủi” nữa, người trong làng xã đã biết sự thật về cuộc đời chị, họ đã tìm đến chị để xin lỗi, để chia sẻ, hay đơn giản chỉ để sám hối.

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo cùng tôi và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã về Thái Bình để thăm chị với mong muốn viết một kịch bản phim về người đàn bà có cuộc đời như tiểu thuyết này. Trước đó, chị đã là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu nổi tiếng: “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Quan xã nơi chị ở tìm cách san lấp đất nông nghiệp để bán, dân phản đối, người ta hành hung cả bà già. Không chịu được cảnh trái tai gai mắt, chị Hằng viết đơn tố cáo lên báo Tiền Phong. Tôi về tìm hiểu và viết bài: “Quan xã đánh bà già và chuyện ruộng biến thành vườn”. Báo ra, lãnh đạo xã gọi điện lên báo yêu cầu người dân ra tòa soạn báo Tiền Phong để đối chất, vì cho rằng viết sai sự thật. Sáng sớm, chị Hằng cùng 4 nông dân bắt xe lên Hà Nội, tới báo Tiền Phong chờ đợi lãnh đạo xã này đến đối chất. Đợi từ sáng đến trưa vẫn không thấy đâu. Tôi đi mua cơm hộp mời chị và bà con ăn trưa ngay ở phòng khách tòa soạn. Nhìn chị và bà con nhẫn nại chờ đợi ở tòa soạn, tôi biết họ sẽ không lên, đúng hơn là không dám lên. Sau bài báo, một số lãnh đạo xã bị kỷ luật.

Người bán ốc luộc được minh oan

Tôi đã bị chị Nguyễn Thị Sáng, người đàn bà bán ốc luộc viết tiểu thuyết ở thành phố Vinh, từ chối không trả lời phỏng vấn. Chị vừa bị “ăn đòn” báo chí. Một vài tờ báo đã đăng bài đơn tố cáo của một người phụ nữ mà không xác minh, vu cáo chị đạo văn, rằng cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” do NXB Thanh Niên ấn hành không phải chị viết.

 Bài viết trên báo Tiền Phong đã làm thay đổi cuộc đời chị Nguyễn Thị Sáng
Bài viết trên báo Tiền Phong đã làm thay đổi cuộc đời chị Nguyễn Thị Sáng.

Từ chỗ được ca ngợi, tung hô, chị bị nhìn như kẻ cắp. Chị Sáng sốc nặng, phải đi viện. Nhà hết tiền, chỉ còn chiếc xe đạp, chị phải đi cầm đồ lấy ít tiền mua thuốc và cho con đóng học phí. Thuyết phục mãi, chị mới kể cho tôi nghe về cuộc đời như tiểu thuyết của mình.

Người chồng bỏ chị ra đi khi hai đứa con còn rất nhỏ, một mình người đàn bà gầy yếu với căn lều rách nát dựng trên hố bom ở thành phố Vinh, xoay xở đủ cách kiếm sống. Trong những lúc cơ cực nhất, không biết chia sẻ cùng ai, chị đã trải lòng vào cuốn nhật ký. Một ngày chị đưa cuốn nhật ký đi đánh máy lại, thì người đánh máy (vốn là cán bộ về hưu) đọc thấy hay quá mới khuyên chị nên gửi bản thảo này cho NXB. Chị liều gửi bản thảo cho NXB Thanh niên. Chị không ngờ sau đó những trang viết của mình lại được in thành cuốn tiểu thuyết mang tên “Tình yêu thầm lặng”, và sau đó được dựng thành phim.

 Báo Tiền Phong đã làm thay đổi cuộc đời tôi, nếu không có bài báo đăng trên Tiền Phong có lẽ tôi đã chết trong tủi nhục.

Chị Nguyễn Thị Sáng

Chị Sáng được nhiều người biết đến. Ngôi nhà nhỏ của chị thường có khách đến thăm, trong đó có cả những văn nghệ sĩ nổi tiếng từ Hà Nội về. Nhưng liền sau đó, những thông tin về chị đạo văn tưởng như đã đánh gục người đàn bà này, chị vứt bút, không muốn “dây” vào việc viết lách nữa.

Khi bài báo “Đoạn kết buồn của người đàn bà bán ốc luộc viết tiểu thuyết” đăng trên Tiền Phong, nhiều bạn đọc đã viết thư gọi điện chia sẻ với chị. Họ gửi tiền giúp chị mua thuốc chữa bệnh, lợp lại ngôi nhà dột nát. Nhưng điều chị Sáng vui nhất là chị đã được minh oan.

Báo Tiền Phong vốn có rất nhiều bạn đọc ở Nghệ An, đã làm sáng tỏ “nghi án” đạo văn của người đàn bà bán ốc luộc viết tiểu thuyết. Như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân, được truyền cảm hứng, chị lại viết tiếp. Tôi cầm bản thảo cuốn “Tình yêu thầm lặng” tập 2 của chị giới thiệu tới NXB Phụ nữ. Sách được NXB Phụ nữ in ra và ngay sau đó có một nhà sách ở Sài Gòn nhận phân phối độc quyền với số tiền nhuận bút lớn.

Chị Sáng khóc, tâm sự với tôi: “Báo Tiền Phong đã làm thay đổi cuộc đời tôi, nếu không có bài báo đăng trên Tiền Phong có lẽ tôi đã chết trong tủi nhục, tôi không bao giờ viết tiếp và sống tiếp một cách bình thường được nữa” .

Tôi cũng không nhớ mình đã đăng bao nhiêu bài về “phe nước mắt” trên báo Tiền Phong, nhưng những bài báo mà nhờ đó thay đổi được cuộc đời nhân vật thì không bao giờ quên. Đó là cử nhân sử học Nguyễn Hồng Lĩnh bỗng dưng viết đơn xin vào tù vì không xin được việc làm.

Đó là anh Nguyễn Quốc Tuấn, người nông dân quê ở Phú Thọ đã hiến tặng một quả thận mình để cứu người dưng. Sau khi hiến thận, anh mất dần sức khỏe, mất việc làm.

Vẫn mãi trong tôi là cảm giác buồn day dứt và đôi khi bất lực khi những bài báo của mình đấu tranh cho các phận đời hàm oan bất hạnh mà chưa có kết thúc có hậu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.