Ai là người bị bạo hành nhiều nhất tại các bệnh viện?

Nhân viên y tế bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều gấp 16 lần so với nghề khác. Ảnh minh hoạ: Internet
Nhân viên y tế bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều gấp 16 lần so với nghề khác. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - ThS. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho biết: Theo nghiên cứu của các quốc gia, đối tượng bị bạo hành nhiều nhất trong ngành y tế là điều dưỡng do đây là lực lượng đông đảo và thời gian tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất.

Theo ThS. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế: Bạo hành NVYT là vấn đề toàn cầu. Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, NVYT bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều hơn gấp 16 lần so với các ngành nghề khác. Điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà bị tấn công gấp 10 lần so với các lĩnh vực lao động khác. Trên toàn cầu, tỷ lệ NVYT bị bạo hành là hơn 40%, Thái Lan 54%, Australia 61%… Như vậy, so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực, tỷ lệ bạo hành với NVYT ở nước ta thấp hơn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi gây bạo hành cho NVYT còn chưa được quy định rõ ràng và nghiêm minh, nhất là với bạo hành về tinh thần.

ThS. Mục cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu để đưa ra bằng chứng mang tính đại diện. Nhưng ông cho rằng, con số 15% số vụ bạo hành là đối tượng điều dưỡng là thấp, trên thực tế còn cao hơn nữa. Người điều dưỡng nói riêng và thầy thuốc nói chung luôn luôn có nghĩa vụ kép khi làm nhiệm vụ thường trực tại bệnh viện. Đầu tiên là sự an toàn của người bệnh; sau đó là sự an toàn của chính bản thân họ. Với nạn bạo hành như hiện nay, Luật khám, chữa bệnh cho phép cán bộ y tế được tạm thời rời vị trí làm việc khi tính mạng của họ bị đe doạ. Tuy nhiên, họ cần báo cáo lãnh đạo bố trí người thay thế, nhưng không phải lúc nào cũng có người thay thế.

"Những người gây bạo hành với bác sĩ không phải chỉ là người liên quan đến các tệ nạn xã hội như đối tượng nghiện hút mà thậm chí có cả những người có học, có vị trí trong xã hội. Phạm vi của bạo hành y tế mang tính xã hội. Do đó cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng như công an, chính quyền địa phương cấp xã phường... Trong thực tế, bản thân tôi khi còn làm chuyên môn đã từng gặp bệnh nhân tâm thần dùng súng bắn vào cán bộ y tế và bệnh nhân. Lúc đó, chúng tôi không dám bỏ nơi trực bởi còn nhiều bệnh nhân nặng không đi lại được, cần sự giúp đỡ của NVYT. Lúc đó, chúng tôi phải động viên nhau ở lại chấp nhận rủi ro để bảo vệ người bệnh. Nhưng đáng tiếc..., một bệnh nhân đã bị đối tượng tâm thần bắn chết. Thật đau lòng! Những tình huống như thế này không phải hiếm bởi số bệnh nhân nặng tại các BV có số lượng lớn cần sự chăm sóc của NVYT"- ông Mục nói.

Về vấn đề bạo hành y tế, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trước đây, tình trạng cán bộ y tế bị bạo hành rất hiếm, nhưng gần đây lại xảy ra rất nhiều. Người nhà người bệnh có những thái độ lăng mạ, hành hung cán bộ y tế gây thương tích, có những trường hợp tử vong. Hành vi ngoài đường phố đã xâm lấn vào các khu vực, cơ quan y tế. Chúng tôi rất lo lắng rằng nếu chúng ta không có giải pháp manh mẽ hơn thì câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Ai sẽ bảo vệ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ? Chúng tôi kiến nghị rằng, nếu cán bộ y tế vi phạm kỷ luật, có hành vi sai trái, người đứng đầu cơ cở y tế sẽ xử lý nghiêm, nhưng đồng thời nếu những đối tượng là người nhà bệnh nhân có những hành vi hành hung, lăng mạ cán bộ y tế, thì các cơ quan chức năng liên quan cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

MỚI - NÓNG