Ai vun đắp cho tương lai người lao động?

Ai vun đắp cho tương lai người lao động?
TP - Trên cả nước, hiện các doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trên  4.300 tỷ đồng. Con số này được đưa ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra mới đây tại Đà Nẵng.

Thông số thật đáng để suy nghĩ, xét trên góc độ quyền và lợi ích của người lao động, đã được pháp luật Nhà nước ta quy định.  Hơn 4,3 ngàn tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp sẽ tương đương với hàng vạn người lao động không được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Đã đề ra quy định, thì phải có chế tài xử lý hành vi vi phạm. Nếu chế tài còn thiếu, ít nhất chúng ta còn có Bộ luật Dân sự và hệ thống tòa án dân sự.

Không khoanh tay trước cảnh quyền lợi của người lao động bị xâm hại, Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đã khởi kiện 4 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, ra trước tòa án. Như vậy, Đà Nẵng là địa phương thứ năm (sau TPHCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu) cương quyết nhờ đến tòa án xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động.

Nhiều người cho rằng với chức năng đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trên địa bàn, Liên đoàn lao động các cấp cũng cần đứng ra khởi kiện các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Nếu tổ chức này chỉ vận động, thuyết phục, lập biên bản để các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, rồi dừng lại ở đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ luôn phải làm việc với những doanh nghiệp nợ đọng.

Một cán bộ Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng khẳng định: Nếu Liên đoàn lao động muốn thu thập hồ sơ, chứng cứ vi phạm của doanh nghiệp, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp tài liệu đủ giá trị pháp lý để nộp cho tòa, về việc chậm đóng,  trốn đóng và nhiều hình thức vi phạm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; vấn đề là Liên đoàn lao động các cấp có sẵn sàng làm việc này không.

Cũng tại Đà Nẵng, câu chuyện mức thưởng Tết có sự chênh lệch, hơn 148 triệu đồng và 71 ngàn đồng, vẫn đang râm ran. Ai sẽ nhận những mức tiền thưởng ít nhất? Đó chính là những công nhân trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm thiết yếu của xã hội.

Người lao động bao giờ cũng ước muốn một cách giản dị. Họ muốn một tương lai không bấp bênh, có tích luỹ. Một tương lai có sự đảm bảo từ chính mồ hôi nước mắt của họ gom góp từ hôm nay.

Ước muốn ấy, không nên để một mình cơ quan bảo hiểm xã hội vun đắp, đấu tranh, để buộc nó phải trở thành hiện thực.

MỚI - NÓNG