'Bên những phụ nữ lúc khốn đốn'

'Bên những phụ nữ lúc khốn đốn'
TP - Trong khá nhiều người bị hàm oan, hoạn nạn ở ĐBSCL hơn chục năm qua mà báo Tiền Phong đã ở bên cạnh lúc khốn đốn nhất, có nhiều phụ nữ.

> Tiền Phong và 'phe nước mắt'
> Kể chuyện làm dâu trăm họ

Bà Trần Tuyết Dung (giữa) trên hành lang TAND tỉnh Bạc Liêu ở phiên sơ thẩm từ ngày 11 đến 13/1/2004
Bà Trần Tuyết Dung (giữa) trên hành lang TAND tỉnh Bạc Liêu ở phiên sơ thẩm từ ngày 11 đến 13/1/2004.

Xin nhắc người đầu tiên là bà Trần Tuyết Dung, đương chức Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu lúc khởi tố vụ án, ngày 3/7/2000. Vụ án mở ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng bà làm thất thoát hơn chục tỷ đồng ngân sách. Nhiều báo viết theo kết luận ấy, khiến bà không giấu được nỗi thảng thốt, run run khi bộc bạch: Đã phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Sau báo cáo thông tin tiếp cận đa chiều của tôi, Ban Biên tập chấp thuận phản ánh sự thật. Một bài báo cả trang. Lập tức, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức cuộc họp có đại diện nhiều cơ quan. Trước khi họp, tôi ghé thăm mẹ của bà Tuyết Dung, vợ liệt sỹ, bà cụ hỏi: “Họ dữ lắm, con có sợ không?”, thì hồn nhiên: “Thưa mẹ, không!”.

Biết đâu dữ thật. Suốt buổi sáng và nửa buổi chiều, toàn phê phán bài báo Tiền Phong. Khi tôi phát biểu, có người đập bàn cắt ngang thì lại hết e ngại, nói liền, nếu mời họp mà không cho nói thì xin về. Người ta mới dấu dịu, còn mời ở lại ăn nhậu và đề nghị không viết về cuộc họp. Nhưng tôi viết một bài tường thuật dài.

Cũng rất gian nan, mệt mỏi. Phải đến phiên tòa thứ năm, ngày 23/8/2006, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM xử phúc thẩm lần hai tuyên bà Tuyết Dung không phạm tội cố ý làm trái và miễn trách nhiệm hình sự hành vi thiếu trách nhiệm, thì mới yên. Bà lại run run, nhờ báo chí mà như được sống lại, nghe xiết bao ngậm ngùi, qua hơn 6 năm tố tụng, bà gần 50 tuổi rồi!

Bà Trần Ngọc Sương tại Văn phòng báo Tiền Phong ở Cần Thơ, ngày còn trong vòng tố tụng

Bà Trần Ngọc Sương tại Văn phòng báo Tiền Phong ở Cần Thơ, ngày còn trong vòng tố tụng.

Còn hơn thế là bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Anh hùng Lao động, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, thoát tố tụng thì tuổi đã ngoài 60. Vụ án khởi tố ngày 9/4/2008, ban đầu tội cố ý làm trái, sau chuyển sang tội lập quỹ trái phép, hai phiên tòa xử bà 8 năm tù. Ngày 27/5/2010, giám đốc thẩm hủy hết các bản án và ngày 17/1/2012, Viện KSND TP Cần Thơ đình chỉ vụ án.

“Quỹ đen” là một cái tội khá dễ kết cho lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh mà khó gỡ. Có lúc, báo chí ít còn ủng hộ bà Ba Sương. Một tạp chí văn nghệ đặt bài ký về bà nhưng cũng không dám đăng vì “sợ đụng chạm”, tôi chỉ còn cách đưa tin thông tấn, theo từng bước kêu oan của bà. Hồi đó cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, có nói: Cha con anh Năm Hoằng và cô Ba Sương có cho ai thì cho chứ không lấy của ai cái gì cả. Câu nói củng cố thêm niềm tin rất nhiều.

Đang trong vòng tố tụng, tối 19/10/2011, dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, luật sư của bà soạn tiệc nhỏ và tôi đọc bài thơ Về một người anh hùng của ông Đoàn Xuân Hòa ở Bộ NN&PTNT, làm cuối năm 2009 với lời đề “Kính tặng chị Ba Sương”.

Bài thơ có những câu: “Hậu Giang gió nổi bời bời/Người ta một nắng, chị thời… Ba Sương/Theo cha đi mở nông trường/Sáu mươi tóc vẫn còn vương mùi phèn/Giữa bùn lòng mở cánh sen/Thương bao phận khó mà quên phận mình/Không gia cư chẳng gia đình/Hai vai chị gánh mô hình cha xây/Sáng ra hút mắt hàng cây/Nắng vàng nhuộm lá treo đầy huân chương(…) Nghe đâu sông Hậu sóng dồn/Ngoài hiên trát gọi, thân còm chị đi”. Bà nghe rất cảm động. Những niềm vui như thế ít nhiều tiếp sức cho bà.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền năm 2011
Bà Phạm Thị Diệu Hiền năm 2011.

Nhớ bà Ba Sương thì không thể không nhắc tới bà Phạm Thị Diệu Hiền, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, vì từng kín đáo giúp bà Ba Sương lúc hoạn nạn. Phụ nữ biết thương phụ nữ khác, không thể là kẻ lừa đảo, nên đầu năm 2012, bà Diệu Hiền sang Mỹ chữa bệnh, dư luận rộ lên cho rằng bà “bỏ chạy” thì tôi không tin.

Cả khi gần tháng trời, một số người căng biểu ngữ, cầm loa đứng chửi trước biệt thự của bà ở Cần Thơ. Có người cật vấn: tại sao Tiền Phong không như vài báo khác ủng hộ việc chửi? Ôi! Đó đâu phải cách văn minh giải quyết tranh chấp thương mại, và để làm gì?

Bà Diệu Hiền gây nợ làm khổ nhiều người là có lỗi rất lớn. Nhưng chủ yếu lỗi quản trị không theo kịp đầu tư, còn là lỗi của giai đoạn phát triển. Bà đem hết tài sản riêng thế chấp vào ngân hàng để vay tiền làm thương hiệu cá tra.

Chồng bà, ông Trần Văn Trí khi gỡ mớ bòng bong nợ nần đã bán 6 cái ô tô, 13 cái đồng hồ (mỗi cái giá 20 - 50 nghìn đô Mỹ) cùng nhiều nữ trang và tài sản khác để chạy vạy. Thực tế sau đó cho thấy, mạt sát sai lầm của một phụ nữ lúc bệnh hoạn là không tốt bằng hỗ trợ thúc đẩy sửa sai, tránh đổ vỡ dây chuyền gây thêm tác hại cho xã hội.

Cô Trần Hồng Ly với hồ sơ kiện quyết định buộc thôi việc. ẢNH: SÁU NGHỆ
Cô Trần Hồng Ly với hồ sơ kiện quyết định buộc thôi việc. ẢNH: SÁU NGHỆ.

Cuối cùng, cũng nên nhắc đến cô Trần Hồng Ly ở tỉnh Trà Vinh, vào cổng UBND tỉnh cãi cọ với cảnh sát bảo vệ gây dư luận ồn ào đầu năm 2013. Chuyện chẳng ra làm sao nhưng cô điện thoại nhờ Tiền Phong giúp đỡ “viết sự thật”. Cô kể, vài nhà báo chưa gặp cô mà viết như đã gặp, cho rằng cô quậy khắp tỉnh, nên đang muốn kiện. Tôi góp ý, cần tập trung kiện cái quyết định buộc cô thôi việc.

Cô liền nhờ giới thiệu luật sư và “em trả chi phí cho anh”. Những phụ nữ hoạn nạn sao cứ có nét giống nhau: thông minh, hồn nhiên bộc trực rất Nam Bộ. Họ có thể xấu được không nhỉ? Tôi mỉm cười: “Ai lại lấy tiền của người đẹp bao giờ!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.