Ăn bánh, người đau bụng, cá chết

Ăn bánh, người đau bụng, cá chết
TP - Theo truyền thống, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, người dân xã Gia Cát (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) lại làm bánh rợm, bánh ngải, bánh gai để cúng tổ tiên. Nhưng năm nay, loại bánh đặc sản này bỗng nhiên nấu không chín, hoặc nhão nhoét, ăn thử thì bị đau bụng, đổ cho cá, gà ăn thì chúng lăn ra chết.

Ông Thi Văn Thọ, thôn Bắc Đông, xã Gia Cát bức xúc kể, cận ngày rằm, ông đến chợ trung tâm Gia Cát mua hai cân đường phên, năm cân gạo ngon để làm bánh rợm. Khi nấu, dù mất nhiều thời gian song chiếc bánh cảm giác không chín, khi bóc lá, chiếc bánh nhão nhoét. Con ông thấy vậy, ăn thử liền bị đau bụng quằn quại. Tiếc của, đem đổ bánh xuống ao cho cá ăn thì chỉ vài tiếng sau, cá chết phơi trắng bụng.

Trong thôn An Sinh 2, có chín nhà làm bánh thì tất cả đều bị tương tự. Bà Đặng Thị Kiều, cho biết: “Chiếc bánh năm nay như bị ma ám. Người khỏe, ăn bánh như bị say sóng, đổ bánh cho gà ăn, ngày hôm sau cả gà mẹ và đàn gà con lăn ra chết. Bà con hoang mang, đi tìm nguyên nhân, thì phát hiện những tấm đường phên năm nay nấu sôi đường không sủi bọt vàng, có mùi khác lạ. Đổ xuống nền đất kiến không bâu vào".

Bí thư Đảng ủy xã Gia cát, ông Hoàng Văn Đồng cho biết, khi nhận được thông tin, cán bộ xã đã xuống tận nơi để kiểm tra, tuyên truyền cho bà con không ăn loại bánh có hiện tượng lạ này.

Cả xã chỉ có bốn người nếm bánh bị đau bụng, song thiệt hại vật chất gần hai tỷ đồng tiền nguyên liệu, chưa kể thiệt hại về cá, gia súc, gia cầm. Hàng trăm hộ dân trong xã cho biết, đã mua đường ở chợ Gia Cát do một người chở từ biên giới về bán lẻ và giao cho một số quầy bán sỉ ở Tân Liên - Gia Cát. Một số người quen các cửa hàng này đã mang bánh đến cửa hàng đường để bắt đền.

Theo ông Đồng có thể số đường phên này được pha với đường hóa học với tỷ lệ lớn nên khi dân ăn bị ngộ độc. Dù thế, đến nay vẫn chẳng thấy cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh xuống xem xét, giải quyết, khiến dân hoang mang, lo lắng, nhất là dịp Tết Trung Thu sắp cận kề.

MỚI - NÓNG