Điểm mặt các 'chúa chổm'

NLĐ điêu đứng vì bị DN trục lợi BHXH. Ảnh: Phong Cầm
NLĐ điêu đứng vì bị DN trục lợi BHXH. Ảnh: Phong Cầm
TP - Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ đọng BHXH là hơn 10.659 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương, có hàng loạt doanh nghiệp (DN) “chúa chổm” khi số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng không chịu trả.

> Nợ đọng BHXH vượt mốc 10.000 tỷ đồng
> Khi học sinh, sinh viên thờ ơ với bảo hiểm y tế

DN đua nhau nợ bảo hiểm

BHXH Việt Nam cho biết, nợ đọng BHXH đã ở mức kỷ lục khi vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp và điều chỉnh các chính sách kịp thời, quyền lợi của hàng chục ngàn người lao động trên cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Ban Thu (BHXH Việt Nam), đến hết 30/11, số nợ đọng BHXH đã lên tới hơn 10.659 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc hơn 7.193 tỷ đồng; nợ BHYT hơn 2.912 tỷ đồng và nợ BHTN hơn 552,2 tỷ đồng. Riêng với nợ BHXH bắt buộc, nợ trên 6 tháng trở lên đã lên tới hơn 3.209 tỷ đồng.

“Số DN nợ đọng BHXH trên sáu tháng trở lên đang ngày một gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ)”, một cán bộ Ban Thu cho biết. Theo cán bộ này, khi DN nợ sáu tháng trở lên, BHXH các địa phương buộc phải phân loại và hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện ra tòa, đòi quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

“Vì DN không đóng BHXH nên khi NLĐ bị ốm đau, bệnh tật hay tai nạn sẽ không được hưởng các chế độ theo quy định. Thậm chí, có DN lấy tiền nợ đọng BHXH của NLĐ để lo vào các hoạt động kinh doanh khác”, vị cán bộ Ban Thu cho biết.

Trong danh sách nợ đọng BHXH “khủng” của BHXH Việt Nam, có nhiều tên tuổi lớn. Thậm chí có những DN nợ hơn 20 tỷ đồng BHXH. Tại khu vực miền Nam, nằm trong “top” 10 DN nợ đọng BHXH lớn có thể kể đến như: Cty CP Mai Linh miền Nam (197 Huỳnh Tấn Phát, Tân Thuận Đông, Q.7, TPHCM) nợ hơn 21,8 tỷ đồng tiền BHXH; Cty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ rừng Trường Thành (DT 743 Bình Chuẩn Thuận An, Bình Dương) nợ hơn 21,4 tỷ đồng; Cty TNHH Chợ Lớn Taxi (Quận 7, TPHCM) nợ hơn 14,5 tỷ đồng; Cty TNHH Deluxe Taxi (197 Huỳnh Tấn Phát, Tân Thuận Đông, Q.7, TPHCM) nợ hơn 12,3 tỷ đồng; Cty CP dịch vụ bưu chính (97 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM) nợ hơn 10,1 tỷ đồng...

Tại miền Bắc, cũng có nhiều “chúa chổm” nợ BHXH lớn. Có thể kể đến như: Cty CP Cầu Cienco1 (144/95 Vũ Quân Thiều, Long Biên, Hà Nội) nợ gần 15,9 tỷ đồng; Cty TNHH May mặc XK VIT Garment (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) nợ hơn 14,6 tỷ đồng; Cty CP Lilama 3 (lô 24-25 KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) nợ hơn 11,5 tỷ đồng.

Tại một số tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp tên tuổi nhưng nợ đọng BHXH lớn như: Cty CP Cosevco 6 (TP Đồng Hới, Quảng Bình) nợ hơn 11,3 tỷ đồng; Cty CP Sông Đà 8 (Mường La, Sơn La) nợ hơn 12,3 tỷ đồng...

DN không sợ bị kiện ra tòa

Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH cho biết, số nợ đọng BHXH năm nay đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hồng, hầu hết các DN chây ỳ không đóng bảo hiểm cho NLĐ do chỉ muốn thu lợi nhuận tối đa, không quan tâm đến quyền lợi của NLĐ.

Theo quy định, nếu người sử dụng lao động vi phạm Luật BHXH sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nộp đủ, đúng số tiền còn thiếu theo quy định, cộng với tiền lãi ngân hàng số tiền nộp chậm. Nếu vi phạm với số lượng lớn, thời gian dài có thể bị khởi kiện tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện ra tòa tương đối phức tạp và nhiều DN thiếu hợp tác, gây khó khăn, thậm chí mặc kệ.

 “Có lẽ đã đến lúc, coi hành vi nợ đọng BHXH giống như hành vi nợ thuế nhà nước kéo dài để tùy từng mức độ, DN có thể sẽ bị xử phạt hành chính đến chịu trách nhiệm hình sự”. 

Một lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đời sống NLĐ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là năm qua đã có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Nếu DN đua nhau nợ đọng BHXH kéo dài, càng khiến đời sống của NLĐ lâm vào cảnh bi đát nếu lỡ không may bị tai nạn hay ốm đau, bệnh tật. “Có lẽ đã đến lúc, coi hành vi nợ đọng BHXH giống như hành vi nợ thuế nhà nước kéo dài để tùy từng mức độ, DN có thể sẽ bị xử phạt hành chính đến chịu trách nhiệm hình sự”, vị lãnh đạo này nói.

Thực tế, qua bảng thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tại 63 tỉnh, thành phố đều có DN nợ đọng BHXH. Tính đến ngày 31/10, BHXH các tỉnh, thành phố chỉ thực hiện khởi kiện được 1.617 DN, thu hồi được hơn 272 tỷ đồng. DN không nộp BHXH tức là không nộp BHYT vì 2 chế độ này luôn đi kèm khi thu. Do vậy, khi DN không nộp BHXH, NLĐ cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào.

Trong số 63 tỉnh, thành phố có DN nợ đọng BHXH, có tới 28 tỉnh, thành phố, tỷ lệ nợ so với số phải thu cao hơn tỷ lệ nợ chung toàn ngành. Trong đó, 10 địa phương tỷ lệ nợ cao (Lâm Đồng, Nghệ An, Sóc Trăng, Hà Giang, Cà Mau, Phú Thọ, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bình Thuận).

Lãnh đạo BHXH cho rằng, việc nợ đọng BHXH vượt mốc 10.500 tỷ đồng đã ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là ngành BHXH chỉ có nhiệm vụ thanh, kiểm tra mà không có chức năng xử phạt. Nhà nước cần phải điều chỉnh chính sách để làm sao DN nợ BHXH - tiền thuế của NLĐ cũng phải chịu các hình phạt tương xứng như DN nợ thuế”, một lãnh đạo BHXH nói.

Còn nữa

PHONG CẦM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG