Bạo hành trẻ mầm non: Chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm

Bạo hành trẻ mầm non: Chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch lên tiếng về vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh (quận Thủ Đức, TPHCM) gây chấn động dư luận mới đây.

> Dân mạng ‘dậy sóng’ vụ bảo mẫu đầy đọa trẻ
> Bắt giam hai bảo mẫu 'tra tấn' trẻ mầm non

Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, chính mặt trái của việc xã hội hóa mầm non và thiếu sự quản lý của chính quyền cơ sở đã dẫn đến những vụ việc bạo hành trẻ đau lòng thời gian gần đây.

Bão mẫu tát liên tục vào mặt cháu bé khi cho cháu ăn
Bão mẫu Phương Anh tát liên tục vào mặt cháu bé khi cho cháu ăn. Ảnh: Ảnh cắt từ clip

Thưa ông, tại sao nhiều vụ việc bạo hành, làm thương tích thể chất, tinh thần, trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhưng dường như tình hình không giảm?

Việc tổ chức các lớp mầm non ngoài công lập giải quyết phần nào nhu cầu xã hội, giúp chia sẻ một phần gánh nặng ngân sách, chi phí của nhà nước. Tuy nhiên, mặt hạn chế còn nhiều đó là cơ sở vật chất, đặc biệt là quản lý nhà nước của các địa phương, các quận huyện, xã phường còn buông lỏng. Có nơi thiếu kiểm tra giám sát, để dẫn đến tình trạng các cơ sở này tùy tiện thuê cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cơ bản. Việc họ hành hung, đối xử ngược đãi với các cháu như chúng ta thấy gần đây đến mức độ có thể nói là
dã man.

Trách nhiệm chính thuộc về, những người quản lý nhà trường và cơ sở trông giữ trẻ đó. Nhưng về quản lý nhà nước, trách nhiệm đầu tiên là cán bộ phường xã, tức là chính quyền cơ sở nơi đó. Phải rút kinh nghiệm và kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước.

Các vụ bạo hành trẻ mới đây dễ làm cho người ta hiểu rằng khi xã hội hóa thì chúng ta đã buông quá, trong khi lẽ ra phải tăng cường thiết chế để quản lý các cơ sở ngoài công lập tốt hơn. Điều này đã thấy ở những cơ sở y tế ngoài công lập như vụ Cát Tường, và trong giáo dục mầm non là vụ việc tại cơ sở Phương Anh?

Đúng là khi xã hội hóa thì mình để cho nhiều tầng lớp tham gia thành lập các cơ sở mầm non nhưng lại không kiểm tra, giám sát. Các cơ quan quản lý nhà nước đã không kiểm tra giám sát được hoặc là buông lỏng quá. Đúng ra khi mở ra như vậy, mình phải tăng cường khâu kiểm tra. Theo tôi mở ra để cho xã hội tham gia vào thì rất tốt, để tạo thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhưng mở ra phải gắn với vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thật chặt chẽ.

Nhưng trên thực tế, vai trò này không tốt. Các địa phương mới chỉ xem trọng công lập thôi còn ngoài công lập thì cho mở ra là coi như xong, để rồi sau đó họ muốn làm gì thì làm. Quản lý như vậy là yếu kém. Sai lầm, khuyết điểm là ở đó.

Mặc dù hậu quả các vụ việc bạo hành trẻ gây ra là nghiêm trọng, nhưng cuối cùng không thấy xử lý được trách nhiệm của địa phương, nếu có cũng rất nhẹ?

Những vụ việc xảy ra trong ngành y hay vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non dù gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chúng ta mới chỉ xử lý bản thân cơ sở gây hậu quả đó, chứ chưa xử lý được cán bộ quản lý lĩnh vực ở địa phương đó một cách thỏa đáng. Có thể nói chúng ta xử lý trách nhiệm cán bộ cơ sở nhẹ nhàng quá. Tôi thấy xử lý như vậy thì không thỏa đáng. Cần phải xử lý nghiêm khắc và quyết liệt hơn đối với cán bộ có trách nhiệm quản lý thì mới ngăn chặn được những vụ việc tương tự.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG