Công trình 7.500 tỷ đồng chưa rõ ngày về đích

Công trình 7.500 tỷ đồng chưa rõ ngày về đích
TP - Ngoài rút ngắn quãng đường từ nội thành đi sân bay Nội Bài, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, mấu chốt là dự án cầu Nhật Tân được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn cho giao thông Thủ đô. Nhưng sau 5 năm khởi công, đến nay dự án vẫn chưa biết ngày về đích.

> Xử mạnh tay các nhà thầu gian dối
> Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún, nứt sau 5 tháng thông xe

TP - Nhằm cải thiện tình hình giao thông, những năm qua, TP Hà Nội đã khởi công hàng loạt công trình trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay bức tranh giao thông Thủ đô chưa mấy cải thiện. Các dự án như đường sắt đô thị (ĐSĐT), cầu, đường lần lượt vỡ tiến độ.

Công trình 7.500 tỷ đồng chưa rõ ngày về đích

Trễ hẹn 3 năm

Với mục tiêu kết nối trung tâm thành phố với các khu vực phía bắc sông Hồng, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và tạo điểm nhấn cho giao thông Thủ đô, năm 2006 dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn được Bộ GTVT phê duyệt. Tiến độ hoàn thành được Bộ GTVT yêu cầu vào quý IV năm 2010. Tuy nhiên, do TP Hà Nội không giải phóng được mặt bằng nên sau đó, dự án phải điều chỉnh lại tiến độ theo từng gói thầu.

Cụ thể, gói thầu số 3, khởi công đầu tiên tháng 4/2009, yêu cầu hoàn thành tháng 2/2012; gói thầu số 1: khởi công tháng 10/2009, yêu cầu hoàn thành vào tháng 10/2012; gói thầu số 2: khởi công tháng 9/2011, yêu cầu hoàn thành 5/2014. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa gói thầu nào hoàn thiện. Riêng gói thầu số 2 (xây dựng cầu và đường dẫn lên xuống phía bờ nam - quận Tây Hồ) TP Hà Nội chưa giải phóng xong mặt bằng. So với tiến độ được phê duyệt ban đầu, đến nay dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn chậm 3 năm.

Cũng do chậm trễ trong việc GPMB nên tại gói thầu số 3 do nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) phải đội thời gian thi công thêm 2 năm (tức tháng 7/2014 mới hoàn thành). Đây cũng là nguyên nhân gây lùm xùm tại dự án này thời gian qua khi lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra chuyện nhà thầu (Tokyu) đòi chủ đầu tư (Bộ GTVT) đền bù thiệt hại 200 tỷ đồng do chậm trễ về mặt bằng.

Theo ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đây là điều chưa có tiền lệ trong việc xây dựng công trình tại Việt Nam. “Nếu cứ phải đền bù như thế thì hầu hết các công trình giao thông tại Hà Nội đều bị phạt tiến độ, đội giá cao. Đây là nguyên tắc trong xây dựng cơ bản tại các nước phát triển, cả Bộ GTVT và TP Hà Nội cần phải rút ra bài học này”, ông Hanh nói.

Mịt mù ngày về đích

Về tiến độ thi công tại dự án cầu Nhật Tân, Ban quản lý Dự án 85, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, đến nay dự án đã đạt khoảng 80% khối lượng công việc. Riêng gói số 2, theo kế hoạch sẽ hoàn thành tháng 7/2014, tuy nhiên đến nay mới thi công được hơn một nửa công trình.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án 85, hiện còn các hộ dân nằm trong phạm vi thi công dự án ở phần đường dẫn lên xuống ở gói thầu số 2, thuộc địa bàn phường Phú Thượng. Do vậy, chừng nào dự án còn vướng mặt bằng thì tiến độ về đích của gói thầu vẫn chưa thể đảm bảo.

Có vai trò kết nối và giảm áp lực cho giao thông Thủ đô như vành đai 1 vành đai 2, đường 5 kéo dài, QL 32… nhưng đến nay sau gần 10 năm triển khai các dự án này vẫn ngổn ngang công trường.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi thị sát công trình và làm việc với quận Tây Hồ. Ngoài yêu cầu tuyên truyền và áp dụng chính sách đặc thù trong việc hỗ trợ đền bù, tái định cư cho người dân, ông Thảo chỉ đạo trong tháng 10, UBND quận Tây Hồ phải giải phóng xong mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư. Nếu tiến độ này không xong Chủ tịch UBND quận phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.

Tuy nhiên, thực tế tại công trường dự án cầu Nhật Tân những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, dự án vẫn tắc lại bởi hơn 40 hộ dân ở phường Phú Thượng chưa chịu bàn giao để nhà thầu thi công đường dẫn lên xuống (gói thầu 2). Về nguyên nhân, các hộ dân ở đây cho rằng, giá đền bù chưa phù hợp với thực tế, cầu không được xây dựng theo đúng quy hoạch ban đầu…

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND quận Tây Hồ cho rằng, theo chỉ đạo của Chủ tịch TP, thời gian qua, quận Tây Hồ đã gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dự án, cùng với đó là áp dụng chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư theo hệ số K (hệ số đền bù, hỗ trợ cao nhất tại Hà Nội) nhưng trong số hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng hiện còn 43 hộ không hợp tác. “Đây là lý do chính khiến tiến độ GPMB mà lãnh đạo thành phố giao cho quận chưa thực hiện được”, đại diện UBND quận này cho hay.

(Còn nữa)

Dự án cầu Nhật Tân (sông Hồng) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2006 và yêu cầu hoàn thành quý IV/2010. Dự án có tổng chiều dài 8,3 km, riêng cầu vượt sông Hồng dài 3,9 km. Cầu được thiết kế 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Tại thời điểm phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.