80% khiếu kiện có nội dung về ruộng đất

80% khiếu kiện có nội dung về ruộng đất
Chính phủ nên xem lại toàn bộ các chính sách về đất đai xem đã hợp lý chưa. Yếu kém của cán bộ cũng là nguyên nhân gây ra khiếu kiện. Nhiều đại biểu quốc hội nhận định về nguyên nhân khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài ở nhiều địa phương như vậy. 

Hôm nay, Quốc hội dành riêng 1 ngày (1/11) nghe báo cáo của ngành Tòa án, Kiểm sát và Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và thảo luận về vấn đề này. Các đại biểu đã phân tích kỹ về những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp.

Cần giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời để an dân

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) lo ngại về tình hình khiếu nại thời gian vừa qua; số vụ tăng cao và tính chất ngày càng phức tạp. Nếu không được giải quyết kịp thời, đúng mức thì sẽ là yếu tố gây mất ổn định chính trị, lòng dân không an.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Chính phủ cần đánh giá những nguyên nhân chủ quan từ đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đề nghị thống kê đầy đủ số lượng đơn khiếu nại gửi lên cơ quan khiếu nại ở Trung ương để tập hợp về một đầu mối, phân loại, giải quyết dứt điểm. Để làm được vấn đề này, Chính phủ cần tăng cường số người làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết đơn thư; rà soát lại những dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai;

cần sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo”…Các đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở các địa phương; đặc biệt là các đơn thư tồn đọng kéo dài. Cần coi việc an dân là nhiệm vụ hàng đầu mới có thể giải quyết được tình trạng khiếu nại tố cáo đông người.

Đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) thể hiện sự băn khoăn về nhiều vụ khiếu nại tố cáo xảy ra trên phạm vi cả nước có tính chất khá phức tạp và thường vượt cấp, kéo dài.

Phải chăng do cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập. Trong khi tiến hành giải quyết lại không triệt để, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, vòng vo…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa- Vũng Tàu) thì các giải pháp mà Chính phủ nêu ra vẫn còn chung chung, chưa giải quyết được tình trạng vòng vo của đơn thư khiếu tố và hiện tượng đùng đẩy như: dưới đẩy lên trên, trên trả xuống dưới.

Chính phủ nên đề ra mốc thời gian cụ thể trong việc giải quyết các vụ việc tồn đọng. Những vụ việc mà các cấp có kết luận giải quyết khác nhau cần được tập trung lại và cho tiến hành thanh tra, giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh): Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý kẻ có hành động xúi giục, kích động nhiều người dân tham gia khiếu kiện. Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp với chính quyền tham gia giải quyết, xử lý vụ việc có tính chất kích động.

Đại biểu Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) đề nghị: Thời gian tới, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo cụ thể, đi vào tận gốc của nguyên nhân khiếu kiện, sớm cải thiện tình hình. Đặc biệt, Chính phủ cần điều chỉnh ngay những chính sách về đất đai chưa phù hợp vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống của dân, nếu chậm trễ, sẽ gây bất bình trong dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Yếu kém của cán bộ là nguyên nhân gây ra khiếu kiện

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Điểu Kré (Đắc Nông) nêu rõ nguyên nhân sâu xa mà Chính phủ ít đề cập hoặc đề cập chưa đúng mức đó là việc thực thi nhiệm vụ chưa tốt của một bộ phận cán bộ, công chức.

Đó là những cán bộ, công chức đã có những tác động tiêu cực trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây bất bình trong nhân dân. Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng nhưng xử lý công việc chưa minh bạch thậm chí có biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhân dân… Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp và tụ tập đông người.

Đại biểu Hluộc Ntơr (Đắc Lắc) cho rằng: Cách giải quyết khiếu nại ở các cấp cơ sở còn quá cứng nhắc, rập khuôn theo quy định hiện hành; chưa chú ý xem xét các vấn đề lịch sử. Chấp hành các quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo chưa nghiêm.

Việc tiếp công dân chưa được tổ chức tốt, còn coi nhẹ công tác này; xem thường công tác đối thoại trực tiếp với dân. Cán bộ tiếp dân chưa am hiểu pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp dân và thậm chí còn rất vô cảm trước bức xúc của dân thì khó có thể giải quyết thấu tình, đạt lý.

Chính vì do thiếu hiểu biết, nên những cán bộ đó không thể phổ biến, hướng dân người dân khiếu kiện thực hiện đúng quy định của pháp luật; chỉ nhận đơn thư rồi để đó, dẫn đến người dân khiếu kiện vượt cấp. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành đổi mới công tác tiếp dân.

Chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, chưa phù hợp

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cho rằng tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài ở nhiều địa phương mới là phần nổi của tảng băng chìm; cần nghiên cứu nguyên nhân tại sao. Ở đây có lẽ không đặt vấn đề cách giải quyết khiếu nại của cấp cơ sở nữa mà cần đặt vấn đề cao hơn, phải chăng chính sách của chúng ta có vấn đề chưa ổn.

80% đơn thư khiếu kiện có nội dung về vấn đề ruộng đất. Chính phủ nên xem lại toàn bộ các chính sách về đất đai xem đã hợp lý chưa. Ví dụ như tiền đền bù giải phóng mặt bằng, các chương trình về đào tạo lao động, giải quyết việc làm chưa phù hợp.

Chính phủ mới chỉ quan tâm đến vấn đề đền bù. Việc đền bù mà chưa có chính sách cụ thể về giải quyết việc làm cho những lao động bị thu hồi đất (mất tư liệu sản sản chủ yếu) dẫn tới cuộc sống lại khó khăn thêm.

Đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ cần có quy định và xác định giá đất đền bù cho hợp lý hơn; cần tổng kết và rà soát lại chính sách đền bù tái định cư để quy định cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cho rằng: Chính sách hợp tác hoá nông nghiệp ở các tính phía Nam chưa phù hợp, vẫn còn để lại nhiều bức xúc trong dân. Đến khi thay đổi chính sách, thực hiện khoán đất cho dân, chính quyền lại không biết dựa trên cơ sở nào, tiến hành giao đất cho dân tuỳ tiện và có nhiều tiêu cực, gây bất bình trong dân. Rồi đến khi thu đất làm dự án, chính sách đền bù tái định cư chưa hợp lý và thống nhất…

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ việc thực hiện Luật đất đai, xem xét đã phù hợp với thực tế chưa và cần nhanh chóng điều chỉnh. Đại biểu Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi): Có những vụ việc, người có công với cách mạng gặp khó khăn có đơn thư kiến nghị xin trợ giúp, nhưng không thể giải quyết được do chưa có chính sách. Bố trí tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm… cần được lập thành chương trình cụ thể ngay khi quyết định dự án .

MỚI - NÓNG