Ám ảnh đất lở sông Gianh

Ông Mạnh ngao ngán ngồi nhìn từng mảng bê tông đang chờ lao tuột xuống sông
Ông Mạnh ngao ngán ngồi nhìn từng mảng bê tông đang chờ lao tuột xuống sông
TP - Sông Gianh ngày càng hung hãn và cực đoan đến lạ thường, là cảm nhận chung của hàng vạn cư dân đang sống dọc con sông ở Quảng Bình này. Nhiều hộ gia đình đã bị vùi xuống lòng sông. Nhiều người dân không ruộng vườn phải kéo nhau đi làm ăn xa.

>> Bài 4: Thiên tai chồng nhân tai

Ông Mạnh ngao ngán ngồi nhìn từng mảng bê tông đang chờ lao tuột xuống sông
Ông Mạnh ngao ngán ngồi nhìn từng mảng bê tông đang chờ lao tuột xuống sông.


Bên miệng thủy thần

Bà Mai Thị Thảo - cư dân của thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa, Tuyên Hóa nhớ lại: “Trước, bờ sông Gianh cách nhà tôi gần 20m. Năm xảy ra cơn lũ lịch sử 2007, sau mấy ngày mưa như xối nước, ở mép làng xuất hiện một vệt nứt chừng 1 gang tay, sâu hoắm.

Tính từ vệt nứt ra đến bờ sông hơn 10m, kéo dài từ đầu làng đến cuối làng chừng mấy trăm mét. Trong một đêm bỗng nghe rầm một tiếng, nhà cửa rung lên bần bật, mọi người bỏ chạy tán loạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Định thần nhìn lại, thì mép sông Gianh đã nằm cạnh hiên nhà”.

Vụ sạt lở này không chỉ lấy đi của Kinh Trừng hơn 1ha đất, mà toàn bộ thuyền bè (phương tiện làm ăn) và lồng cá của người dân đã bị hàng vạn m3 đất đè lên, vùi xuống đáy sông. Kinh Trừng gần như trắng tay, hơn chục hộ gia đình nằm ngay bên mép bờ sông lở sâu hơn chục mét. Từ đó đến nay, mặc dù không xảy ra những vụ sạt lở lớn, nhưng hằng ngày, sông Gianh vẫn cần mẫn gặm nhấm đất của làng.

Tỉnh Quảng Bình và huyện Tuyên Hóa đã lập một khu tái định cư mới cho toàn bộ thôn Kinh Trừng nhưng chỉ mới có 5 hộ gia đình chấp nhận di dời, số còn lại vẫn sống bên bờ sông lở.

Giải thích về việc này, bà Phan Thị Thương (46 tuổi) cho biết: “Nói thiệt với chú, ở đây sống chết khi mô không biết, nhưng không thể đi nơi khác được. Kinh phí hỗ trợ di dời của Nhà nước quá ít, trong lúc cả làng ni nghèo, làm không đủ ăn thì lấy chi mà làm nhà mới. Với lại, lâu nay bọn tui quen nghề sông nước, kiếm sống nhờ khúc sông này, giờ mà đi nơi khác, không ruộng, không vườn thì lấy chi mà ăn”.

Không chỉ gây sạt lở ở những bờ sông đất, mà ngay cả những nơi kè kiên cố đã được xây vẫn không thể chống chọi với sự hung hãn của sông Gianh. Đường liên thôn của xã Thạch Hóa, đoạn qua thôn Đảm Thủy 2 được bê tông và kè kiên cố nhưng vẫn bị sông Gianh ngoạm đứt từng đoạn khiến giao thông bị ngưng trệ mấy năm nay.

Ông Hoàng Văn Mạnh, có nhà ngay cạnh đoạn đường bị sạt lở nói: “Không ai nghĩ cả con đường như ri mà cũng bị nước cuốn trôi. Mỗi lúc mưa gió, đêm nằm cứ lo ngay ngáy, nhà cửa trôi tuột xuống sông lúc mô không biết”.

Ở đây, lúc mưa xuống, lũ lụt về dân lại phải dắt díu nhau đi tá túc nơi khác, chỉ để lại một, hai người trông nhà và lồng cá.

Phải mất gần trăm năm để khắc phục

Những cù lao xanh giữa dòng Gianh mà người địa phương thường gọi là cồn nổi có thể nói là nét đặc sắc nhất của con sông chứa trong mình nhiều huyền thoại này. Chỉ một khúc sông khoảng 10km, đoạn qua huyện Quảng Trạch, trước khi đổ ra biển, những hạt phù sa đã kịp lắng lại và hình thành nên hơn 10 cồn nổi ngay giữa lòng sông.

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch xã Quảng Hải cho biết: “Ông cha ta từng nói, đất bồi thì ở, đất lở thì đi! Người dân Quảng Hải đang phải trải qua kiếp nạn này. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng xâm thực đã lấy đi hàng chục ha đất của xã, nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở vài ba lần mà vẫn chưa yên. Chu vi của xã gần 10km thì cả 10km đang bị sông Gianh tấn công. Nhà nước và nhân dân cũng đã đầu tư một số đoạn kè hiểm yếu nhưng do không đồng bộ nên cứ mỗi trận lụt về là từng mảng bê tông bị trôi tuột xuống sông”.

Xã Quảng Hải hiện có hơn 600 hộ và khoảng 3.000 nhân khẩu. Dân xưa nay chủ yếu làm nghề nông. Đất đai ngày một hao hụt, hàng trăm hộ gia đình đã phải chuyển nghề hoặc phiêu bạt làm ăn ở miền Nam. Nếu không có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở thì không lâu nữa, Quảng Hải sẽ bị chìm xuống lòng Gianh”- Ông Thiện lo lắng.

Theo thống kê của huyện Quảng Trạch, hiện 10 cồn nổi trên sông Gianh phải đối mặt với hiện tượng xâm thực. Tình trạng xói lở đã đến hồi báo động đỏ. Những Cồn Nâm, Cồn Ngựa, Cồn Quan, Cồn Niệt,... cũng đang dần biến mất, cư dân làng nổi đang chìm dần giữa lòng sông Gianh.

Thống kê của Chi cục thủy lợi và PCLB Quảng Bình, hiện toàn tỉnh Quảng Bình có gần 100km bờ sông bị sạt lở. Trong đó có gần 35km bị sạt lở nặng không có biện pháp khắc phục, phương án duy nhất hiện nay là di dời dân đến nơi ở mới. Tình trạng sạt lở nặng nhất là dọc sông Gianh, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Diện tích đất bị nước cuốn trôi hơn 60 ha mỗi năm, cả ngàn hộ dân đang cần được di dời đến nơi ở an toàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB Quảng Bình, việc chặt phá rừng đầu nguồn tràn lan, nạn khai thác cát sạn không theo quy hoạch trên các lòng sông và thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây nên sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Ông Giai thông tin: “Để làm kè chống xói lở trên các bờ sông ở Quảng Bình như hiện nay phải mất 1.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn của Nhà nước đầu tư mỗi năm 10 tỷ đồng, thì phải mất gần 100 năm nữa Quảng Bình mới có thể khắc phục được tình trạng sạt lở”.

MỚI - NÓNG