76 đơn vị hành chính sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
TPO - Căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 24 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa sắp xếp; 76 đơn vị sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Sáng 17/12, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông.

Liên quan đến hồ sơ đề án của tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng cho biết, trong 12 ĐVHC cấp xã mà tỉnh Hà Giang đề nghị chưa sắp xếp, có 4 xã là xã biên giới. Đây là những xã có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Đối với 8 ĐVHC cấp xã còn lại, đều là những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, cả 08/08 xã đều có địa hình đồi núi cao, dân cư phân tán.

Về hồ sơ đề án của tỉnh Nghệ An, trong số 19 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của tỉnh Nghệ An vẫn còn 10 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Lý do không thể sáp nhập vào các xã liền kề khác là do các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hòa Bình có 01/11 ĐVHC cấp huyện và 31/210 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh Hòa Bình dự kiến sắp xếp 02 ĐVHC cấp huyện và tổng số 106 ĐVHC cấp xã. Trên cơ sở xem xét hồ sơ Đề án và báo cáo bổ sung, giải trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ về Đề án sắp xếp ĐVHC của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tỉnh Hòa Bình sắp xếp 02 ĐVHC cấp huyện để hình thành 01 ĐVHC cấp huyện mới (giảm 01 đơn vị); 106 ĐVHC cấp xã để hình thành 47 ĐVHC cấp xã mới (giảm 59 đơn vị).

Về Đề án của tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh này không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Đối với cấp xã, tỉnh có 40/277 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 80 ĐVHC cấp xã. Trong đó, có 39/40 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 41 đơn vị liền kề liên quan.

Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ để hình thành 28 ĐVHC cấp xã mới (giảm 52 đơn vị) và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Phú Thọ theo đề án.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình, có 03 ĐVHC cấp huyện và 24 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp. Ủy ban pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 02 trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ) và 16 trường hợp cấp xã.

Đối với thị xã Quảng Trị và 08 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo địa phương tiếp tục quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các ĐVHC.

Trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các ĐVHC sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định của ĐVHC.

Tại buổi làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật.

MỚI - NÓNG