Sách lậu - căn bệnh nhờn thuốc

Sách lậu - căn bệnh nhờn thuốc
TPCN - Thời gian gần đây, giới kinh doanh sách kêu trời về nạn sách lậu. Ôm cái cặp đựng thư “tố khổ” của họ dạo một vòng Hà Nội, tôi nhận ra chỉ “buôn chuyện khơi khơi” thì khó mà rõ được sách lậu là lậu như thế nào!?

Không chỉ cô hàng sách mỏng mày hay hạt vỉa hè đường Lê Văn Lương kém mặn chuyện, ngay cả một số hiệu sách “hoành tráng” ở phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Bà Triệu, Tây Sơn, đường Láng... người bán hàng cũng rất cảnh giác với những ai tò mò muốn biết xuất xứ hàng hoá của họ.

Theo đơn thư bạn đọc, chính những nơi đó sách lậu thường được bày bán lẫn với sách được in ấn, phát hành hợp pháp... mà thực ra, nếu không phải người trong nghề, khó phân biệt được.

Trong nhiều trường hợp chúng giống nhau y chang! Khách mua hàng chỉ có thể đoán ra, một khi người bán liên tục xuống thang trong quá trình mặc cả. Tuy nhiên, dường như điều này lại tạo nên sức hấp dẫn (?!) cho những quầy sách vỉa hè hoặc những nhà sách mafia.

Mua được cuốn sách rẻ, ai nghĩ đến việc báo công an, hoặc chí ít tự cảm thấy áy náy rằng dường như mình đang tiếp tay cho những kẻ làm sách lậu (có lẽ đây cũng là một tật xấu của người Việt, chuyên mục do Tiền phong mới mở đang rất được bạn đọc hưởng ứng)?!

...Chỉ đến khi ngồi lắng nghe những người làm sách đàng hoàng bị bọn in lậu hớt tay trên kể về nỗi uất của họ, tôi mới rõ được phần nào thủ đoạn của bọn in lậu.

Nạn nhân của giới mafia có trường hợp là nhà xuất bản của Nhà nước, song phần lớn là những nhà sách tư nhân liên kết với các nhà xuất bản để ra sách. Khi sách bị in lậu, họ là những người chịu thiệt thòi nhất. 

Những “khổ chủ” kêu trời chẳng thấu!

Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Cty TNHH Nhã Nam đưa tôi xem hai cuốn Rừng Na - uy, một cuốn hợp pháp do nhà xuất bản Hội nhà văn kết hợp Nhã Nam xuất bản, cuốn kia do giới in lậu tung ra thị trường.

“Chúng tôi mua bản quyền, chế bản, vẽ bìa, trả chi phí quản lý và quảng cáo... bọn in lậu thì được miễn” - ông Nhật Anh bức xúc - “Chúng phô tô can rồi in, bán rẻ hơn. Một khi sách của chúng tung ra, sách của chúng tôi coi như chết!”.

Theo quan sát của người viết bài, cuốn Rừng Na - Uy in lậu mỏng hơn cuốn sách hợp pháp, chữ in bên trong cũng mờ hơn. Tuy nhiên, nếu trên quầy chỉ bày sách in lậu, tôi chắc chắn khách mua hàng sẽ không thể biết được, nhất là nếu chỉ căn cứ vào bìa sách!

“Sao không nhờ công an tìm ra kẻ nào in lậu?”. “Họ đang giúp, nhưng hầu hết trường hợp thế này đều không ra. Mà có tìm ra thì cũng phạt tiền là cùng, không xử lý hình sự được”.

Chị Nguyễn Thanh Hà, chủ nhà sách Đông Đô trên phố Tuệ Tĩnh mua bản quyền cuốn Phong thủy thực hành, xin giấy phép, in và phát hành. Sách bán được, chưa kịp mừng thì phát hiện sách lậu ào ạt tuôn ra các quầy. Phải là dân trong nghề mới thấm hết nỗi đau này!

Chị Hà nhờ người đi khắp nơi thăm dò, ập vào một nhà, trên sàn lù lù đống tướng Phong thủy thực hành đóng xén giở. Chị thông báo cho Đội quản lý thị trường số 1.

Biên bản vi phạm được lập, chủ nhà khai người đặt in tên là Khương. Số sách đang đóng xén gần 3.000 cuốn lập tức bị thu giữ. Tôi buột miệng “Tên Khương phải ra toà chứ?”.

Chị Hà buồn thiu: “Họ có làm rõ được Khương là ai đâu? Chỉ phạt ông chủ đóng xén 10 triệu đồng. Tôi ức nhất là sách lậu thu giữ được, người ta đem bán hoá giá cho Phát hành sách Hà Nội, rồi trở thành sách độc quyền của Cty này”(!?).

Khổ chủ bức xúc nhất mà tôi được gặp là một người khá nổi tiếng: Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Cty TNHH Trí Việt có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Không chỉ là người nhanh nhạy, thành đạt trong kinh doanh sách, ông còn là một dịch giả có hạng.

Chuyện của ông Phước khá ly kì. Một ngày sau khi Việt Nam tham gia công ước Berne, ông Phước đàm phán và mua xong bản quyền cuốn Phút nhìn lại mình của tập đoàn xuất bản Harper Collins - Hoa Kỳ.

Tuy nhiên ít hôm sau khi sách được phát hành, sách lậu ào ào xuất hiện trên thị trường Hà Nội. Quá bức xúc, ông Phước bay ra Thủ đô, trực tiếp truy tìm manh mối.

Kết quả, ông dò ra được vài cái tên D. “Béo”, K. “Láng”, D. “Cá Ngão”, nhưng không có bằng chứng trực tiếp. Rời Hà Nội, ông Phước mang theo mấy tin nhắn trong máy di động “Khôn hồn trở về Sài Gòn ngay”, “Thích SáCH hơn hay thích SốNG hơn?”...

Rồi ông Phước bắt đầu nhận sách các đại lý gửi trả, trong khi bạn bè tới tấp gọi điện chúc mừng “sách Trí Việt bán chạy lắm” (!). Hàng loạt cuốn sách tiếp theo của Trí Việt như Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi, Bí quyết 100 thương hiệu hàng đầu thế giới...tiếp tục chịu chung số phận Phút nhìn lại mình.

Có lúc chán nản, ông Phước tính bỏ nghề, nhưng rồi với ông, sách không chỉ là chuyện kinh doanh, mà còn là niềm đam mê...

Chuyện của ông Phước chưa hết. Trong chuyến ra Hà Nội, ông gặp một tay biệt hiệu  “Giang Hói”  hứa giúp ông trị bọn mafia, rồi lừa ông gửi sách ra để y phát hành.

Ông Phước gửi tàu hoả cho y mấy bịch sách trị giá hơn 50 triệu đồng, nhận xong y “lặn” mất tiêu. Mới đây, nghe tin công an quận Cầu Giấy khám phá một kho sách lậu hơn 5.000 cuốn (trong số bị in lậu, có cả sách của Trí Việt), ông Phước vội làm đơn tố cáo tay chủ kho tên là Khương có liên quan đến băng “Giang Hói”.

Đến nay, công an Cầu Giấy vẫn chưa làm rõ được kẻ nào đứng sau tay Khương, vụ lừa đảo chiếm đoạt 50 triệu đồng của ông Phước vẫn chưa được phá...

Không thể xử lý hình sự? Làm gì để chặn tay bọn in sách lậu?

Đó không đơn thuần việc của ngành công an, nó cần sự phối hợp của thanh tra văn hoá thông tin, quản lý thị trường,  song quan trọng nhất chính là cần các chế tài xử lý đủ mạnh.

Sách lậu - căn bệnh nhờn thuốc ảnh 1
Nhân viên Cty Nhã Nam đang giới thiệu cuốn Rừng Na - Uy hợp pháp, được đặt cạnh cuốn in lậu

Đi sâu vào các quy định pháp luật, sẽ dễ dàng nhận thấy chế tài trong lĩnh vực này hiện vừa thiếu, vừa yếu, nhiều người cho rằng đó chính là lý do khiến những kẻ in sách lậu “nhờn thuốc”.

Để xử lý sách lậu, hiện các cơ quan chức năng đang áp dụng Nghị định số 56/2006/NĐ-CP “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin”.

Theo văn bản này, hành vi “tàng trữ trái phép xuất bản phẩm in sao lậu” sẽ bị tịch thu tang vật và tuỳ theo số lượng ấn bản vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 15 triệu đồng.

Riêng hành vi “in, nhân bản xuất bản phẩm không đủ thủ tục hoặc không có hợp đồng theo quy định” (chính là in lậu) sẽ bị tịch thu tang vật - phương tiện vi phạm, và bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Nghị định 56 không quy định xử phạt hành chính hành vi đóng xén sách lậu và bán sách lậu. Theo nhiều chuyên gia pháp luật thì vẫn còn thiếu chế tài để xử phạt một số công đoạn làm sách lậu, đặc biệt là chưa xử phạt hành chính được những người bán sách lậu, nếu họ chỉ bày bán số lượng ít (để xử phạt hành chính hành vi tàng trữ, theo Nghị định 56 thì số lượng ấn bản phẩm vi phạm phải từ 50 trở lên). 

Nhiều chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, Nghị định 56 còn thiếu quy định mức xử phạt cho những hành vi tái phạm, mức phạt tiền như hiện nay chưa đủ khiến những kẻ làm sách lậu chùn tay...

Quy định thì như vậy, song trong thực tế, việc xử phạt lại khá nhẹ nhàng; chẳng hạn theo tìm hiểu của người viết bài này, chưa trường hợp in lậu nào bị bắt quả tang mà bị tịch thu máy in (chỉ bị thu giữ tang vật và phạt tiền).

Việc tìm ra những kẻ cầm đầu đường dây in lậu thường không có kết quả, thế nhưng số ít trường hợp đã tìm ra manh mối, thì cũng lại xử phạt hành chính, mà chưa xử lý hình sự đối tượng được (?!).

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, người viết bài đã gặp một sỹ quan Phòng An ninh văn hoá Công an TP Hà Nội. Sỹ quan này đề nghị không nêu tên, cho biết: Năm 2005, Công an Hà Nội phá ổ nhóm in lậu cuốn Mãi mãi tuổi 20 liên quan đến nhiều đối tượng trong đó có D. “Béo”, thu giữ hơn 2 tấn sách lậu.

Năm 2006 này cũng phá một ổ nhóm in lậu hơn 3 tấn sách với nhiều đầu sách, có cả tin học, phóng sự xã hội; trong số các đối tượng của ổ nhóm này, vẫn có D. “Béo”.

Tuy nhiên, xử lý đối tượng cầm đầu rất khó, bởi chúng không làm tập trung mà xé lẻ thành nhiều công đoạn; ở mỗi công đoạn, những kẻ in, đóng xén, tàng trữ, bán sách lậu, khi bị phát hiện chỉ một mực khai “nhận hàng của một người không biết tên là gì, nhà ở đâu”, vì vậy việc điều tra mở rộng thường tắc tị!

“Vì sao không xử lý hành vi in sách lậu theo tội sản xuất hàng giả đã được quy định trong Bộ luật hình sự?”- Sỹ quan an ninh cho biết: “Đã có cả một cuộc hội thảo lớn trong năm 2005 bàn về nạn sách lậu, nhiều người đã nêu vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng sách cũng là hàng hoá, làm sách lậu chính là làm hàng giả, song cũng có ý kiến cho rằng sách là loại hàng hoá đặc biệt nên cần những chế tài riêng”.

Theo thông tin mới nhất của người viết bài, sắp tới đây sẽ có tiếp nhiều hội thảo về đề tài chống nạn sách lậu, do nhiều cấp, nhiều ngành tổ chức. Ai cũng nhận thấy nếu cứ để sách lậu hoành hành, các nhà sách đứng đắn sẽ chết.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh vừa phát hiện ra cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông (cuốn Thổ Địa) đã bị in lậu. Ông Phước, Giám đốc Trí Việt cũng vừa gọi điện từ TP Hồ Chí Minh ra cho biết “cuốn sách mới nhất của chúng tôi lại bị in lậu, bắt đầu bán ở thị trường Hà Nội, theo một nguồn tin vẫn do D. “Béo” đứng ra làm”.                                                                       

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.