Nhà công sở: Sử dụng sai mục đích, lãng phí tràn lan

Nhà công sở: Sử dụng sai mục đích, lãng phí tràn lan
TP - Thực trạng hệ thống “công đường” trên toàn quốc đang trở thành một vấn đề “nóng”, khi mới đây trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết hiện trên toàn quốc có tới 61.502,5m2 nhà công sở sử dụng không đúng mục đích…

Dựa trên báo cáo của 36 địa phương và qua khảo sát tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Cần Thơ, ông Trịnh Huy Thục, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm “dự án khảo sát, đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống nhà công sở hành chính Nhà nước các cấp” cho biết:

“Mặc dù Nghị định 14 của Chính phủ ban hành năm 1998 về quản lý tài sản Nhà nước, trong đó: tài sản nhà, đất HCSN được giao cho các cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng và phải thực hiện việc lập hồ sơ, mở sổ sách theo dõi, báo cáo định kỳ, bảo dưỡng sửa chữa, điều chuyển, thu hồi và xử lý tài sản không sử dụng…

Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm Nghị định này có hiệu lực vẫn chưa có cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng nào thực hiện đầy đủ các nội dung trên và xây dựng Quy chế quản lý nhà công sở”.

Điều đáng quan ngại là qua khảo sát của Cục quản lý nhà, cho thấy tình trạng sử dụng diện tích nhà công sở không đúng mục đích xuất hiện ở tất cả các cấp. Riêng báo cáo của 10 sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai…) đã cho thấy gần 3.000m2 diện tích sử dụng không đúng mục đích.

Thấy gì từ hệ thống công sở các bộ, ngành?

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng trên 70 triệu m2 nhà công sở hành chính Nhà nước, trong đó T.Ư là trên 14 triệu m2, địa phương trên 56 triệu m2, với giá trị ước trên 8.000 tỷ đồng.

Từ năm 2001-2003, riêng các cơ quan Nhà nước đã đầu tư xây dựng khoảng 2.500 tỷ đồng, tương đương với 440.000 m2… Bộ Xây dựng cho biết hệ thống công sở các bộ, ngành hiện nay phần lớn được tiếp quản và xây dựng từ những năm 50-60 với quy mô nhỏ, tiêu chuẩn thiết kế thấp, hình dáng kiến trúc đơn giản nên còn nhiều hạn chế.

Trong số 25 bộ, ngành được thống kê, mới có 17 bộ, ngành sử dụng nhà cấp I, 8 bộ, ngành sử dụng nhà cấp II,III, công sở chính của các bộ, ngành vẫn còn tồn tại tới gần 400 nhà cấp IV…   

Xuống đến cấp huyện, báo cáo của 6 huyện, thị xã ở 5 tỉnh khác nhau (Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hải Phòng, Đồng Tháp) cũng cho thấy tổng số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích là hơn 5.000m2.

Điều đáng ngạc nhiên với công sở HĐND-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư-cơ quan được xem là “đầu não”, là “bộ mặt” của địa phương-nhưng vẫn xuất hiện tình trạng sử dụng không đúng mục đích, đơn cử 2 tỉnh Cà Mau, An Giang có khoảng gần 500m2 diện tích công sở HĐND-UBND sử dụng sai mục đích.

Đa số diện tích sử dụng sai mục đích nêu trên được bố trí làm nhà ở và các mục đích khác như sản xuất, kinh doanh... Riêng cấp xã, phường, Cục quản lý nhà cho biết hiện nay đều chưa có bộ phận theo dõi, quản lý trụ sở làm việc. (Số liệu trong bài này do Bộ Xây dựng thống kê tính đến đầu năm 2006-P.V).

Phải “to, đẹp” hơn tỉnh bạn

Khi khảo sát công tác quy hoạch khu trung tâm hành chính các cấp của một số tỉnh, Cục quản lý nhà đã lưu ý tình trạng nhiều tỉnh quan niệm công trình khi xây dựng sau phải lớn hơn, đẹp hơn công trình cùng loại đã hoặc đang được xây dựng tại tỉnh, huyện, xã khác.

Ví dụ như công sở HĐND-UBND tỉnh Thái Bình, vào thời điểm đã lập dự án xây dựng, vẫn có ý kiến cho rằng phải xây dựng chí ít cũng to, đẹp ... như công sở HĐND-UBND tỉnh Nam Định vừa mới hoàn thành. Chưa kể đến việc xem xét “phong thủy” khi có ý định xây cất công sở làm việc.

“Đa số lãnh đạo các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có tâm lý là cần xây dựng công sở của cơ quan theo dự án riêng, độc lập trong khuôn viên, không muốn chung đụng; quy mô công sở phải tương đương, đồng hạng với công sở trong ngoài khu vực.

Nhưng việc áp dụng các tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc không thống nhất dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu diện tích làm việc, gây lãng phí”- Ông Trịnh Huy Thục khẳng định như vậy.

Mạnh ai nấy làm

Cục quản lý nhà cho rằng, với hệ tư duy nêu trên, nếu không có sự chỉ đạo thống nhất từ T.Ư, thì tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc quy hoạch tất yếu xảy ra không chỉ riêng ở công sở hành chính Nhà nước các cấp ở các tỉnh.

Một chuyên viên Cục quản lý nhà cho biết, chỉ riêng khảo sát công sở HĐND-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã cho thấy thực trạng rất khác nhau.

“Trong khi diện tích đất xây dựng của HĐND-UBND T.P Hải Phòng có hơn 3.000m2, thì công sở cùng cấp của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 62.000m2; trong khi diện tích nhà làm việc của HĐND-UBND tỉnh Thái Bình là 4,6m2/người, thì tỉnh Hoà Bình có tới 35,5m2/người;

Theo tiêu chuẩn thiết kế trụ sở cơ quan do Bộ Xây dựng ban hành, HĐND-UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải là nhà cấp I, nhưng qua khảo sát 34 địa phương chỉ có 4 nơi sử dụng trụ sở HĐND-UBND đúng cấp nhà làm việc...

Đặc biệt, HĐND-UBND các tỉnh Quảng Nam, Hậu Giang, Trà Vinh đang sử dụng nhà làm việc là nhà cấp IV”- Chuyên viên này nói.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải (Chủ tịch HĐQT Cty CP kiến trúc đô thị Việt Nam, người từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc gia), tại một hội thảo khoa học do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, đã phân tích: “Một trong những nguyên nhân làm quy hoạch phá sản là nguồn vốn xây dựng bị phân tán và chúng ta đang theo quy trình chia rồi mới xây.

Hầu hết các công trình đặt ở trung tâm đô thị là nguồn vốn Nhà nước như trụ sở các cơ quan hành chính, chính trị, các đoàn thể, các công trình văn hóa, thể dục thể thao, thương mại... Nhưng nhiều năm nay, nguồn vốn này được chia cho từng cơ quan quản lý xây dựng, đất đai cũng phải chia theo. Vậy là mạnh ai nấy làm”.

Trao đổi với Tiền phong, ông Khải cho rằng: “Đáng lẽ mỗi đô thị đều có một trung tâm đẹp với những nhà công sở cao tầng hợp khối của nhiều cơ quan, thì nay nhiều đô thị tái lập lại chỉ thấy những đường phố buồn tẻ, manh mún.

Mỗi sở, ban ngành chỉ có vài ba chục người cũng phải xây dựng riêng theo sở thích của các ông bà chủ gây lãng phí, tốn kém cả trong xây dựng lẫn khai thác quản lý. Và những lao tâm khổ tứ của các nhà quy hoạch phải đổ xuống sông xuống biển...

Đã đến lúc phải thực hiện triệt để xây rồi mới chia, có như vậy mới mong có được những đô thị đẹp, những công sở, đường phố khang trang, bộ mặt kiến trúc nước nhà mới thay đổi được”.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên dự định xây dựng trung tâm hành chính “gom” tất cả các cơ quan đầu não vào một toà nhà 34 tầng nằm bên sông Hàn.

Hoan nghênh ý định này, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua nhiều đại biểu đã nhắc lại ý tưởng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt 10 năm trước đây là xây dựng một khu nhà cho toàn thể các văn phòng 2 của các bộ, ngành tại TPHCM ở đường Lê Duẩn.

Được biết, về việc xây dựng “Khu hành chính tập trung của các Bộ, cơ quan T.Ư tại TPHCM”, đầu tháng 4 Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và UBND TPHCM tiếp tục lộ trình thực hiện Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hóa công sở của hệ thống hành chính Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2007.

Như vậy, từ ý tưởng của người đứng đầu Chính phủ 10 năm trước, phải chăng đã hé mở một giải pháp cho tình trạng công sở “manh mún” hiện nay?

Được biết, những nguyên nhân khiến việc xây dựng hệ thống công sở hành chính các cấp ở nhiều tỉnh, thành đã phá vỡ không gian kiến trúc quy hoạch, cũng như làm cho việc sử dụng công sở sai mục đích và lãng phí tràn lan, sẽ được “mổ xẻ”trong một hội nghị về quản lý nhà công sở do Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 20/4 tới đây.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.