Ai thao túng đất nông lâm trường?

Minh họa của Khều.
Minh họa của Khều.
TP - Cả nước có gần 8 triệu ha đất nông lâm trường (NLT), nhưng chỉ nộp ngân sách 180 tỷ đồng/năm (bằng một nhà máy cỡ vừa). Ngân sách nhà nước thất thu, vậy lợi tức từ đất NLT đã bị ai thâu tóm? Các doanh nghiệp NLT thực sự tồn tại để làm gì? PV Tiền Phong đi tìm câu trả lời này.

Bài 1: Mảng màu sáng, tối

Bức tranh quản lý đất NLT tại huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An-nơi có khoảng 70.000 ha đất NLT) dường như chia thành 2 mảng sáng-tối. Trong khi người dân chật vật với mảnh đất mưu sinh  thì dường như có hiện tượng những khoảng rừng NLT rơi vào tay quan chức…

Xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) là điểm nóng về tranh chấp giữa người dân và NLT nhiều năm qua. Câu chuyện bắt nguồn từ cách quản lý đất NLT.

Ăn chặn của dân

Giữa các khoảnh rừng tốt là những mái nhà đơn sơ. Ngày nắng, ô tô gầm cao vào còn khó, ngày mưa, coi như họ bị biệt lập.

Ông Nguyễn Bá Hải-Trưởng thôn Hợp Thành, xã Tam Hợp cho hay: Nhiều năm, ông cùng các hộ dân ngược xuôi để đòi tỷ lệ ăn chia sản phẩm rừng của chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Quyết định 327 của Chính phủ với Lâm trường Đồng Hợp. Lâm trường có đất, dân có sức. Thế nhưng theo ông, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thông tin của người dân,  lâm trường chia phần như bố thí.

Lâm trường Đồng Hợp mới đầu chia cho người dân được giao khoán đất trồng 10%. Nhiều người dân xã Tam Hợp thấy không thể tin nổi khi mình là người trực tiếp sản xuất, nhưng lại được trả công ít ỏi. Ông Hải thay mặt những người dân nghèo tự nghiên cứu chính sách và bắt đầu hành trình đi đòi quyền lợi. 

Đòi mãi qua các cấp chính quyền, tỷ lệ chia được nâng lên 25% và cuối cùng lên mức hơn 60%. Tuy nhiên, dù có được mức hơn 60%, chắc chắn người dân vẫn còn thua thiệt do còn phụ thuộc vào việc định giá trị mỗi hécta đất NLT của chính “ông chủ”. Ông Hải nói: “Người dân trồng cây có thể thu được 150 triệu đồng/ha/năm trong khi lâm trường báo doanh thu chỉ 50 triệu đồng/ha. Chúng tôi vẫn thấy chưa minh bạch, tiếc cho đất”.

Việc thu hồi đất của NLT thực tế hết sức khó khăn. Cũng tại Quỳ Hợp, hồ chứa nước bản Mồng (trị giá gần 4.500 tỷ đồng) là trường hợp phức tạp nhiều năm. Dân không chịu giao đất, đưa quan tài ra ngã ba đường, ra điều kiện với chính quyền. Bí thư huyện Quỳ Hợp Võ Thị Minh Sinh từng nhiều lần vào gặp dân thuyết phục với lời hứa sẽ đổi cho người dân một diện tích tương đương để sản xuất.

Dân chấp nhận giao đất; tuy nhiên, công cuộc tìm được đất để đổi cho dân không dễ dàng. “Hầu hết đất của NLT đã được giao khoán; giờ ai chịu bỏ đất ra? Lấy của người này lại phải kiếm đất khác để đổi thành ra vòng luẩn quẩn, không lối thoát” - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Quỳ Hợp Lê Sỹ Hào nói. Quỳ Hợp đang gặp khó khăn tương tự tại dự án làm bãi xử lý rác thải.

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng ký quyết định thu hồi hơn 5 hécta đất của NLT Quỳ Hợp. Khi triển khai, diện tích đất đó lại có nhiều gia đình đã gắn liền với đất hàng chục năm qua. Huyện lại xin tỉnh cơ chế đất đổi cho dân (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền đã ký văn bản đồng ý). Nhưng hầu hết đất lâm trường đã được giao khoán.

Những dấu hỏi về cán bộ “địa chủ”

Gia đình bà Hoàng Thị Quế đến bản Thung Khẳng (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) làm kinh tế từ năm 1993. Cả nhà có 8 sào vườn nhận thầu của lâm trường với tỷ lệ 49/51 (người làm hưởng 49%, lâm trường hưởng 51%). Nhà 5 miệng ăn, đất hẹp không nuôi nổi người, phải làm thuê, trông nom đất rừng cho người khác.

Ai thao túng đất nông lâm trường? ảnh 1

Trưởng thôn Hải - người đòi quyền lợi từ lâm trường.

Chỉ vào khu đất ngút tầm mắt cạnh nhà, bà Quế nói đó là đất rừng của các lãnh đạo huyện chung nhau làm trang trại. “Cả khu này có diện tích khoảng 4 ha. Hàng tuần các ông ấy xuống thăm nom và trả tiền công cho tôi” - bà Quế nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người thường đến thăm nom trang trại, trả tiền cho bà Quế là ông Phan Đình Đạt - Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, ông Vũ Quang Minh cán bộ công tác tại Trường Chính trị huyện Quỳ Hợp.

 Người đứng tên chính thức thửa rừng này là ông Nguyễn Văn Hiền, lái xe của Huyện ủy Quỳ Hợp. Khi được hỏi về những khoảng rừng trù phú, Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp xác nhận: “Tôi có hợp tác với ông Minh, ông Hiền cùng nhau trồng cam trên diện tích hơn 4 ha ở Thung Khẳng (Thọ Hợp). Đây là đất của bố anh Hiền canh tác chứ không phải đất của nông lâm trường. Hiện nay chúng tôi đang trồng lứa cam đầu tiên và thuê bà Quế trông nom”.

Tại bản Nát (xã Châu Cường, Quỳ Hợp), chúng tôi được người dân ở đây cho biết, đất của cán bộ huyện khá nhiều. Chỉ vào mảnh đất đẹp gần con suối, chị Hồng, một người dân ở đây cho hay: “Khoảng 6 ha rừng đó là của ông Tùng (chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - PV). 

Tuần nào ông ấy cũng đánh ô tô xe vào đây để thăm nom. Rừng keo này mới bán, đang trồng đợt mới”. Tại bản Huổi Trục (xã Châu Cường), người dân cho biết, gia đình nguyên Bí thư huyện ủy Quỳ Hợp cũng có nhiều hécta rừng, đang thuê người phát cỏ.

Để làm rõ sự việc, chúng tôi liên lạc với ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Lâm trường Quỳ Hợp. Qua điện thoại, ông Hải tuyên bố: “Không có việc gì không thể công khai”. Tuy nhiên, về tận nơi, nhiều lần thuyết phục, ông này viện lý do hồ sơ không còn lưu trữ để từ chối. Ông Hải thừa nhận một số lãnh đạo NLT nhận khoán với diện tích lớn (cá nhân ông Hải thừa nhận có nhận khoán “vài ba” hécta).

Trả lời câu hỏi vì sao giao khoán diện tích đất cho những cán bộ, đơn vị không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trong đó có cả đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An, ông Hồ Đình Thế - GĐ Cty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu (quản lý hơn 50% đất NLT của tỉnh Nghệ An) cho hay: Trước đây, Nhà nước không cấm giao đất cho các tổ chức, cá nhân không trực tiếp đất nông nghiệp nên công ty có giao khoán cho lực lượng Cảnh sát 113 của tỉnh Nghệ An trên địa bàn (được biết, đơn vị này từng gác cửa rừng - PV). Vừa qua, khi Chính phủ ra quy định, công ty đã thanh lý hợp đồng này.

Khi đề cập tới việc là quan chức đầu huyện, có thể nhận nhiều ưu đãi, ông Nguyễn Đình Tùng-Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (nguyên là Trưởng phòng TNMT huyện) cho biết: Năm 2009, kinh tế gia đình khó khăn, có nhận mua lại 4 ha của một hộ tại bản Nát (xã Châu Cường). Ông Tùng nói năm 2015 đã bán cho một người khác và không kê khai tài sản. 

Tuy vậy, trong nhiều ngày có mặt tại Quỳ Hợp, nhóm PV thường thấy một chiếc xe bán tải qua lại chăm “rừng ông Tùng”. Tìm hiểu chủ nhân chiếc xe này và trực tiếp hỏi (được biết đây là một doanh nghiệp chuyên trồng rừng và làm công trình trên địa bàn), vị này nói: “Doanh nghiệp đang trồng khoảng 70 ha rừng tại huyện Quỳ Hợp. Hiện công ty đang làm kế hoạch để trồng thêm trên đất rừng của ông Tùng - Chủ tịch huyện Quỳ Hợp ở xã Châu Cường và của ông Hải (GĐ Lâm trường Quỳ Hợp)”. Tuy vậy, trao đổi gần nhất với Tiền Phong, Chủ tịch Tùng “thề” không sở hữu mảnh rừng nào nữa.

_______________

(Còn nữa)

100% không nộp tiền thuê đất

Cuối năm 2013, Thanh tra tỉnh Nghệ An thanh tra 21 NLT trên địa bàn, cho thấy: 100% các đơn vị sai phạm về đất đai trên tổng số diện tích hơn 28,4 nghìn ha (chiếm 40% diện tích đất đang sử dụng). Đặc biệt, tất cả các đơn vị đều chưa trả tiền thuê đất theo quy định.


MỚI - NÓNG