Tái nghèo sau lũ lịch sử

Tái nghèo sau lũ lịch sử
TP - Nhiều xã thuộc huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đang kiệt quệ sau cơn lũ lịch sử. Người dân gần như mất trắng khi nước dâng gần nóc nhà, cuốn trôi tất cả vật dụng, gia súc, gia cầm…

> Phản ứng dữ dội vì… 'được' thoát nghèo
> Khổ vì 'bỗng dưng' thoát nghèo?

Kiệt quệ

Dọc quốc lộ 624 lên các xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây ven sông Vệ những ngày sau lũ, khung cảnh tiêu điều. Hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Minh (thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện) cố gắng bới tìm những vật dụng còn sót lại chính là thực trạng buồn của miền núi Nghĩa Hành.

Bà Nguyễn Thị Minh mệt mỏi nói: “Dành dụm cả đời làm được cái nhà. Con cháu gom góp vào thêm, mua cho cái giường cùng với ít vật dụng. Trôi hết rồi”. Những ngày này, ven đường 624, mùi xác chết gia súc, gia cầm thỉnh thoảng bốc lên nồng nặc.

 “Đây là xã nghèo nhất huyện với số hộ nghèo chiếm tới 60%. Bây giờ thì hộ nghèo lên tới 90%. Những hộ nghèo bị lũ quét, giáng xuống hộ đói”.  

ông Nguyễn Minh Tâm -
Chủ tịch xã Hành Tín Đông

Ngôi nhà anh Trần Dần (Vạn Xuân 2, Hành Thiện) trước lũ rất kiên cố, nhưng giờ đây trơ móng. Anh Dần đi tìm bò bị lũ cuốn, đến nay vẫn chưa thấy. Chị Nguyễn Thị Khê vợ anh cùng đứa con chỉ còn biết đứng trên đống đổ nát than trời. Chị Khê tâm sự: “Không còn gì nữa, chỉ sót lại duy nhất chiếc ghế. Niềm hy vọng bây giờ là tìm được con bò, bán đi để lấy tiền duy trì sự sống cho cả nhà”.

Ông Bùi Phê, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, nói: “Trâu bò mấy chục con, lợn gần ngàn con, gà vịt lên tới mấy chục ngàn con, nhà sập, tốc mái, hư hỏng do ngập hoàn toàn thì không kể xiết. Hành Tín Đông bây giờ trở thành con số không. Ngày chúng tôi lên Hành Tín Tây, dù lũ đã rút nhưng mọi hoạt động của xã dường như đều ngưng trệ”.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch xã, nói: “Ít nhất phải 5 năm, Hành Tín Tây mới phục hồi kinh tế như trước cơn lũ”. Hành Tín Tây có 1.182 hộ thì trong đại nạn vừa rồi, tất cả đều ngập 1 - 4m, số nhà ngập 4m chiếm 60%.

Do phá rừng ?

Ông Tâm cho rằng, riêng với trận lũ bất thường, lên nhanh mấy tiếng ở Nghĩa Hành, khó có thể quy kết hết trách nhiệm cho thủy điện. “Nên nhớ rằng, sông Vệ không hề có một nhà máy thủy điện nào ở thượng nguồn. Nhưng chỉ trong mấy tiếng, lũ đã dâng cao gần nóc nhà”.

Ông Nguyễn Văn Như, Phó Chủ tịch xã, quả quyết, mưa lớn bất thường kèm với lở núi chính là nguyên nhân nước về nhanh ào ạt. “Trong đêm 15/11, núi lở ầm ầm như bom, ai cũng hoảng hốt. Núi lở đặc biệt ở Hành Tín Đông, Minh Long.

Riêng ở Hành Tín Tây có tới hơn 15 chòm núi bị sạt lở. Không có gì ngăn được nước chảy xuống sông Vệ khiến nước sông dâng cao nhanh chóng. Mà nguy hiểm nhất chính là sạt lở núi gây lũ quét. Rất dễ chết người”. Ông Như cho rằng, nạn phá rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc núi lở.

Ông Đàm Bàn, Phó ban PCLB huyện Nghĩa Hành, có chung nhận định và cho rằng, chúng ta đang hứng chịu hậu quả của việc tàn phá rừng tự nhiên. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Lữ Đình Phô cho hay, với hơn 13.500 hộ dân (chiếm phần lớn dân số Nghĩa Hành) bị ngập sâu, hơn 1.000 trâu bò, gần 5.000 lợn và gần 1 triệu gà, vịt chết cùng hàng loạt thiệt hại khác về lúa, hoa màu, nhà cửa, có thể nói huyện Nghĩa Hành đã tái nghèo sau lũ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.