Ăn, chơi ngày Tết

Ăn, chơi ngày Tết
TP- Trước Tết, ông bạn gọi điện hỏi: Tết này có định đưa vợ con đi chơi đâu không? Chưa biết nói thế nào, ông ấy nhanh nhảu khoe: Tôi sẽ đưa cả nhà đi Tây!... Ắng đi vài giây rồi khùng khục cười: Đi Tây Bắc! Chơi cái Tết miền núi.
Ăn, chơi ngày Tết ảnh 1

Tít trong Vũng Tàu, nghe giọng hào hứng của bạn, trong đầu thấy hiện ra miên man cả một rừng hoa đào hoa ban, những nếp váy thổ cẩm hoa văn sặc sỡ, chợ tình thơ mộng, tiếng khèn gọi bạn trong vắt như suối mùa xuân của anh trai Mèo...

Lại sực nhớ: Tết năm ngoái năm kia, đã có lúc thoáng nghĩ đến việc đưa vợ con đi ăn Tết ở một nơi nào đó. Nói chuyện với mọi người, hóa ra khối anh cũng có ý nghĩ giống như mình. Ai cũng bắt đầu thấy mệt mỏi, phiền phức vì những thói quen, tục lệ tết nhất đã thành nếp từ bao lâu nay. Nhưng để "hạn chế" chúng, thoát ra khỏi chúng như thế nào thì mỗi người mỗi cách.

Cái mệt đầu tiên phải kể đến là chuyện ăn - ăn Tết. "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết". Nhà nghèo lo kiểu nhà nghèo, nhà giàu lo kiểu nhà giàu. Lắm khi ăn không đáng là bao, nhưng tiền bạc, nhất là tâm sức, đầu tư vào chuyện đó không phải nhỏ. Mua gạo mua thịt, mua đỗ mua lá dong về gói lấy bánh chưng, hay ra đặt quách ngoài phố?

Bánh đặt đúng ngày đúng giờ có người mang đến tận nhà, nhưng ruột gan bên trong thế nào, phải đợi thắp hương xong mới biết. Mấy năm nay nghe nói còn có "chiêu" luộc bánh bằng pin đèn, vừa xanh lá vừa nhanh dừ, ăn bánh là ăn mầm họa. Vậy thì chịu khó gói lấy.

Tết năm nay có đứa cháu gái lên hai tuổi, ông bà cũng muốn một cái Tết thật "bản sắc", thật "ấn tượng" cho bé con.

Tấm bánh chưng âm ấm thơm phức do chính tay ông bà gói, ông bà mừng tuổi, biết đâu chẳng còn theo nó suốt cả cuộc đời… Thói thường đã bày biện vẽ vời ra thì phải cố mà tiêu thụ. Trai trẻ sức vóc không nói làm gì; có tuổi như mình, một ly rượu mạnh, một góc bánh chưng đã ngắc ngứ.

Rồi năm mới đến nhà người ta, chả lẽ chủ mời cái gì cũng từ chối? Không ăn còn được, chứ không uống là... không giống ai! Nhà này một ly, nhà kia một ly, chả mấy nỗi đầu váng mắt hoa, ly rượu mừng xuân còn đâu ý vị nên thơ của nó nữa? Ít tiền, mệt đã đành. Có tiền, vẫn mệt. Mệt vì ăn, lại mệt hơn nữa vì phí phạm.

Lo ăn xong đến lo khách. Vừa phải tiếp khách, vừa phải làm khách. Ngày Tết anh em ruột thịt, bạn bè thân thiết đến nhà nhau thăm hỏi chúc tụng là chuyện thường. Nhưng những người quanh năm chẳng thấy mặt, quan hệ rất lơ thơ, thậm chí còn chả muốn nhìn, mà cũng véo von tay bắt mặt mừng chúc nhau năm mới ngon lành bằng năm bằng mười năm ngoái thì không thể coi là bình thường được.

Rồi người ta đến nhà mình, mình phải lo đến nhà họ đáp lễ. Vẫn nét mặt, nụ cười, những câu chúc ấy, ly rượu lon bia ấy, ớn đến mang tai phải cố tươi tỉnh, rạng rỡ, rộn ràng như chuông như pháo.

Gặp ở nhà vừa xong, lại đụng nhau ở nhà khác, lại thắm thiết chào hỏi, hể hả cụng ly... Cứ thế, ba ngày Tết quay đi quay lại toàn thấy lo tiếp khách với đi làm khách.

Đi nhiều, khách đến nhà nhiều, tất kèm theo một "tiểu tiết" không được phép quên, đó là tiền lì xì cho trẻ. Tiền lì xì phải chuẩn bị từ trước Tết ít hôm, thường là tiền nhỏ, nhưng cái mức chuẩn của nó cũng "trượt giá", cũng tăng lên theo từng năm (như tiền mừng đám cưới). Và nói chung phải là tiền mới.

Trước Tết lo thủ sẵn một ít tiền mới, ai đi làm nhà nước thì nhờ thủ qũy cơ quan đến kho bạc đổi hộ. Cần loại 10 nghìn, 20 nghìn mà chỉ đổi được loại 50 nghìn là... nhăn mặt rồi! Lại còn phải tùy vào từng "đối tượng" lì xì để chia tiền ra cho vào các phong bao, chẳng hạn loại phong bao "đại trà" này là tiền 20 nghìn, loại "ưu tiên" này 50 nghìn, "bông sen vàng bông sen bạc" thì 100 nghìn, 500 nghìn, một triệu v.v...

Làm thế nào để đừng đưa nhầm. Làm thế nào để chồng đưa rồi, vợ đừng đưa thêm lần nữa! Thế là cái phong tục ông bà cha mẹ mừng tuổi cho con cho cháu ngày đầu năm bằng đồng tiền mới (thường là rất nhỏ) lấy may, lấy vui, đã nhuốm mùi tục lụy, mùi "thị trường", mất sạch ý nghĩa đẹp đẽ, thiêng liêng từ khi nào.

Một cái mệt âm ỉ khác, "nếu không nói ra thì chẳng ai biết", tiêu tốn của người ta cả tiền bạc lẫn thần kinh: Mệt vì lo đi tết cấp trên. Cán bộ, nhân viên nhà nước, các doanh nhân, dân thường, học trò..., ai cũng có "cấp trên" của mình cả.

Một chỗ làm, một bậc lương, một cái "ghế", sự yên ổn để làm ăn buôn bán, sự dễ dãi trong học hành thi cử... tất tật đều là mục đích, là lý do để cầu cạnh, tri ân.

Trong năm có thể đã làm rồi, nhưng Tết đến vẫn là cơ hội thuận tiện để tiến hành việc đó một cách "hiệu quả". Nhân chuyện đi tết, xin được kể hầu bạn đọc một câu chuyện vui: Một lần người viết bài này được cơ quan cử đi tết một sếp lớn trong tỉnh. Cần nói thêm việc này trước đó chưa từng xảy ra,  năm ấy chẳng biết ai "tham mưu" bùi tai thế nào nên cơ quan quyết định... thực hiện!

Quà tết có chai rượu Tây thuộc hạng trung bình khá. Rượu bỏ túi xách, kèm thêm tấm thiệp chúc Tết đút trong phong bì bày bán đại trà ngoài đường. Người biếu ngài ngại, còn người được biếu thì là lạ (lạ vì lần đầu tiên cơ quan này đến nhà biếu quà Tết).

Lạ nên... cảnh giác! Lúc đưa chiếc túi ra, sếp nghiêm mặt, chả nói chả rằng, chai rượu thì nhận, nhưng rút phắt chiếc phong bì đưa trả.

Hành động kiên quyết, như biết chắc trong đó có gì. Nhưng cũng chính vì thế mà ông... bé cái nhầm! Khốn khổ, cái phong bì này đâu có giống như hàng chục hàng trăm cái phong bì khác.

Để xí xóa nỗi ngượng cho cả đôi bên, kẻ đi tết vội vàng làm bộ giả lả: "Yên tâm đi bố, trong đó chỉ có nhõn một cái thiệp chúc mừng năm mới thôi"!

Mấy tết vừa rồi nhiều nhà khóa cửa đi đón xuân ở Mũi Né, Đà Lạt, Hội An... Và có những gia đình sang chơi Tây thật, chứ không chỉ xê dịch mini từ Hà Nội lên Tây Bắc như ông bạn tôi. Đấy là những gia đình có điều kiện.

Những người chưa có điều kiện thì tự động bớt  đến nhà nhau. Nạn quà cáp biếu xén cấp trên chắc vẫn còn, nhưng đã dần dần "rút vào bí mật".

Thôi thế cũng tạm được, biết xấu hổ thì sẽ biết từ bỏ. Đời sống hiện đại không chấp nhận những thứ râu ria hoa hòe hoa sói, đã không bổ béo lại còn mất thì giờ, có hại cho tinh thần, sức khỏe lẫn túi tiền.

Bản sắc hay truyền thống không phải là những thứ bất biến. Cái gì thực sự là hồn vía dân tộc, chúng ta không giữ thì nó vẫn trường tồn. Cái gì không cần thiết, lạc hậu, hủ lậu, cố giữ cũng không giữ nổi. Luôn luôn là thế, tất cả mọi điều, chứ chả riêng gì chuyện ăn Tết chơi Tết.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.