'Ăn cơm trước kẻng' ngày càng nhiều

'Ăn cơm trước kẻng' ngày càng nhiều
TP - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu trăn trở, đề cập trong Hội thảo Đại biểu dân cử với các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) vị thành niên và thanh niên do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, và nhi đồng tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định ngày 15/5. 

TS Lã Ngọc Quang, Đại học Y tế Công cộng, cho biết, kết quả nghiên cứu trên 845 sinh viên của một trường cao đẳng năm 2014 cho thấy kiến thức về quan hệ tình dục an toàn chưa cao, thái độ về quan hệ tình dục trước hôn nhân của một bộ phận không nhỏ sinh viên khá cởi mở. Tỷ lệ sinh viên quan hệ tình dục trước hôn nhân là 29,1% (42% nam, 19,5% nữ). 25,8% nam sinh viên quan hệ tình dục với phụ nữ mại dâm; 2,6% quan hệ tình dục đồng tính; 13% mang thai hoặc làm bạn tình mang thai ngoài ý muốn.

Theo BS.ThS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng LIGHT, Giám đốc Quỹ Vòng tay nhân ái (Bộ Y tế), khoảng 30% số nạo phá thai hằng năm là chưa có gia đình, trong đó có tỷ lệ lớn là vị thành niên. Độ tuổi kết hôn tăng (trung bình 24-26 tuổi) trong khi độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu giảm (19,5 và 18,5 tuổi). Số thanh niên tham gia mại dâm có xu hướng tăng (64,9% độ tuổi dưới 24). 

Truyền thông về SKSS/SKTD cho vị thành niên vẫn chưa đạt hiệu quả cao, do thông điệp không rõ ràng, không phù hợp, mang tính giáo điều lý thuyết. “Việc sử dụng ngôn ngữ không gần gũi, xa lạ khiến cho vị thành niên ít nắm bắt được, dẫn đến tình trạng tò mò, thậm chí tìm hiểu, học “bài học đầu đời” thông qua gái mại dâm”, bà Giang nói.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên, thanh niên, bà Lê Thị Phương Nam, Vụ trưởng Vụ VHGDTNTN&NĐ cho biết còn một số hạn chế, vướng mắc. Các vấn đề liên quan SKSS/SKTD vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong việc xây dựng các chính sách và triển khai thực hiện. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chăm sóc SKSS/SKTD còn thiếu đồng bộ, nhất là các khâu tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ. Đội ngũ cán bộ y tế tại một số cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, hiệu quả tư vấn, cung cấp dịch vụ chưa cao. Việc duy trì, nhân rộng các mô hình chăm sóc SKSS/ SKTD gặp rất nhiều khó khăn…

Nhiều đại biểu kiến nghị cần có một cơ quan điều phối chung và chịu trách nhiệm về vấn đề chăm sóc SKSS/SKTD trong thanh niên, vị thành niên...

MỚI - NÓNG