7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Cty Cửu Long”

TP - Liên quan đến 7.000 lít dầu máy biến thế nhiễm hóa chất siêu độc được lưu giữ suốt bảy năm cạnh di sản Vịnh Hạ Long, phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Được biết ngay từ tháng 5/2008 đã xảy ra sự cố rò rỉ dầu máy biến thế nhiễm PCB tại khu vực lưu giữ trong cảng Cái Lân. Sở TN&MT Quảng Ninh đã báo cáo Bộ TN&MT về sự cố này. Khi ấy Bộ có động thái cụ thể gì? Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TN&MT– cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại - trong việc này ra sao? 


7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Cty Cửu Long” ảnh 1 Hai container lưu giữ dầu biến thế nhiễm PCB trong sân cảng Cái Lân, chỉ cách bờ biển khoảng 300 mét.  Ảnh: Đỗ Hoàng

Bộ có nhận được báo cáo của Sở TN&MT Quảng Ninh. Trong công văn của sở có đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh giao Cục Hải quan Quảng Ninh chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, cảng Cái Lân tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát lô hàng. Sau đó UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan trong tỉnh xử lý.

Bộ TN&MT nhất trí đây là biện pháp xử lý hợp lý nhằm đảm bảo dầu nhiễm PCB không bị rò rỉ ra môi trường. Lưu ý, tại thời điểm đó, các máy biến thế này là tang vật của vụ án nhập khẩu trái phép, đang do các cơ quan tư pháp điều tra, quản lý. 

Việc máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB nằm ở cảng Cái Lân suốt bảy năm trời, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ máy biến thế, ở đây là Công ty Cổ phần Cửu Long. Ngoài ra, một khó khăn khách quan là vào thời điểm trước năm 2012 Việt Nam không có đủ khả năng để xử lý dầu có nhiễm PCB. Đến nay cũng mới có một đơn vị có khả năng xử lý dầu nhiễm PCB là Công ty xi măng Holcim tại tỉnh Kiên Giang.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại, Bộ TN&MT liên tục hướng dẫn, tập huấn về quản lý an toàn, ứng phó sự cố cho các tổ chức, cơ quan quản lý. Với trường hợp cụ thể này, cần nhắc lại đây là tang vật của vụ án và UBND tỉnh Quảng Ninh phải chỉ đạo các cơ quan tư pháp xử lý.

Là cơ quan phụ trách vấn đề môi trường của quốc gia, trước mối nguy hiểm cực kỳ lớn với môi trường, sức khỏe con người, đặc biệt là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Bộ TN&MT có chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan để giải quyết?

Việc xử lý vụ việc phải được thực hiện đúng trình tự theo quy định của pháp luật, ngoài luật Bảo vệ Môi trường còn phải tuân thủ các quy định chuyên ngành khác như hải quan, tư pháp, thương mại. Về phía Bộ TN&MT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để hướng dẫn các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp quản lý an toàn.

Sở TN&MT Quảng Ninh cho rằng, việc xử lý lô hàng liên quan rất nhiều đến trách nhiệm của Bộ TN&MT, cụ thể là vấn đề cấp phép vận chuyển, xử lý, hướng dẫn bảo quản, xử lý, tiêu hủy. Tuy nhiên, văn bản của Sở TN&MT Quảng Ninh kiến nghị Bộ ra văn bản hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long vận chuyển, xử lý lô hàng nhưng chưa được hồi âm? 

“Việc máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB nằm ở cảng Cái Lân suốt bảy năm trời, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ máy biến thế, ở đây là Công ty Cổ phần Cửu Long” 

Ông Trần Thế Loãn, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong các năm 2008, 2009, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở TN&MT Quảng Ninh , hướng dẫn về chuyên môn và pháp lý để xử lý vụ việc. Ngay lúc đầu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhận đúng trách nhiệm xử lý vụ việc và đã giao cho các cơ quan chuyên môn trong tỉnh xử lý.

Trong vụ việc này, Tổng cục Môi trường đã xuống Quảng Ninh để tham gia cuộc họp do Sở TN&MT tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật lưu giữ an toàn dầu và máy biến thế nhiễm PCB đồng thời giới thiệu với doanh nghiệp một số phương án xử lý. Việc cấp phép vận chuyển, xử lý phải thực hiện theo đúng quy định tại thông tư 12/2011/TT-BTNMT.

7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Cty Cửu Long” ảnh 2 Ông Trần Thế Loãn, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trước mối đe dọa của hơn 7.000 lít hóa chất nhiễm PCB, công luận đòi hỏi phải nhanh chóng di dời khối hóa chất độc hại này ra khỏi Vịnh Hạ Long, Bộ có kế hoạch cụ thể gì trong thời gian tới? 

Bộ đã và đang chỉ đạo Sở TN&MT Quảng Ninh đồng thời phối hợp chặt hơn với UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm vụ việc. Bộ TN&MT ý thức rõ ràng về rủi ro do PCB. Tuy nhiên Bộ là cơ quan quản lý chuyên ngành trong khi vụ việc này liên quan đến nhiều ngành, xảy ra trên địa bàn Quảng Ninh nên cần có sự chủ trì của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Được biết chi phí vận chuyển, tiêu hủy PCB rất tốn kém, có thể vượt quá khả năng của chủ lô hàng. Trong trường hợp này, phương án xử lý của Bộ ra sao?

Bộ đã hướng dẫn doanh nghiệp về phương án vận chuyển, xử lý lượng chất thải này. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện và khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định. Nếu doanh nghiệp không thể thực hiện, Bộ TN&MT sẽ đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan có hình thức cưỡng chế đồng thời tìm các nguồn hỗ trợ để xử lý dứt điểm lô hàng này trong thời gian tới. 

Xin cảm ơn ông!

Không thể ngồi chờ thêm nữa!

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đại diện Việt Nam duy nhất ở Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) nói: “Ta phát hiện ra nguy cơ đe dọa ô nhiễm môi trường ở bất cứ nơi nào chứ không riêng di sản, thì phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý chứ không thể ngồi chờ. Chúng ta ngồi chờ từ 2007 đến giờ là hơi dài rồi”. 

Ông Bài nhấn mạnh, UNESCO luôn yêu cầu phải có phương án đề phòng, khắc phục rủi ro do thiên tai, do hoạt động sản xuất của con người có thể gây hại đến di sản thế giới. 

“Những cơ quan quản lý liên đới, đặc biệt là Bộ Tài nguyên & Môi trường, Hải quan, BQL cảng Cái Lân, UBND tỉnh Quảng Ninh phải hợp sức, bàn phương án để ngăn chặn, khắc phục. Đừng để đến lúc thảm họa xảy ra thì có phê phán nhau chẳng nghĩa lí gì”, ông Đặng Văn Bài nói. 

Toan Toan

MỚI - NÓNG