80 năm khởi nghĩa Nam Kỳ: Bản anh hùng ca 'ý Đảng, lòng Dân'

Người dân Nam Kỳ đứng lên khởi nghĩa Ảnh: Tư liệu
Người dân Nam Kỳ đứng lên khởi nghĩa Ảnh: Tư liệu
TP - 80 năm Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2020) là một dịp để thế hệ hôm nay hiểu hơn và thêm biết ơn những người đã ngã xuống trong cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trên 20 tỉnh thành phía Nam, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam chống lại ách xâm lược của thực dân.

Chiến tranh thế giới lần II bùng nổ (1939), Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ “phản đế” - giải phóng dân tộc lên trên hết, gấp rút quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Tháng 6/1940, nước Pháp đầu hàng phát xít Đức, đến tháng 9/1940, thực dân Pháp tiếp tục để mất Đông Dương về tay Nhật Bản; nhân dân Việt Nam chịu cảnh một cổ hai tròng, tình cảnh hết sức cùng cực, bi đát. Các nghiên cứu cho thấy “nhiều nơi, người dân Nam Kỳ đã tự phát nổi dậy chống thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít”. Nhiều nơi công khai rèn vũ khí sẵn sàng tổng khởi nghĩa.

Khởi nghĩa đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ, làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ.

Tuy nhiên, do thông tin về cuộc khởi nghĩa bị lọt ra ngoài, nên địch đã đồng loạt bắt nhiều đồng chí lãnh đạo. Binh lính người Việt bị giữ trong các trại lính và bị thu hồi vũ khí, không hỗ trợ được lực lượng du kích và tự vệ bên ngoài. Thực dân Pháp dùng máy bay, xe tăng tấn công vào các làng khởi nghĩa, nhiều làng bị địch thảm sát, xóa sổ.

Ðánh giá lại vai trò của Khởi nghĩa Nam Kỳ

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020), ngày 22/11, tại TPHCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định vị trí lớn lao của Khởi nghĩa Nam Kỳ: “Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ, kể từ sau cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định, đây là lần đầu tiên nhân dân vùng lên, tiến hành cuộc “động binh” quy mô lớn chưa từng có, mức độ quyết liệt nhất với hào khí ngất trời và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quật khởi. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc”.

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, trước đây, một số ý kiến đánh giá Khởi nghĩa Nam Kỳ là “thất bại”, song thực tế, ngay từ trước khi tổ chức khởi nghĩa, các nhà lãnh đạo Đảng đều đã dự báo được các khó khăn và việc quyết định tổ chức khởi nghĩa được xem là giải pháp tốt nhất trong thời điểm đó. 

Các ý kiến trong hội thảo khoa học đều cho rằng không nên đánh giá Khởi nghĩa Nam Kỳ là “thất bại” mà nay cần đánh giá rằng: “Vì nguyên do chủ quan lẫn khách quan, khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng”.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu. Chiến sĩ, đồng bào ngã xuống, lực lượng cách mạng tổn thất nặng nề. Song  Khởi nghĩa Nam Kỳ đã là cuộc “tổng diễn tập” lớn nhất tại Nam Bộ và trên cả nước, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng 8 diễn ra 5 năm sau đó. Các nhà khoa học đều thống nhất khẳng định: “Rất nhiều kinh nghiệm, bài học từ Nam Kỳ khởi nghĩa đã được áp dụng cho Cách mạng Tháng Tám”, trong đó có việc chủ động khởi nghĩa, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong tổng khởi nghĩa, quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng đánh đuổi thực dân đế quốc, xây dựng chính quyền mới. 

Bài học mang tính thời sự

80 năm đã qua kể từ khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, song vẫn còn đó những bài học mang tính thời sự.

Theo PGS.TS Trần Thị Mai (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), bài học lớn của Khởi nghĩa Nam Kỳ là việc tập hợp quần chúng.  Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn đã tranh thủ dựa vào những tổ chức tương tế, ái hữu, phường hội để thu phục đông đảo quần chúng, vừa chú trọng tổ chức quần chúng, thành lập những hội bí mật như Công hội, Nông hội, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Hội phản đế. Các đoàn thể quần chúng đã phát động nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Nét độc đáo là công nhân đã tổ chức được các đội tự vệ. Khu vực ngoại thành, nông dân hình thành các lực lượng du kích với quy mô từ tiểu đội đến trung đội.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Văn Tân trình bày tham luận “Công tác vận động quần chúng nhân dân trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ” cũng cho rằng binh vận được xác định là một khâu quan trọng trong chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, nhất là binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp là con em nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Xứ ủy thành lập hai ủy ban chuyên môn binh vận. Nhờ công tác binh vận ráo riết, số binh sĩ có cảm tình với cách mạng ngày càng nhiều.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học quý giá, đặc biệt: “Đó là những bài học về ý Đảng lòng Dân, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tiễn; về lãnh đạo và tổ chức lực lượng cách mạng, tổ chức quần chúng rộng khắp; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành dũng cảm, tiên phong, gương mẫu”.

Câu chuyện việc cuộc họp Xứ ủy mở rộng tại Tân Xuân (Hóc Môn, Gia Định) 9/1940 vẫn còn được lịch sử nhắc đến. Xứ ủy đã xác định, Khởi nghĩa Nam Kỳ được tổ chức trong điều kiện chưa chín muồi sẽ có thể xảy ra tổn thất, song, việc tiến hành khởi nghĩa sẽ  biểu thị sự hùng hồn của lực lượng đấu tranh giành độc lập, làm cho nhân dân thấy rõ tính ưu việt của chế độ ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ chính là biểu hiện của sự thống nhất giữa “Ý Đảng, lòng Dân”. 

Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam Kỳ với màu đỏ tượng trưng cho màu máu của chiến thắng, ngôi sao vàng tượng trưng cho linh hồn của dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp đồng bào sĩ, nông, công, thương, binh đã được chọn làm quốc kỳ cho đất nước Việt Nam độc lập, đúng như ý chí và lý tưởng mà Khởi nghĩa Nam Kỳ đã hướng tới.   

“Đó là những bài học về ý Đảng lòng Dân, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tiễn; về lãnh đạo và tổ chức lực lượng cách mạng, tổ chức quần chúng rộng khắp; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành dũng cảm, tiên phong, gương mẫu”.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy

MỚI - NÓNG