Ai chịu trách nhiệm vụ công trường phá rừng ở Gia Lai

Phóng viên Tiền Phong tiếp tục vào hiện trường phá rừng giáp ranh huyện Ia Pa và Kông Chro lần 2 phát hiện nhiều lóng gỗ bị đốt cháy
Phóng viên Tiền Phong tiếp tục vào hiện trường phá rừng giáp ranh huyện Ia Pa và Kông Chro lần 2 phát hiện nhiều lóng gỗ bị đốt cháy
TP - Ngày 26/7, liên quan vụ “Đột nhập công trường khai thác gỗ trái phép ở Gia Lai” xảy ra ở địa bàn giáp ranh 2 huyện Ia Pa và Kông Chro của tỉnh Gia Lai mà báo Tiền Phong phản ánh, UBND huyện Kông Chro chỉ đạo Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện, Chủ tịch xã Đắk Kơ Ninh (huyện Kông Chro) tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, chờ kết quả điều tra để có hướng xử lý tiếp theo.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, đơn vị xác định khu vực rừng giáp ranh giữa 2 huyện Kông Chro và Ia Pa là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép nên đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuần tra truy quét.

Tuy nhiên, những ngày qua vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng. Hiện đơn vị xác định trách nhiệm chính thuộc về 2 đơn vị trực tiếp quản lý rừng là Hạt kiểm lâm và UBND xã Đắk Kơ Ninh. Đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để truy tìm đối tượng phá rừng, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Theo kết quả sơ bộ của Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro, 7 gốc bị cắt hạ (qui ra gần 16m3 gỗ tròn) trên lâm phần của huyện Kông Chro. Sau khi xẻ hộp vuông lâm tặc dùng trâu kéo về hướng huyện Ia Pa. Đoàn kiểm tra còn phát hiện 20 con trâu dùng để kéo gỗ gần “trại bà Lan”. 

Còn theo đại diện Hạt kiểm lâm huyện Ia Pa, đơn vị đã đi kiểm tra vị trí rừng bị khai thác trái phép thuộc địa phận giáp ranh hai huyện nhưng “không có gì”, chỉ có dấu vết xe độ, trâu bò kéo. Trong khi đó, theo định vị từ phần mềm điện thoại và khẳng định của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro Trần Hùng Anh thì vị trí rừng bị khai thác trái phép nghiêm trọng với hàng trăm thân gỗ đường kính từ 80cm trở lên bị chặt hạ thuộc xã Ia Tul (huyện Ia Pa). 

Sau khi 2 hạt kiểm lâm huyện Kông Chro và Ia Pa thông báo kết quả kiểm tra ban đầu, phóng viên Tiền Phong tiếp tục vào hiện trường. Vị trí rừng bị khai thác trái phép này ở giáp ranh huyện Kông Chro và Ia Pa với diện tích hàng trăm ha. Tại đây, PV phát hiện nhiều lóng gỗ bị đốt cháy như để phi tang. Những vị trí phóng viên tiếp cận, ghi hình trước đó vẫn chưa có ký hiệu kiểm tra của ngành chức năng. 

Trước đó, tại hiện trường vụ phá rừng cách xã Đắk Kơ Ninh (huyện Kông Chro) khoảng 15km, PV báo Tiền Phong ghi nhận có hàng trăm thân gỗ đường kính từ 80cm trở lên bị chặt hạ, xẻ hộp, lâm tặc dùng trâu và xe máy độ chế kéo về bãi tập kết cách “Trại bà Lan” khoảng 700m. Địa phận này giáp ranh giữa hai huyện Ia Pa và Kông Chro.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.