Ả Rập Saudi sẵn sàng tiếp nhận 50.000 lao động VN

Ả Rập Saudi sẵn sàng tiếp nhận 50.000 lao động VN
Bộ LĐ-TB-XH vừa ký thỏa thuận với Hiệp hội Tuyển dụng quốc gia Ả Rập Saudi (Sanarcom) về hợp tác lao động giữa hai nước.

Theo Sanarcom, Ả Rập Saudi đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng và sẵn sàng nhận số lượng lớn với khoảng 50.000 lao động VN trong năm nay.

Chi phí thấp, dễ tuyển

Việc tiếp nhận số lượng lớn lao động VN nói trên tập trung ở một số lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật cao làm việc trong các nhà máy, lĩnh vực xây dựng và đông nhất là nữ giúp việc nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, thị trường này rất tiềm năng mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) cần tập trung khai thác.

Ưu điểm là chi phí ban đầu tương đối thấp, đòi hỏi tay nghề không quá khắt khe, rất phù hợp với lao động nông thôn VN.

Theo các chuyên gia XKLĐ, một lao động có trình độ kỹ sư, nếu sang Ả Rập Saudi có thu nhập khoảng từ 1.000 USD/tháng trở lên. Lao động ở lĩnh vực xây dựng khoảng hơn 300 USD/tháng. Riêng nữ giúp việc gia đình, thu nhập 160 USD/tháng.

So với Malaysia, thu nhập của lao động xây dựng cao hơn không là bao, còn so với thị trường Đài Loan, thu nhập của nữ giúp việc gia đình thấp hơn gấp hai lần.

Tuy nhiên, đối với lao động trình độ thấp, mức thu nhập này là chấp nhận được. Một ưu điểm khác là chi phí hai lượt vé máy bay, nơi ăn, ở do chủ sử dụng lao động đài thọ và tổng chi phí ban đầu mà người lao động bỏ ra chỉ chừng khoảng hơn 1.000 USD/tháng.

Doanh nghiệp vẫn e dè

Trước Tết Nguyên đán, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH do Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng dẫn đầu đã có chuyến sang Ả Rập Saudi bàn việc thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai bên.

Đại diện của Sanarcom đưa ra chủ trương muốn tiếp nhận trước lao động nữ giúp việc nhà của VN, trong khi VN đặt ưu tiên một là đưa lao động có tay nghề sang nước này.

Trên thực tế, việc đẩy mạnh đưa lao động nữ giúp việc nhà sang nước này chưa được nhiều DN quan tâm. Bởi lẽ, ở lĩnh vực này nói riêng, điều kiện sinh hoạt khá khắt khe, phong tục tập quán có sự cách biệt nên rất khó để lao động VN thích nghi, tiềm ẩn rủi ro cao.

Một điểm khác là do Ả Rập Saudi chưa đặt đại sứ quán tại VN nên việc làm visa cho người lao động phải sang Thái Lan, sẽ phát sinh thêm chi phí cho người lao động và phiền hà cho DN.

Vì những lý do trên, mà ông Phạm Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty XKLĐ Lasec, cho biết chưa thể xúc tiến ký hợp đồng với đối tác nào và phải tính toán thật kỹ.

Còn theo ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Công ty Tracodi, phải chờ một số DN khác làm trước, nếu thấy hiệu quả thì Tracodi mới làm.

Hiện tại, ở phía Bắc, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô VN (Vinamotor) và một vài DN có đưa vài trăm lao động sang Ả Rập Saudi. Riêng phía Nam có Sovilaco đang tiến hành đàm phán để xúc tiến ký hợp đồng với một số đối tác của Ả Rập Saudi tuyển lao động xây dựng và giúp việc nhà.

Theo N.DUY
Người lao động

MỚI - NÓNG