Ăn chơi xa xỉ sẽ chịu thuế cao

Ăn chơi xa xỉ sẽ chịu thuế cao
TP - Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt TTĐB đang được Bộ Tài chính xây dựng, từ 1/7/2015, việc nâng và bổ sung thuế TTĐB với nhiều loại hình ăn chơi như karaoke, massage, casino, thuốc lá… sẽ giúp ngân sách thu được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Muốn sang trọng, nộp thuế cao

Theo dự thảo, các loại nước ngọt có ga không cồn, kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả có thưởng thông qua nhắn tin sẽ được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB. Việc áp thuế cũng được thực hiện đối với một số loại hình dịch vụ như kinh doanh golf, casino, kinh doanh vũ trường, massage, karaoke...

Riêng với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, sẽ áp dụng mức thuế TTĐB 75% tính từ 1/7/2015 đến hết 31/12/2017. Từ 1/1/2018 thuế sẽ tăng thêm 10% lên 85%. Với mặt hàng rượu, bia, thuế suất cũng được tăng thêm 10% so với trước đây. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên áp thuế 65%, rượu dưới 20 độ là 35%. Thuế suất đối với bia cũng nâng lên 65%.

Mức thuế TTĐB đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống là 45%, loại có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 là 50%, loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 chịu thuế 60%.

Đặc biệt, các loại vàng mã, hàng mã sẽ có mức thuế TTĐB lên tới 70% trong khi kinh doanh vũ trường chịu thuế 40%. Các loại hình dịch vụ ăn chơi như massage, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược và kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin sẽ cùng chịu thuế ở mức 30%. Riêng kinh doanh golf có mức thuế 20%.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB được bổ sung lần này chủ yếu là loại mà nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Việc tiêu dùng các loại hàng, dịch vụ này tập trung vào những bộ phận có thu nhập cao, cần phải điều tiết thu nhập.

Theo đại diện ngành tài chính, thuế TTĐB đối với rượu, bia và thuốc lá hiện nay chưa phù hợp với mặt bằng chung của các nước trên thế giới (để đảm bảo đúng mục tiêu là hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe). Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới, mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp, cần thiết phải tăng thuế suất.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, riêng việc bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga không cồn vào diện chịu thuế, dự kiến số thu ngân sách tăng khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2016, đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng.

Tương tự, việc kinh doanh đặt cược, kinh doanh xổ số và trò chơi có thưởng, nhắn tin bình chọn có thưởng là loại hình đang được rất nhiều công ty khai thác với nguồn thu không nhỏ. Tuy nhiên, các nhà mạng sau khi phân chia doanh thu theo hợp đồng hợp tác cho các đơn vị tổ chức, chỉ phải kê khai, nộp thuế VAT, không phải kê khai nộp thuế TTĐB.

Lâu nay, thả nổi thuế thuốc lá

Bộ Tài chính cũng xây dựng hai phương án để thu thuế TTĐB với mặt hàng này. Với phương án 1, dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016 là 2.930 tỷ đồng; năm 2017 là 3.300 tỷ đồng và năm 2018 là 7.700 tỷ đồng. Với phương án áp dụng mức thuế tuyệt đối kết hợp với tăng mức thuế tương đối, dự kiến năm 2016 số thu ngân sách tăng 3.300 tỷ đồng và năm 2017 là 3.563 tỷ đồng, năm 2018 là 7.749 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.