Ai nhớ, ai quên?

Ai nhớ, ai quên?
TP - Tôi tìm đến cống Hiệp Hòa vào một trưa nắng xứ Nghệ như đổ lửa. Dù rất gần thị trấn Đô Lương, nhưng phải tìm, phải hỏi mãi mới đến được. Hình như sự lãng quên đã phủ kín nơi này.

> Cứu hộ bằng những bàn tay trần tứa máu
> Xé lòng nỗi đau sau 35 năm mới kể

Lãng quên...

Giờ ngọ, bóng nắng thẳng đứng, tôi nhìn rõ cống trên con kênh đào. Đó là một dải bê tông nổi lên trên mặt nước dài quãng 30m, phần cuối bị vỡ một mảng lớn, để lộ lòng cống sâu hoắm bên trong. Phía trên, một khối bê tông chắn ngang con kênh, có những tấm sắt dùng để đóng và mở nước. Nằm giữa hai bên núi, cống vô danh trong quên lãng. Không một tấm biển, không một tấm bia. Như chưa từng có 98 thanh niên đã tử nạn ở đây. Chính nơi này. Như chưa từng có thảm họa rúng động nhân tâm. Như chưa từng có công trường rộn tiếng ca rồi công trường trĩu nặng nỗi đau và chứa chan, nước mắt. Chỉ dòng nước vẫn mải miết chảy, bê tông phủ rêu phong dày mãi theo thời gian. Hai bên núi, cảm giác như cỏ xanh một màu “Đạm Tiên” (chữ của nhà thơ Chế Lan Viên).

Trưa nắng mà sao tôi lại lạnh buốt sống lưng khi muốn thắp một nén nhang cho những người đã ngã xuống 35 năm trước mà không biết cắm hương vào đâu. Phía bên kia đường, có ngôi nhà nhỏ và một cô gái bước ra chào. Mới hay, đây là nơi làm việc của Cụm quản lý thủy nông Hiệp Hòa. Cô gái tên Nguyễn Thị Nhớ. Thầy giáo Phạm Bá Tiến, hiệu trưởng trường PTTH Thanh Chương 3, đồng hành với tôi, thốt lên: “Ở nơi bị lãng quên này lại có một cô gái tên là Nhớ!”.

Nhớ tâm sự: “Em cũng mới về đây làm. Trước đây bố mẹ em cũng làm ở Cụm thủy nông này, bây giờ về hưu rồi. Ở đây hiu quạnh lắm, xung quanh không có nhà dân. Thương 98 thanh niên tử nạn khi làm cống này mà không có một nơi để thắp hương, Cụm quản lý thủy nông Hiệp Hòa đã làm cái miếu nhỏ bên đường”.

Nhớ dẫn chúng tôi tới cái miếu bé xíu nằm chơ vơ khuất lấp bên núi. Chúng tôi thắp hương, trong cái nắng quá ngọ. Khói hương lẩn quất. Nắng trưa nhuốm màu u tịch.

Có những chuyện thực hư, hàng năm tại khu vực này có tới hàng chục vụ chết đuối và nhảy cầu tự tử xảy ra. Nhưng lạ thay thân xác của các nạn nhân trôi dạt về xuôi đều mắc kẹt trong cống Hiệp Hòa vài ba ngày. Rồi chuyện cô bé Huệ nào đó đi đến đây bỗng ngẩn ngơ, anh ngư phủ phải nhập viện vì bị thôi miên trước vẻ đẹp của ma nữ tắm tiên…Những câu chuyện ấy khiến nhiều người sợ hãi tránh xa khu vực này.

Đêm. Chỉ có mỗi mình Nhớ trong ngôi nhà sát cống. Có lúc 0 giờ cô gái này phải ra cống mở nước hoặc đóng nước. Nhớ kể: “Em không sợ vì nếu có linh hồn các cô chú sẽ phù hộ cho em. Một lần em rơi xuống cống, nước sâu và chảy xiết nhưng em giác thấy như có bàn tay nâng đỡ mình lên bờ, giúp em thoát chết. Nếu có gì đáng sợ ở đây, thì đó là sự quên lãng những người đã chết để làm nên công trình thủy lợi này”.

Bằng ghi công của tỉnh Nghệ Tĩnh gọi những thanh niên tử nạn trong khi đang xây cống Hiệp Hòa là “hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh”
Bằng ghi công của tỉnh Nghệ Tĩnh gọi những thanh niên tử nạn trong khi đang xây cống Hiệp Hòa là “hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh”.

Nhớ nói về sự quên khiến tôi cứ mãi mông lung ám ảnh.

Ông Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch huyện Đô Lương- nơi diễn ra sự kiện sập cống Hiệp Hòa, lại nói thêm vào sự quên ấy: “Trang sử của huyện, không biết vô tình hay hữu ý, người chấp bút không có một câu một dòng nào về Cống Hiệp Hòa. Kể cả đau thương lẫn tự hào? đoàn thanh niên đến các tổ chức xã hội, thậm chí cả tổ chức nhân đạo từ thiện đều không nhớ.

Thân nhân của những người đã tử nạn bây giờ sống như thế nào cũng không ai biết. Tôi cho rằng, những đoàn viên thanh niên ấy đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ xây dựng quê hương. Về bản chất, chẳng khác gì sự hy sinh của những cô gái ở Truông Bồn hay ngã ba Đồng Lộc. Không thể coi cái chết của họ như một tai nạn lao động”.

Tri ân các bậc tiền bối đã ngã xuống trên công trình xây dựng cống Hiệp Hòa, một cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tỉnh Đoàn cũng đã nhận được một số kiến nghị, đang giao cho Huyện Đoàn Thanh Chương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để trình các cấp xem xét xây dựng một số công trình tưởng niệm. (Anh Nguyễn Đình Hùng, UV BCH T.Ư Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An)

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy huyện Thanh Chương ngậm ngùi cho tôi hay sự kiện ở Thanh Chương sập cống Hiệp Hòa có lẽ giờ chỉ còn những người trong cuộc hay thân nhân của 98 thanh niên đã tử nạn là còn nhớ đến.

Ông Đặng Anh Dũng vẫn nhớ rõ vì em gái mình đã từng thoát chết trong gang tấc ở cống Hiệp Hòa và xã Cát Văn quê ông có tới 37 thanh niên vĩnh viễn lấp tuổi thanh xuân của mình trong bùn đất.

Những năm sau đó, Tết đến không ai nỡ đốt pháo và cho đến bây giờ ở xã Cát Văn ngày sập cống Hiệp Hòa trở thành ngày giỗ chung của nhiều gia đình. Ngày ấy, xã Cát Văn thiệt hại nặng nhất nên tỉnh đầu tư cho một trạm bơm “đền ơn đáp nghĩa”. Lực lượng thực hiện trạm bơm ấy vẫn là thanh niên tình nguyện và một đoàn viên đã chết khi đang thi công. Rú Đụn lại thêm một ngôi mộ mới.

Sau khi những thanh niên ấy mất đi, gia đình họ chỉ nhận được trợ cấp 360.000 đồng/tháng theo chế độ 202. Ông Nguyễn Đức Thị, người có con ruột và cháu ruột chết trong vụ sập cống Hiệp Hòa giọng trĩu buồn: “Chế độ 202 là dành cho người tàn tật, cô đơn, quả phụ. Tại sao tôi lại nằm trong diện này?”.

Ông Thị nâng tấm bằng ghi công đã bị thời gian làm cho hoai mục, nhưng tôi vẫn nhìn rõ những dòng này: “Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh ghi công đồng chí Nguyễn Thị Tài, quê quán xã Cát Văn, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ Tĩnh đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh…”

Ông Thị cay đắng: “Bằng ghi công của tỉnh đã dùng từ hy sinh đối với những thanh niên tử nạn trong vụ sập cống Hiệp Hòa. Đã là hy sinh thì con cháu tôi phải được công nhận liệt sỹ, tại sao tôi lại hưởng chế độ dành cho người tàn tật, cô đơn, quả phụ?”

Xứng danh liệt sỹ

Ông Hồ Như Hồng – Trưởng ban công trình hoàn thiện hệ thống Đô Lương năm 1978, người đã chịu trách nhiệm trong vụ sập cống Hiệp Hòa nhớ lại: “Sau khi 98 thanh niên tử nạn, tôi được biết lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh có bàn là có công nhận họ là liệt sỹ và có đưa vào nghĩa trang liệt sỹ hay không. Nhưng rồi sau đó tôi không thấy nhắc đến nữa. Tôi nghĩ rằng làm công trình thủy lợi đầy khó khăn, nguy hiểm cũng như một cuộc chiến chống đói nghèo cho quê hương và đã có mất mát hy sinh, những người thanh niên ấy xứng đáng được công nhận là liệt sỹ”.

Miếu nhỏ hiu quạnh bên núi mà Cụm quản lý thủy nông Hiệp Hòa dựng lên để thắp hương 98 thanh niên đã hy sinh khi xây dựng cống Hiệp Hòa
Miếu nhỏ hiu quạnh bên núi mà Cụm quản lý thủy nông Hiệp Hòa dựng lên để thắp hương 98 thanh niên đã hy sinh khi xây dựng cống Hiệp Hòa.

Thầy giáo Phạm Bá Tiến nói: “Có xã như xã Thanh Liên đã đưa các anh chị tử nạn vào nghĩa trang liệt sỹ xã. Xã Phong Thịnh đã mai táng các anh chị ở phía sau UBND xã, nghĩ rằng họ sẽ được công nhận liệt sỹ. Nhưng họ đã không được công nhận liệt sỹ. Ở Thanh Liên, người ta phải dời hài mộ con em mình về nghĩa trang khác”.

Ông Gian Tư Ngộ - Chủ tịch xã Cát Văn cho hay: “Đã có lúc chính quyền địa phương muốn quy tập mộ của những người đã tử nạn trong vụ sập cống vào nghĩa trang liệt sỹ xã, nhưng có nhiều ý kiến khác nhau nên đành thôi”.

Ông Phan Văn Hợi – nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng quê hương, lặng nhìn về phía xa xăm: “Cứ nghĩ về những đội viên của mình tôi không khỏi bùi ngùi vì họ lao động trên công trường XHCN, hy sinh mà chưa được công nhận liệt sỹ, thậm chí một nhà bia tưởng niệm cũng chẳng có. Những công trình lớn như thủy điện Hòa Bình đều có nhà bia tưởng niệm, tại sao cống Hiệp Hòa lại không?”.

Tôi nhớ lời ông Nguyễn Hoàng Thông (xóm 7) xã Cát Văn, có con gái và người thân đã nhận giấy báo thi đại học, nhưng chưa kịp đi đã tử nạn ở cống Hiệp Hòa: “Ngày lễ tết muốn lên Hiệp Hòa thắp nén hương cho vong hồn con, cháu cũng không biết thắp vào đâu, chứ nói gì đến chế độ liệt sỹ”.

Ông Nguyễn Hữu Miệu – nguyên trưởng công an huyện Thanh Chương bày tỏ: “Nhiều cán bộ lão thành từng kiến nghị phải xây dựng công trình tưởng niệm ghi danh những thanh niên đã mất trong vụ sập cống, nhưng không hiểu sao chẳng có hồi âm?”.

Sao không có hồi âm? Cho đến hôm nay, công trình thủy lợi cống Hiệp Hòa đang phát huy tác dụng to lớn, tưới tiêu cho những cánh đồng Diễn – Yên – Quỳnh. Ông Đặng Anh Dũng, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Thanh Chương cảm khái: “Trong hạt gạo ta ăn hôm nay, có một phần xương thịt của họ! Bi hùng và đớn đau”.

Nhưng vì sao ngay cả một tấm biển ghi tên những người đã mất, mộc mạc, đơn sơ thôi cũng chẳng có, nói gì đến tượng đồng, bia đá?

Ông Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch huyện Đô Lương khẳng định: “Sự kiện xẩy ra đã hơn 30 năm, bây giờ không bàn đúng sai nữa. Tri ân dù muộn còn hơn vô ơn. Bây giờ lập bia tưởng niệm cần phải có một cơ quan nhà nước đứng ra làm chủ sự, huyện Đô Lương sẽ phối hợp tích cực và chịu trách nhiệm về mặt bằng”.

Ông Đặng Anh Dũng cho rằng, nên lấy ngày truyền thống thanh niên xung phong để tưởng niệm những đoàn viên thanh niên tình nguyện đã hy sinh khi đang xây cống Hiệp Hòa và xây đài tưởng niệm họ.

Chị Nguyễn Thị Nhớ thắp hương cho những linh hồn đang bị lãng quên
Chị Nguyễn Thị Nhớ thắp hương cho những linh hồn đang bị lãng quên.

Thời gian đã lùi xa nhưng sự lãng quên cũng không thể trùm phủ kín cống Hiệp Hòa. Người dân vẫn nhớ, vẫn tri ân, vẫn đắng đót nỗi niềm về 98 thanh niên ngày ấy. Khi đi thực tế, tìm tư liệu viết loạt bài này, tôi cảm nhận tượng đài của họ đã được tạc vào lòng người dân xứ Nghệ. Nhưng, khiêm nhường thôi, cần một tấm biển ghi công ở nơi họ đã ngã xuống và ít ra, tùng tiệm lắm cũng phải có một nơi trang trọng để người dân đến viếng có chỗ khói hương, chứ không phải là cái miếu bé xíu nằm khuất trong núi. Làm việc ấy, cho người đã ngã xuống và trên hết cho lớp lớp thanh niên đang hiến dâng sức trẻ tình nguyện khắp mọi miền đất nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG