Phải xử lý hình sự gian lận khai khoáng

Phải xử lý hình sự gian lận khai khoáng
TP - Ngày 3/12, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khai thác tài nguyên khoáng sản: Minh bạch và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc khẳng định, gian lận trong khai thác khoáng sản là hành vi “tham nhũng” nghiêm trọng, cần phải truy tố để ngăn chặn triệt để.

> Ở đâu có khai khoáng, ở đó dân sợ?
> Khai thác vàng lòng hồ thủy lợi, bị phạt 140 triệu đồng

Lỗ hổng quản lý

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho rằng, tham nhũng khoáng sản phát sinh do chính sách thuế, quản lý của địa phương còn bất cập, ý thức của doanh nghiệp còn hời hợt, trong khi chế tài còn chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, việc số lượng khoáng sản chưa xác định được cụ thể đã tạo nên lỗ hổng dẫn tới gian lận, tham nhũng nghiêm trọng. “Do đó, hành vi tham nhũng về khoáng sản cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự, để xử lý,” ông Quân đề nghị.

Về việc có doanh nghiệp ở Hà Tĩnh sau 10 năm hoạt động mới bị phát hiện khai thác nhầm tọa độ, trong khi Sở TN&MT vẫn đi kiểm tra hằng năm, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định đây là một lỗ hổng cần phải xem xét kỹ. Theo ông Ngọc, doanh nghiệp khai thác nhầm tọa độ suốt nhiều năm nên có thể khẳng định đó là việc làm cố tình. Thực tế này cũng đã xảy ra ở một số địa phương.

Thứ trưởng Ngọc cho rằng, điều khó nhất hiện nay là điều tra cơ bản. Tất cả đều phải qua điều tra cơ bản, thăm dò xác định trữ lượng và được tỉnh hoặc T.Ư phê duyệt. Nhưng có hiện tượng khi phát hiện ra một mỏ thì địa phương đề xuất điều tra, nhưng T.Ư không có kinh phí điều tra, chuyển cho doanh nghiệp (DN) làm. Tuy nhiên, DN chỉ điều tra 1- 2 ha. “Chúng tôi không phê duyệt chuyện đấy, để tránh hiện tượng chia nhỏ mỏ. Phải yêu cầu DN điều tra cả diện tích lớn”, Thứ trưởng Ngọc nói.

Quy hoạch khoáng sản còn chồng lấn

Ông Quân nói rằng, việc lập kế hoạch còn nhiều yếu kém, tiến độ lập quy hoạch còn chậm, do quy hoạch khoáng sản phức tạp. Nhiều khoáng sản quy mô rộng lớn, nằm ở nhiều địa phương, việc khai thác rất phức tạp. Quy hoạch còn chồng lấn giữa trung ương và địa phương. Nhiều dự án T.Ư chưa phê duyệt thì địa phương đã phê duyệt. Bên cạnh đó, quy hoạch thăm dò, khai thác chưa gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Có nhiều mảng lớn do T.Ư cấp phép thì địa phương lách luật bằng cách chia nhỏ và cấp phép, ông Quân nói.

Đối với việc cho phép xuất khẩu khoáng sản thô, ông Ngọc giải thích, chủ trương Nhà nước là hạn chế tối đa xuất thô khoáng sản, nhưng do cung vượt cầu nên hàng tồn kho nhiều, vì vậy cho phép xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn trước mắt, đó là giải pháp tình thế. Trong khi đó, theo ông Quân, hiện nay, Bộ Công Thương không cấp phép xuất khẩu khoáng sản thô.

Bộ TN&MT nhận trách nhiệm

Về việc thời gian qua phát hiện 50% trong số 957 giấy phép được chính quyền địa phương cấp từ năm 2011 đến năm 2012 không đúng quy định, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Thời điểm chuyển tiếp giữa 2 luật khoáng sản, những hồ sơ tồn đọng đang tiếp tục được giải quyết. Nguyên nhân là luật không đầy đủ, địa phương nôn nóng. Trong việc này, trách nhiệm của Bộ TN&MT là công tác tham mưu và tuyên truyền còn yếu kém. Nhận thức được điều này, Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao năng lực quản lý”, ông Ngọc nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG