Lo ngại nhiều tuyến đường đắt nhất hành tinh

Lo ngại nhiều tuyến đường đắt nhất hành tinh
TP - Trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua, bên cạnh đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ KTXH, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về nguy cơ “tái xuất” những con đường “đắt nhất hành tinh”, hạn chế trong đầu tư theo hợp đồng BT và quản lý nhà nước về y tế, an toàn cháy nổ...

> Hà Nội sẽ thành lập 2 quận mới
> Đề xuất giá đất năm 2014 cao nhất 81 triệu đồng/m2

Hiệu quả đầu tư chưa cao

Trước tình trạng hụt thu ngân sách lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng năm 2013, nhiều đại biểu đề nghị thành phố cần hết sức cân nhắc hơn trong phê duyệt các dự án đầu tư.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2013 Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,25%, cao hơn năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%, thấp hơn mức tăng năm 2012. 10/10 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực VHXH hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương (huyện Từ Liêm) cho rằng nguy cơ tiếp tục xuất hiện những con đường đắt nhất hành tinh khi thành phố đang đầu tư xây dựng tiếp đường vành đai I.

Khớp nối hạ tầng là cần thiết nhưng với suất đầu tư lên tới 1 tỷ đồng/1 mét dài của đường thì phải cân nhắc về thời điểm nhất là khi nhiều lĩnh vực khác đang khát vốn như nông thôn mới.

Ông Dương lưu ý: Cần ưu tiên đầu tư cho các ngành sản xuất, mang lại hiệu quả ngay vì đầu tư vào những tuyến đường chưa thực sự cấp bách. “Hà Nội đã mở rộng và yêu cầu về tổ chức giao thông rất khác rồi”-đại biểu Dương nói.

Về thực hiện rà soát và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư theo hợp đồng BT, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng báo cáo của UBND thành phố gửi HĐND còn thiếu thông tin.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương thêm lo ngại khi còn nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT mà tới 3-4 năm sau vẫn chưa thể quyết toán được.

“Tôi thực sự thất vọng với báo cáo giải trình của thành phố. Tôi từng đi giám sát tại một dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Giá trị dự án chỉ mười mà giá trị đất đối ứng trả cho nhà đầu tư lên tới cả trăm. Ngoài ra còn tình trạng dự án để hoang hóa đất”-đại biểu Nam phản ánh.

Xử lý cây xăng nguy hiểm: nửa vời!

Trước hàng loạt các sự cố lớn xảy ra trong quản lý cây xăng, các cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc phân định giữa quản lý ngành và địa phương đang hết sức tù mù, lúc không có chuyện ai cũng vơ vào thành tích, còn khi xảy ra sự cố lại đùn đẩy trách nhiệm. “Nhiều vấn đề được báo trước nhưng khi xảy ra sự cố lại điệp khúc chúng tôi ra quân kiểm tra”-đại biểu Nam bất bình.

Hàng loạt các sự cố trong các ngành kinh doanh có điều kiện vừa qua cho thấy năng lực quản lý của nhiều ngành, nhiều đơn vị còn rất yếu.

“Liên ngành đi kiểm tra phát hiện 51 điểm kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện nhưng sau đó lại cho hợp thức hóa hàng loạt. Có những giải thích thật buồn cười là sau này khi mà quy hoạch mở rộng đường thì tiện thể chúng tôi sẽ bỏ nó đi! Vậy trong giai đoạn “tiện thể” này mà xảy ra cháy nổ thì ai chịu trách nhiệm?”-đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Một số đại biểu còn nêu ví dụ về việc 6 người thiệt mạng tại quán bar Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông) có trách nhiệm rất rõ của cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhiều hoạt động kinh doanh có điều kiện diễn ra tại đây nhưng vắng bóng tất cả các cơ quan quản lý. Nếu sự cố không xảy ra vào buổi tối thì hậu quả còn nặng nề hơn nhiều”-một đại biểu quận Hai Bà Trưng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG