Ai lấy lòng ai

TP - Công chức không được nịnh bợ lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng. Nội dung Đề án văn hóa công vụ (đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2019) trên sẽ được bổ sung vào Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức sắp được trình để thông qua.

Khái niệm mơ hồ như “nịnh”, “lấy lòng” chưa biết vào thực tế sau khi được luật hóa sẽ ra sao, theo định lượng nào và đo đếm bằng cách gì? Khi hành vi “nịnh” ấy chưa cho ra kết quả (như được lên chức, được vào biên chế, được giao thực hiện dự án), thì tính sao? Còn nếu kết quả tốt đẹp thì có “xử” không và xử như thế nào? Cũng khó hình dung tâm trạng các sếp thế nào khi cấp dưới “bơ” không thèm… lấy lòng?!

Ai lấy lòng ai, trong vụ “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn? Ai bảo những quan chức báo chí, vụ viện này nọ không “ăn theo” tên tuổi, muốn sánh vai người có “danh” trong nhưng cuộc công cán, gặp gỡ? Thậm chí để tranh thủ giải quyết những cái lợi nào đó? Để thấy cái vi tế trong quan hệ con người với nhau, trên nền tảng xã hội lắm hư danh đến bi hài, và không dễ soi xét một chiều.

Ai cần ai, khi các giảng viên đại học, kể cả giáo sư, phó giáo sư phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp theo quy định mới? Nghĩa là rất nhiều học trò của các giáo sư, phó giáo sư làm công việc là dạy dỗ và “cấp bằng” chứng nhận khả năng... dạy học cho chính thầy mình. Thật khó nghĩ! Nên có mốc thời gian cụ thể áp dụng quy định trên, chứ không hồi tố một cách ngẫu hứng.

Doanh nghiệp luôn phải lấy lòng địa phương là điều không cần bàn cãi. Nhóm lợi ích nhiều khi cũng đẻ ra từ đây. Nhưng sẽ thiếu khôn ngoan nếu nhà đầu tư chỉ tìm cách “tranh thủ” lãnh đạo địa phương, mà bỏ qua thậm chí bất cần tâm tư cũng như sự phản cảm, tác hại lâu dài của dự án đối với dân và thiên nhiên, môi trường. Một dự án lấn sông lấn biển, xẻ núi để phân lô, cho dù “đầu xuôi đuôi lọt” qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, nhưng sẽ luôn là cái gai trong mắt dư luận và người dân. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều nhà đầu tư dở khóc dở cười với những dự án bị thanh tra, đình chỉ, thậm chí bị thu hồi.

“Đế chế” 2.3 tỷ thần dân là Facebook cần ai? Chỉ lo mở mang bờ cõi của mình bằng mọi giá (đi theo đó là lợi nhuận, tất nhiên) bất chấp quyền riêng tư cá nhân, và giới hạn “quyền năng” vô tận mà mạng xã hội này mang lại. Vi phạm những giá trị bất biến thuộc về con người, vốn nhằm bảo đảm sự tồn tại của loài người.

Tỷ phú Mỹ Warren Buffet luôn trung thành với nguyên tắc “để kiếm ra tiền, trước tiên bạn phải sống sót đã”. Hay như học giả Nassim Nicholas Taleb tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, đúc kết “sự tồn tại là quan trọng nhất, sau đó mới đến sự thật, hiểu biết và khoa học”.

Cấp dưới luôn phải lấy lòng cấp trên, hay là sự nhầm lẫn lý trí thông thường trong mọi mối quan hệ xã hội, không phải là chuyện vặt.

MỚI - NÓNG